Không thiếu nguồn cung thực phẩm cho TP HCM và các tỉnh đang áp dụng Chỉ thị 16
Chiều 21/7, Tổ công tác đặc biệt Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức cuộc họp trực tuyến với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TP HCM nhằm giải quyết vấn đề cung ứng – tiêu thụ các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm và trứng gia cầm trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Nguồn cung thịt đảm bảo, trứng vẫn thiếu
Ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai thông tin: Hiện nay, mỗi ngày Đồng Nai cung ứng ra thị trường 8.300 con lợn, 120.000 con gà, vịt và 4 triệu quả trứng gia cầm.
Trong đó, sản lượng cung ứng cho thị trường TP HCM khoảng 3.700 con lợn, 4.800 con gà, vịt và hơn 2 triệu quả trứng gia cầm. Trên địa bàn tỉnh hiện có 45 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, đang hoạt động hết công suất để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh và cung cấp cho TP HCM.
Tương tự, ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương cho biết, trong nửa đầu năm 2021, hoạt động sản xuất nông nghiệp diễn ra thuận lợi, tổng đàn gia súc, gia cầm tăng so với cùng kỳ năm 2020. Bên cạnh việc đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của tỉnh, mỗi ngày Bình Dương có thể cung cấp cho TP HCM 50 tấn thịt lợn, 81 tấn thịt gia cầm và 450.000 quả trứng gia cầm.
Theo ông Phạm Văn Bông, ngoài lượng hàng tươi sống cung cấp hàng ngày, Bình Dương còn có hệ thống kho bảo quản lạnh một số thực phẩm với lượng hàng dự trữ là 3.000 tấn.
Song song đó, những vướng mắc trong việc kiểm soát hoạt động vận chuyển, lưu thông thực phẩm, hàng hóa thiết yếu giữa Bình Dương và TP HCM đã được tháo gỡ. Nhờ đó, việc cung ứng hàng hóa cho TP HCM của các doanh nghiệp hợp tác xã tại Bình Dương khá thuận lợi.
Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM cho biết, qua theo dõi nhu cầu tiêu thụ thịt, trứng của người dân TP HCM từ ngày 9/7 đến nay có thể nhận thấy, nhu cầu mua sắm thực phẩm của người dân chỉ tăng vọt trong từ1-2 ngày trước khi chuẩn bị thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg với mục đích tích trữ.
Những ngày sau đó, mức độ mua sắm đã “hạ nhiệt” dần và hiện nay ở mức bình thường. Trung bình mỗi ngày thành phố tiêu thụ từ 5.000 -7.000 con lợn, 60.000 con gia cầm, 200 con bò.
Với khả năng cung ứng của hai tỉnh Đồng Nai, Bình Dương cộng với hoạt động của các lò giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố, nguồn cung thịt các loại cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Tuy nhiên, theo ông Đinh Minh Hiệp, mặt hàng trứng gia cầm vẫn đang thiếu thụt khá nhiều. Theo báo cáo từ các hệ thống siêu thị như: Bách Hóa Xanh, Satra, Aeon và Mega Market, cần thêm khoảng 370.000 trứng gia cầm các loại/ngày mới đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.
“Nguồn cung chính trứng gia cầm của TP HCM là Đồng Nai và các tỉnh miền Tây. Tuy nhiên khi dịch COVID-19 lan rộng ra các tỉnh miền Tây thì người dân địa phương cũng có tâm lý dự trữ trứng, dẫn đến nguồn cung cho TP HCM giảm. Trong khi đó, người dân TP HCM cũng tăng mua trứng nên các siêu thị, điểm bán trứng liên tục cháy hàng”, ông Hiệp chia sẻ.
Kết nối trực tiếp
Đại diện Sở Công Thương TP HCM cho biết, những ngày đầu giãn cách xã hội, người dân TP HCM đổ xô đi mua số lượng lớn lương thực, thực phẩm để tích trữ dẫn đến mất cân đối cung – cầu.
Đến nay, sau hơn 10 ngày thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, sức mua đã về bình thường, cộng với việc tăng cường huy động nguồn cung từ các tỉnh nên lượng hàng thực phẩm cung cấp ch TP HCM đã tương đối đầy đủ cả về rau củ quả và thịt các loại, chỉ còn thiếu nguồn trứng gia cầm.
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại TP HCM cho rằng, qua dữ liệu tổng hợp từ các địa phương có thể thấy, nguồn cung thực phẩm cho TP HCM và cả các tỉnh đang áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ là không thiếu.
Tuy nhiên, vẫn còn hiện tượng “tắc nghẽn” trong việc kết nối giữa các đơn vị cung ứng và phân phối.
Nguyên nhân là trước khi dịch bệnh bùng phát mạnh, 70% lượng hàng hóa nông sản, thực phẩm được phân phối theo chuỗi cung ứng gồm các mắt xích: người sản xuất – chợ đầu mối – chợ truyền thống – người tiêu dùng.
Chính vì vậy, khi cả 3 chợ đầu mối lớn và hàng trăm chợ truyền thống của TP HCM phải tạm dừng hoạt động đã làm đứt luôn chuỗi cung ứng, gây nên tình trạng ùn ứ hàng hóa tại nơi sản xuất nhưng thiếu hụt tại nơi tiêu thụ. Trong khi đó, hệ thống phân phối hiện đại trước đây chỉ chiếm 30% thị phần, nay phải gánh toàn bộ nhu cầu tiêu dùng của người dân TP HCM dẫn đến quá tải.
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, để khắc phục tình trạng trên, cần nhanh chóng kết nối trực tiếp các đơn vị cung ứng thực phẩm với các đơn vị phân phối đang hoạt động; tạm thời bỏ qua các khâu trung gian như: chợ đầu mối, chợ truyền thống để đảm bảo hàng hóa, đặc biệt là các thực phẩm thiết yếu được lưu thông liên tục.
Việc này không chỉ đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho TP HCM trong thời gian chống dịch mà còn giải quyết đầu ra cho người sản xuất tại các địa phương.
“Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM, Bình Dương và Đồng Nai tập hợp ngay danh sách các hợp tác xã, doanh nghiệp cung ứng nông sản, thực phẩm gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ còn Sở Công Thương TP HCM thông tin ngay danh sách các hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm đang hoạt động về Tổ công tác đặc biệt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại TP HCM để tiến hành kết nối ngay chuỗi cung ứng tạm thời.
Bên cạnh đó, tùy vào mức độ đánh giá an toàn dịch bệnh, Sở Công Thương TP HCM có thể xem xét để khôi phục một số chức năng của các chợ đầu mối, chợ truyền thống để giảm áp lực lên hệ thống các siêu thị và kênh phân phối hiện đại khác.”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị.
Tổ công tác đặc biệt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng lưu ý các địa phương chú trọng công tác đảm bảo an toàn phòng chống dịch cho các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Những ngày qua đã có một số lò giết mổ gia súc, gia cầm có người nhiễm COVID-19 và phải đóng cửa, dẫn đến năng suất giết mổ, pha lóc giảm, các cơ sở còn lại cũng khó khăn do thiếu nhân lực.
Vì vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành cần phối hợp với y tế địa phương hỗ trợ vệ sinh phòng dịch và test nhanh cho người lao động làm việc tại các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, đảm bảo duy trì nguồn cung thực phẩm ra thị trường.