|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

10 ngày chưa từng có của ngành bán lẻ TP HCM

07:19 | 19/07/2021
Chia sẻ
10 ngày qua, ngành bán lẻ TP HCM trải qua nhiều thăng trầm chưa từng thấy, từ cảnh người dân ùn ùn xếp hàng đi siêu thị trữ đồ, đến lúc được gỡ khó để hàng hoá về đầy kệ.

Có thể nói, chưa bao giờ người dân TP HCM vất vả với việc mua sắm như 10 ngày qua. Ngành bán lẻ tại thành phố lớn nhất cả nước cũng chưa hẳn từng đối mặt với áp lực cao như những hình ảnh xuất hiện trên mặt báo. Người người xếp hàng vào siêu thị, nhà nhà trông mong đơn hàng online, siêu thị có nơi ùn ứ, có nơi đóng cổng miễn tiếp khách, cửa hàng tiện lợi bỗng chốc trở thành "cửa hàng nội thất" vì… chỉ có kệ mà không có hàng.

Ùn ùn trữ hàng

Tối 6/7, thông khi chợ đầu mối nông sản Thủ Đức đóng cửa để phòng chống dịch, lan truyền khắp mạng xã hội. Thông tin trên được xem là tác nhân khơi mào lên nhiều tin đồn và tâm lý hoang mang cho 10 triệu dân thành phố, bởi đây là chợ đầu mối cuối cùng của TP HCM còn hoạt động. Lập tức, tối hôm đó đến sáng hôm 7/7, nhiều người dân lo lắng không có hàng dự trữ, nhất là thực phẩm tươi sống nên rồng rắn xếp hàng tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi khắp mọi quận, huyện.

Trong hàng dài cả trăm mét trước lối vào siêu thị Co.op Mart Xa lộ Hà Nội (TP Thủ Đức), hầu hết khách hàng đều cho biết, lần đầu tiên chứng kiến cảnh nhiều người xếp hàng khi đi siêu thị như hôm nay. Nhân viên tại điểm bán này cho biết đã hoạt động hết công suất, lên tục châm hàng liên kệ. Đơn đặt hàng và khách mua sắm trực tiếp liên tục tăng khiến nguồn lực quá tải.

Cùng lúc, các hệ thống bán lẻ thực phẩm khác như Tops Market, Satra, Bách Hóa Xanh, Lotte Mart... cũng ghi nhận cảnh người dân cũng ùn ùn mua sắm. Lượng khách sáng hôm đó đến các điểm bán tăng gấp 2-3 lần so với trước đó.

10 ngày chưa từng có của ngành bán lẻ TP HCM - Ảnh 1.

Người dân xếp hàng dài trước cửa siêu thị Co.op Mart Xa lộ Hà Nội sáng 8/7. (Ảnh: Y Khải).

Không chỉ đổ xô mua sắm tại các siêu thị và cửa hàng tiện lợi, lượng khách mua online cũng tăng cao đột biến. Nhiều người tiêu dùng liên tục phản ánh, nền tảng đặt hàng trực tuyến của Vinmart, Sagon Co.op, Tops Market, Bách Hóa Xanh, Lottemart đều quá tải, nhiều hệ thống báo không còn hàng. Đại diện các siêu thị đều cho biết, lượng mua hàng online tăng 2-10 lần so với trước đó, còn tại hệ thống tăng gấp 3 lần.

Chưa đầy 24 giờ đồng hồ, hệ thống bán lẻ toàn thành phố quay cuồng trong guồng lệch nhịp giữa cung và cầu. Chiều 7/7, Sở Công Thương lên tiếng khẳng định TP HCM không thiếu thực phẩm với nguồn dự trữ lên tới 120.000 tấn, tăng gấp ba thông thường, đáp ứng đủ nhu cầu cho người dân. Các hệ thống bán lẻ đều lần lượt khẳng định, lượng hàng dự trữ tăng 3-5 lần, đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của 10 triệu dân lên tới 1-4 tháng.

Lời khẳng định của cơ quan chức năng và đại diện các hệ thống bán lẻ chưa trấn an người tiêu dùng được bao lâu thì thông tin bên lề về lệnh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tiếp tục đẩy chân người dân đến xếp hàng kín lối vào siêu thị. Cảnh tượng quen mắt, vốn đã xuất hiện trong đợt giãn cách xã hội tháng 4/2020, nay bắt gặp lại với cường độ mạnh hơn, kéo dài đến tận tối ngày 8/7.

