|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ngành da giày Việt Nam có thể đạt kim ngạch xuất khẩu 24 tỉ USD

08:47 | 28/01/2020
Chia sẻ
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho biết, năm 2020 các đơn hàng gia công giày dép, túi xách tiếp tục xu hướng chuyển dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Ngành da giày Việt Nam có thể đạt kim ngạch xuất khẩu 24 tỉ USD - Ảnh 1.

Nhiều cơ hội cho ngành da giày đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 24 tỷ USD. Ảnh minh họa: TTXVN

Bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết, năm 2020 nguy cơ đối đầu thương mại Mỹ - Trung; giữa Mỹ với các đối tác thương mại khác ở châu Âu, Ấn Độ… khả năng sẽ giảm dần và nền kinh tế toàn cầu sẽ dần phục hồi.

Do vậy, các đơn hàng gia công giày dép, túi xách tiếp tục xu hướng chuyển dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam tận dụng ưu đãi thuế quan từ các Hiệp định thương mại tự do, thay thế cho sự sụt giảm xuất khẩu của Trung Quốc. 

Bên cạnh đó, khối doanh nghiệp FDI tiếp tục đầu tư mới và mở rộng sản xuất, sẽ giúp ngành da giày duy trì tăng trưởng xuất khẩu.

Theo đó, Lefaso dự báo năm 2020, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm da giày tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam năm 2020 vẫn tăng. 

Do vậy, chỉ số sản xuất công nghiệp trung bình của ngành năm 2020 sẽ tăng khoảng 11%, tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm 60% và kim ngạch xuất khẩu đạt 24 tỷ USD, giữ vững tốc độ tăng trưởng 10% so với năm 2019.

Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho biết, trong bối cảnh hiện nay, để đạt mục tiêu trên, các doanh nghiệp da giày phải thay đổi. 

Theo đó, ngoài việc Nhà nước tạo điều kiện, chính sách thông thoáng, ngành da giày phải dựa trên các trụ cột, đó là: phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, nguyên phụ liệu trong nước; tăng năng suất lao động; các doanh nghiệp cần quản trị dựa trên nền tảng số và định vị lại ngành da giày theo hướng khuyến khích, ưu tiên đầu tư ở một số tỉnh miền Trung và các tỉnh miền Tây.

Ông Nguyễn Đức Thuấn cũng cho biết thêm, khó khăn lớn nhất mà ngành da giày đang phải đối mặt hiện nay là về chất lượng nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực các trường đào tạo ra phần lớn khi các doanh nghiệp tuyển dụng phải mất một thời gian cho đi đào tạo lại.

Từ năm 2015 đến nay, ngành da giày Việt Nam liên tục đứng vị trí thứ 2 thế giới về xuất khẩu giày dép (sau Trung Quốc) và là một trong những ngành có đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế đất nước.

Cụ thể, năm 2019 hoạt động xuất khẩu của ngành da giày Việt Nam tặng trưởng ổn định, duy trì được lợi thế cạnh tranh tại các thị trường truyền thống. 

Top 5 thị trường có kim ngạch lớn nhất, chiếm trên 82,% tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam bao gồm: Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Bà Phan Thị Thanh Xuân đánh giá, mặc dù tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 22 tỷ USD, nhưng đóng góp chủ yếu cho kim ngạch xuất khẩu là khối doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với 15,1 tỉ USD, chiếm 75,8%.

Tuy nhiên, khoảng cách của doanh nghiệp FDI và trong nước đã thu hẹp, xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước tăng từ 19,7% (năm 2017) lên 24,2% (năm 2019). Đây là dấu hiệu tốt, khẳng định sự phục hồi của các doanh nghiệp da giày trong nước.

Bà Phan Thị Thanh Xuân nhấn mạnh, năm 2019 Lefaso đã thực hiện tốt chức năng đại diện cộng đồng cho doanh nghiệp cũng như tham vấn chính sách cho các cơ quan nhà nước, tiêu biểu như tham vấn chính sách đối với vấn đề công nghiệp hỗ trợ, tham vấn cải cách thủ tục hành chính, tham vấn sửa đổi Bộ luật Lao động…

Đồng thời, Hiệp hội tích cực chủ trì, phối hợp tham gia các hoạt động của ngành như lễ vinh danh các thương hiệu da giày Việt Nam có uy tín, thực hiện tốt vai trò đầu mối xúc tiến thương mại của ngành, tham gia các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia hàng năm.

Đặc biệt, năm 2019, hiệp hội đã hoàn tất thủ tục thành lập trung tâm kiểm nghiệm da giày ở thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương. 

Bên cạnh đó, thông qua hoạt động của hiệp hội, các doanh nghiệp đã tăng cường liên kết, chủ động, sáng tạo, tích cực trong nâng cao năng lực sản xuất, đổi mới công nghệ, góp phần vào thành tích chung của toàn ngành.

Bước sang năm 2020 tình hình thế giới và khu vực dự báo tiếp tục có những diễn biến phức tạp và khó lường. Cùng với đó, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do sẽ mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp nhưng cũng tạo ra nhiều thách thức.

Vì vậy các doanh nghiệp cần phải tích cực nghiên cứu, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất và chủ động hơn trong việc phát triển thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Hằng Trần