Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong tháng 1/2020 giảm mạnh
Kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh
Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 1 ước đạt 19 tỉ USD, giảm 15,8% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 6,31 tỉ USD, giảm 23,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 12,69 tỉ USD, giảm 11,6%.
Một số mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch giảm như dệt may đạt 2,6 tỉ USD, giảm 21%; điện thoại và linh kiện đạt 2,6 tỉ USD, giảm 22,4%; giày dép đạt 1,6 tỉ USD, giảm 9,7%.
Bên cạnh đó, một số mặt hàng nông sản cũng có kim ngạch giảm nhiều so với cùng kì năm trước như thủy sản đạt 550 triệu USD, giảm 25,2%; cà phê đạt 245 triệu USD, giảm 30,3% (lượng giảm 30,6%); hạt điều đạt 215 triệu USD, giảm 19,6%.
Trong khi đó, một số mặt hàng xuất khẩu có giá trị chỉ tăng nhẹ như điện tử, máy tính và linh kiện đạt 2,6 tỉ USD, tăng 5,6%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1 tỉ USD, tăng 1,4%.
Về thị trường hàng hóa xuất khẩu, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong tháng 1 với kim ngạch đạt 4,8 tỉ USD, giảm 7,6% so với cùng kì năm trước.
Trung Quốc đạt 3,7 tỉ USD, tăng 32,8%; thị trường EU đạt 2,6 tỉ USD, giảm 30,8%; ASEAN đạt 1,6 tỉ USD, giảm 34,8%; Nhật Bản đạt 1,6 tỉ USD, giảm 15,8%; Hàn Quốc đạt 1,3 tỉ USD, giảm 29,3%.
Dịch corona có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) chưa nhận thấy khả năng bệnh dịch corona có tác động lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam với Trung Quốc.
Tuy nhiên, hiện đã có thông tin về việc nhu cầu tiêu thụ một số sản phẩm nông sản tại Trung Quốc chững lại do diễn biến phức tạp của bệnh dịch tại Trung Quốc.
Mặt khác, do công tác chống dịch đang được thực hiện nghiêm ngặt nên việc vận chuyển giao nhận hàng hóa giữa các tỉnh, thành của Trung Quốc cũng hết sức khó khăn.
Các cặp cửa khẩu thuộc địa bàn thị Bằng Tường của Trung Quốc sẽ kéo dài thời gian đóng cửa đến hết ngày 08 tháng 02 năm 2020 (trừ cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị Quan mở cửa vào ngày 03 tháng 02 năm 2020) với lý do đảm bảo công tác phòng chống dịch.
"Nếu dịch kéo dài, việc thông thương, đi lại tại các cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc bị hạn chế thì chắc chắn lưu lượng hàng hóa thông qua các cửa khẩu sẽ bị ảnh hưởng", Cục Xuất nhập khẩu nhận định.
Nhập siêu hơn 100 triệu USD vào đầu năm
Ở chiều ngược lại, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 1 ước tính đạt 19,1 tỉ USD, giảm 14,4% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 8,7 tỉ USD, giảm 17,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 10,4 tỉ USD, giảm 11,3%.
Về thị trường hàng hóa nhập khẩu trong tháng 1, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước tính đạt 6,2 tỉ USD, giảm 7,1% so với cùng kì năm trước.
Hàn Quốc đạt 3,2 tỉ USD, giảm 22,8%; ASEAN đạt 2,4 tỉ USD, giảm 10,8%; Nhật Bản đạt 1,5 tỉ USD, tăng 2,7%; EU đạt 1,2 tỉ USD, giảm 6,5%; Mỹ đạt 1,2 tỉ USD, tăng 5,4%.
Như vậy, trong tháng 1, cả nước nhập siêu 100 triệu USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 2,4 tỉ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 2,3 tỉ USD.