TP HCM sẽ tổ chức lại mạng lưới phân phối, không chỉ dựa vào các trụ cột như Saigon Co.op, Bách Hóa Xanh hay VinMart
Mới đây, trong một cuộc họp báo cung cấp thông tin, tuyên truyền, phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP HCM, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM cho biết, hiện tại có đến hơn 80% số chợ truyền thống đã tạm đóng cửa.
Trong khi năng lực cung ứng của chợ truyền thống chiếm đến 60-70%. Do đó, khi các chợ này dừng hoạt động, các kênh phân phối hiện đại như siêu thị và cửa hàng tiện lợi đã phải đẩy công suất hàng lên tối đa, nhưng vẫn không đủ năng lực cung ứng.
Điều này dẫn đến tình trạng mấy ngày qua, người dân xếp hàng dài chờ mua hàng, giá cả nhiều mặt hàng tăng lên hơn mức bình thường…
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi cho rằng cung ứng hàng hoá thiết yếu là vấn đề rất lớn với đô thị có trên 10 triệu dân như TP HCM.
Lãnh đạo TP HCM cho biết thời gian qua thành phố đã có sự chuẩn bị. Song trong bối cảnh các tỉnh, thành xung quanh cũng thực hiện Chỉ thị 16, nên việc thu mua hàng hóa, vận chuyển về TP HCM có khó khăn và đôi lúc có thiếu cục bộ, giá cả một số mặt hàng có tăng lên, việc này là không tránh khỏi.
Các giải pháp được đưa ra là TP HCM đã bàn bạc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương và các tỉnh, thành đó là tổ chức thu mua, vận chuyển hàng hóa về TP HCM.
Đồng thời tổ chức lại các mạng lưới phân phối, không chỉ dựa vào các trụ cột chính như Co.opmart, Satra, Bách Hóa Xanh, VinMart… mà còn huy động các hệ thống khác vào cuộc, như Viettel Post, VNPost.
Thậm chí, các chuỗi cung ứng công nghiệp, thời trang trước đây nay có thể tham gia cung ứng nhu yếu phẩm. Trong thời gian tới, các quận huyện, xã phường cũng sẽ có điểm cung ứng hàng hóa.
"Bà con an tâm cùng TP HCM giải quyết vấn đề. Chứ nếu cùng lúc người dân cùng đổ ra mua hàng hóa dự trữ thì không hệ thống cung ứng nào có thể đáp ứng được", ông Phan Văn Mãi chia sẻ.
Tổ chức bán hàng lưu động
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với TP HCM và các tỉnh, thành phố khác để có phương án vận chuyển hàng hóa đến những địa phương áp dụng Chỉ thị 16 và đưa đến các nơi cần thiết nhất để người dân thuận tiện trong tiếp cận thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống.
"Chúng ta chuẩn bị đầy đủ nhu yếu phẩm phục vụ đời sống người dân. Song người dân cũng phải chuẩn bị tinh thần là sẽ có những xáo trộn nhất định", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.
Đơn cử như TP HCM đang dừng hoạt động khoảng 3/4 chợ truyền thống và đầu mối, 20% nhu cầu còn lại của người dân tập trung vào các siêu thị, trung tâm thương mại, do đó, phải tăng giờ bán lên hằng ngày và phải tính đến việc mở lại một số chợ truyền thống với điều kiện bảo đảm quy định phòng, chống dịch để tăng đầu mối cung cấp thực phẩm và hàng hóa thiết yếu cho người dân.
Mặt khác, một mô hình đang được áp dụng thành công, có hiệu quả là tổ chức bán hàng lưu động, không chỉ địa phương mà nhiều cơ quan cũng đã vào cuộc như hệ thống bưu điện, Viettel Post.
Ông Đỗ Thắng Hải cho rằng với kinh nghiệm áp dụng Chỉ thị 16 tại một số nơi như Bắc Giang, Bắc Ninh,TP HCM, Chính phủ và các bộ ngành luôn cố gắng hết sức bảo đảm đủ hàng phục vụ nhu cầu người dân.
Mong người dân bình tĩnh, tin tưởng vào các chỉ đạo, hướng dẫn của các bộ ngành, địa phương. Nếu người dân đổ xô tới những nơi đông người cũng là một nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Người dân không nên nóng ruột, tích trữ mua nhiều hàng hóa mà cần tuân thủ các quy định, hướng dẫn của các cấp có thẩm quyền, địa phương.
Dưới đây là danh sách các điểm bán mặt hàng thiết yếu ở TP HCM. Thông tin từ Sở Công thương thành phố cập nhật.