Kệ hàng lại đầy ắp

Thế rồi chỉ sau một đêm, ngành bán lẻ TP HCM bắt đầu dễ thở khi sáng 9/7, ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội, người tiêu dùng bắt đầu mua sắm chừng mực. Đây cũng là thời điểm hàng hoá tại nhiều hệ thống siêu thị đầy ắp, nhất là thực phẩm tươi sống với giá bình ổn. Khách hàng ghé các siêu thị không quá đông, mọi người đều chậm rãi chọn sản phẩm và giữ khoảng cách an toàn. Tại khu vực rau củ quả, hàng hoá lên kệ đầy đủ, nhân viên túc trực quanh các kệ hàng nhầm bổ sung thêm rau củ liên tục. Quầy thịt heo cũng trưng lên nhiều khay thịt cắt sẵn tiện dụng. Sức cầu của khách hàng không quá nhiều, dù thế nhân viên vẫn châm hàng với tần suất thường xuyên hơn trước.

10 ngày chưa từng có của ngành bán lẻ TP HCM - Ảnh 2.

Quầy rau củ đầy ắp tại siêu thị Co.op Xtra Linh Trung (TP Thủ Đức) ngày 9/7. (Ảnh: Y Khải).

Sức cầu giảm cũng là thời điểm nhiều đơn vị có thời gian và điều kiện tối ưu công tác phân phối hàng hoá. Lúc bấy giờ, đại diện Saigon Co.op cho biết, lượng hàng hoá trong những ngày qua đã tăng gấp 3-5 lần so với ngày thường. Hiện đơn vị này đang triển khai 25 kho lưu động vệ tinh khăp TP HCM giúp hàng hoá được phân phối đồng đều, lượng hàng lên kệ nhiều hơn. Từ hôm 8/7, trung tâm phân phối cũng tăng cường chuyến xe để kịp thời phục vụ tại các siêu thị.

Tập đoàn Central Retail, đơn vị vận hành chuỗi siêu thị Tops Market cũng cho biết, các điểm kinh doanh tại khu vực TP HCM được tăng cường các mặt hàng thịt tươi lên gấp 7 lần, đạt khoảng 70 tấn mỗi ngày. Với rau củ quả, đơn vị này cung ứng khoảng hơn 100 tấn mỗi ngày. Chuỗi siêu thị Tops Market cũng đang dự trữ các mặt hàng FMCG trong kho đủ phục vụ khách hàng trên 30 ngày, tương đương 1.800 tấn, tăng 30% so với thông thường.

Chỉ sau thời gian ngắn, hệ thống bán lẻ và người tiêu dùng tại TP HCM có nhiều thay đổi đột ngột. Từ việc chen chúc, thậm chí giành giật nhau gom thực phẩm để trữ hàng càng nhiều càng tốt, đến nay người dân đã từ tốn mua sắm tại các siêu thị. Từ cảnh thịt cá, rau củ lên kệ không kịp bán, đến nay các siêu thị đã đảm bảo cung ứng đủ lượng hàng hoá cho người dân.

Tiếp tục thiếu hàng cục bộ

Dễ thở được 3 ngày, đến ngày 12/7, các siêu thị và cửa hàng tiện lợi tiếp tục căng mình sau thông tin các ca nhiễm tại TP HCM liên tục tăng cao, nhiều khu công nghiệp, khu dân cư bị phong tỏa khiến người dân tiếp tục kéo nhau đi mua nhu yếu phẩm dự trữ. Điều này dẫn đến các mặt hàng thực phẩm, đồ tươi sống ở một số siêu thị bị thiếu cục bộ.

Trước tình trạng trên, lãnh đạo các siêu thị tiếp tục khẳng định nguồn hàng dồi dào. Một vài nơi trong siêu thị có hiện tượng bị thiếu hàng cục bộ do lượng khách đến siêu thị quá đông. Nhiều người lo sợ phong tỏa nên tiếp tục gom hàng số lượng lớn.

Đại diện VinCommerce lúc bấy giờ chia sẻ với báo giới, khó khăn nhất của doanh nghiệp là khâu vận chuyển hàng từ các tỉnh về TP HCM và từ kho tổng đến các siêu thị do bị tắc ở nhiều chốt kiểm dịch. Tài xế vận chuyển hàng đều phải có giấy xét nghiệm âm tính mới được qua trạm nên tốn nhiều thời gian hơn trong lưu thông hàng. Dù đã được hỗ trợ từ Sở Công Thương nhưng do có quá nhiều khu vực giãn cách, phong tỏa nên chuỗi bán lẻ này vẫn gặp khó khăn trong khâu vận chuyển hàng.

Vị này cũng chỉ rõ, với siêu thị lớn hàng trăm m2 sẽ có kho hàng dự trữ, sẵn sàng bổ sung lên kệ cho khách. Nhưng ở các cửa hàng tiện lợi thường diện tích nhỏ, mỗi ngày châm hàng hai lần nên đã xảy ra tình trạng trống kệ, không có hàng một vài thời điểm.

Đại diện Saigon Co.op cũng cho hay, vào ngày thứ 4 giãn cách xã hội, khâu lưu thông đã được tháo gỡ khó khăn lên tới 70%. Dẫu vậy, khó khăn lại đến từ nguồn lực nhân sự. Mặc dù siêu thị đã tăng cường tổng lực vẫn bị thiếu hụt do nhiều nơi có ca nghi F0, buộc phải tầm soát và xét nghiệm cho nhân viên để đảm bảo an toàn cho khách hàng. Do đó, nhân sự để phục vụ chưa thể đáp ứng đầy đủ lượng khách hàng quá tải như hiện nay.

Với hệ thống LotteMart, đại diện cho biết, lượng đơn đặt hàng trực tuyến hiện tại ở mức cao, kín lịch giao hàng từ ngày 12/7 đến 17/7. Đơn vị đã phải tuyển dụng đội giao hàng linh động 20 người, điều động xe tải 7 chỗ giao hàng.

10 ngày chưa từng có của ngành bán lẻ TP HCM - Ảnh 3.

Kệ hàng rau củ tại siêu thị Lotte Mart (quận 7) tiếp tục trống dần vào sáng 12/7. (Ảnh: Y Khải).

Trong các siêu thị gần như "ba đầu sáu tay" phục vụ người tiêu dùng, hiện tượng tiêu cực đã xảy ra. Hôm 13/7, Saigon Co.op cho biết, lợi dụng hệ thống bán hàng bình ổn, một số cá nhân đã gom hàng siêu thị với số lượng lớn rồi đem ra ngoài bán hưởng lợi. Điều này khiến một số mặt hàng thiếu hụt cục bộ, siêu thị không châm hàng kịp dẫn đến việc một số người dân có nhu cầu thật sự không mua được hàng, nhất là trứng gà. Do đó, hệ thống này phải dán bảng hạn chế số lượng mua để giúp càng nhiều người mua được hàng càng tốt.

Để giảm tải cho các siêu thị, từ ngày 14/7, Sở Công Thương TP HCM kết hợp với nhiều doanh nghiệp mở thêm 1.000 điểm bán hàng lưu động phục vụ người dân. Các điểm bán hàng bao gồm điểm bán lưu động ngoài vỉa hè của các siêu thị, điểm bán thực phẩm tươi sống tại bưu cục, cửa hàng Con Cưng, Guardian, Vinshop… Sở cũng hướng dẫnc ác chợ chọn thí điểm 2-10 tiểu thương kinh doanh rau củ quả để mở bán trở lại. Nếu nhiều tiểu thương có nhu cầu thì bố trí kinh doanh luân phiên, hướng dẫn chuẩn bị nguồn hàng, phân chia sẵn, đóng gói sẵn theo quy cách đồng giá để thuận tiện, nhanh chóng trong mua bán.

Tranh cãi tăng giá thực phẩm

Ngoài tranh nhau mua hàng, người tiêu dùng TP HCM còn tranh nhau bảo vệ quan điểm của mình trước động thái tăng giá thực phẩm tươi sống của chuỗi Bách Hoá Xanh. Liên tục từ ngày 12-15/7, người tiêu dùng phản ánh nhiều mặt hàng thiết yếu như thịt, cá, rau củ tại chuỗi bán lẻ này tăng giá và có sự chênh lệch so với các siêu thị, cửa hàng thực phẩm khác.

Về phía đơn vị vận hành, CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động khẳng định, không có chủ trương tăng giá bán lẻ để kiếm lời trong giai đoạn dịch bệnh. Tuy nhiên, doanh nghiệp không thể bảo đảm 100% việc giữ giá bán như trước đợt dịch đối với một số mặt hàng tươi sống mà phải điều chỉnh theo sự biến thiên của giá nhập đầu vào tại những thời điểm nhất định.

Ngoài ra, một yếu tố khác được doanh nghiệp đưa ra giải thích tăng giá bán tại một số mặt hàng là do phía nhà cung cấp tăng giá do tăng chi phí vận chuyển, phí nhân công, tài xế, hư hỏng do kéo dài thời gian lưu thông. Các vấn đề liên quan tới nhân viên trong vùng dịch, nhân viên phải đi cách ly,… dẫn đến tình trạng thiếu nhân sự, buộc doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động kho và cửa hàng. Công ty cho biết đang tập trung giải quyết các vấn đề trên.

Hàng hoáBách Hoá XanhCo.op MartSatra Foods
Khổ qua

45.000

30.500

26.500

Cải thìa

34.300

34.000

41.500

Thịt ba rọi

192.000

200.000

200.000

Nạc vai

150.000

145.000

170.000

Giá một số thực phẩm tươi sống tại các hệ thống bán lẻ, ghi nhận hôm 16/7. Đơn vị: đồng/kg. Y Khải tổng hợp.

Trong lúc đó, đại diện VinMart lập tức khẳng định không có chuyện tăng giá các mặt hàng vào lúc này. "Giá cả bình ổn. Các nhà bán lẻ hiện đại có quản lý và theo chỉ đạo bình ổn giá của Sở Công Thương", phía VinMart cho biết.

Trên trang truyền thông nội bộ Saigon Co.op, đơn vị này cho biết mặc dù chịu nhiều áp lực từ các chi phí phát sinh trong công tác vận tải, vận chuyển, xét nghiệm, một số mặt hàng khó khăn cục bộ và rất nhiều khó khăn về nhân sự nhưng Saigon Co.op quyết tâm không tăng giá hàng hóa.

"Thực tế giá cả các mặt hàng rau củ quả, thịt, trứng, sữa, gạo của hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food chưa có bất kỳ điều chỉnh tăng nào từ trước giãn cách cho đến nay dù giá các các mặt hàng này trên thị trường đã tăng gấp nhiều lần", đơn vị này khẳng định.

Nỗi khổ dân nội ô

Đến nay, sau 10 ngày "nghẹt thở" của ngành bán lẻ TP HCM, cục diện thị trường tạm ổn định. Tuy nhiên, tại những nơi có mật độ dân số cao, nhiều điểm phong toả, nhất là vùng nội thành, người tiêu dùng vẫn khó tiếp cận thực phẩm tươi sống. 

Từ khi có lệnh giãn cách theo Chỉ thị 16, đa số chợ đóng cửa, nhiều siêu thị hết thực phẩm cục bộ, hành trình tìm rau củ cho bữa ăn của Kim Xuyến (Bình Thạnh) với chị là nỗi khổ. Chị cho biết, phường mình đang sinh sống không có siêu thị, ít cửa hàng thực phẩm. Những ngày qua, chị thường ghé siêu thị Co.op Mart Văn Thánh để tìm mua thực phẩm.

Ngày 11/7, chị Xuyến đi siêu thị lúc gần 9h sáng, đến nơi đã phải xếp hàng từ nhà xe để được vào khu vực mua sắm. Khi vào trong, chị tiếp tục phải bóc số, ngồi xếp hàng chờ đến lượt của mình. Đến khi vào nơi mua sắm đã là 10h, các quầy thực phẩm trống trơn, còn lại hai túi ớt.

"Hôm đó tôi chỉ mua duy nhất một túi ớt 0,5kg với giá 40.000 đồng. Đến hôm nay đã là ngày thứ 6 tôi vẫn chưa mua được rau củ nào thêm", chị nói.

Trong lúc khó mua thực phẩm tại siêu thị, chị Xuyến lướt mạng xã hội tìm chỗ đặt hàng. Chị tìm được một đơn vị nhỏ chuyên bán rau củ, nhưng hành trình mua sắm vẫn chưa thể suôn sẻ. Ngày 13/7, chị lên website của cửa hàng đặt sản phẩm, sau khi hoàn tất, phải gửi ảnh chụp màn hình vào nhóm Zalo của cửa hàng. Đợt một thời gian, chị tạm yên tâm khi nhân viên xác nhận đơn đặt hàng của mình. Dự kiến, đơn hàng giao vào ngày hôm sau, nhưng đến nay, cửa hàng thông báo phải dời đến ngày 16 hoặc 17/7 mới có thể giao đến chị.

10 ngày chưa từng có của ngành bán lẻ TP HCM - Ảnh 5.

Người dân TP Thủ Đức lựa chọn bắp cải bên khu vực rau củ quả đầy ắp tại siêu thị Co.op Mart Đồng Văn Cống hôm 12/7. (Ảnh: Y Khải).

Trong khi đó, sống tại TP Thủ Đức, anh Thế Lương tự nhận mình "bình chân như vại" trong suốt thời gian qua. Từ ngày 7/7 đến nay, anh ghé cửa hàng thực phẩm hai lần và một lần mua sắm ở siêu thị, không lần nào anh gặp cảnh chen chúc hay những kệ hàng trống. Khu vực anh sống có nhiều sinh viên và công nhân, dịch bệnh bùng phát khiến nhiều sinh viên về quê nên lượng người còn ở lại vơi đi không ít. Vì thế, anh khó bắt gặp hình ảnh mà người dân khu nội ô "ám ảnh" những ngày qua.

"Bản thân tôi cảm thấy không cần thiết phải dự trữ đồ ăn khi khu vực mình sống vẫn rất thoải mái. Cách đây hai hôm, tôi đi siêu thị, đinh ninh sẽ đông người nhưng thực tế không khác ngày thường là bao", anh nói thêm.

Y Khải