|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Cuộc chiến trên bàn ăn của WinMart, Bách Hoá Xanh với chợ truyền thống

10:24 | 07/01/2025
Chia sẻ
Giai đoạn 2016 - 2023, mô hình minimart ghi nhận tốc độ tăng trưởng đạt CAGR 45%. Yếu tố tiện lợi chính là chìa khóa thành công của mô hình minimart tại Việt Nam, nơi xe máy vẫn là phương tiện di chuyển chủ yếu.

6h chiều, Thuý Hạnh, 28 tuổi, nhân viên văn phòng ở Hà Nội vội vàng ghé vào WinMart+ dưới chung cư để mua thực phẩm cho bữa tối. Vợ chồng Hạnh có thói quen mua một số thực phẩm cần thiết dùng cho cả tuần vào thứ 7 hoặc Chủ Nhật, nếu hết đồ sớm, họ sẽ ghé cửa hàng tiện lợi gần nhà.

Khác với Hạnh, cô Lan, 52 tuổi, mẹ Hạnh lại chọn thức dậy sớm mỗi ngày để ra chợ truyền thống mua thịt tươi, rau tươi. Theo quan niệm của cô Lan, đồ ăn dùng tươi là ngon nhất, “tươi” ở đây nghĩa là thịt vừa ra lò, rau vừa được hái và mang ngay ra chợ bán. Vì thế, cô không thích mua thực phẩm, đồ sống trong siêu thị hay minimart vì cho rằng thịt, rau để qua ngày trong ngăn mát sẽ không còn ngon.

Chỉ qua một thói quen tiêu dùng nhưng đã xuất hiện hai quan điểm khác biệt. Và sự khác biệt này không chỉ ở gia đình Hạnh mà còn hiện diện ở nhiều gia đình ở Việt Nam hiện nay.

Người tiêu dùng lựa chọn rau tại siêu thị. (Ảnh: Lâm Anh).

Người Việt không ưa đồ đông lạnh

Trong báo cáo mới đây về ngành bán lẻ tạp hoá điện đại, Chứng khoán Vietcap chỉ ra rằng, người tiêu dùng Việt Nam thể hiện sự ưa chuộng rõ rệt đối với thực phẩm tươi sống hơn là các sản phẩm đóng gói sẵn. Minh chứng rõ nét nhất là doanh số bán lẻ thực phẩm tươi sống không đóng gói vẫn chiếm tỷ trọng đáng kể, hơn 80% tổng doanh số bán lẻ thực phẩm tươi sống.

Xét tại khu vực châu Á, Việt Nam cũng thuộc nhóm đầu các quốc gia coi trọng "sự tươi ngon" trong tiêu thụ thực phẩm. Tại các vùng trọng điểm nông nghiệp như Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng, người tiêu dùng, đặc biệt là nhóm trung niên, vẫn giữ thói quen dậy sớm đi chợ. Các khu chợ này thường mở cửa từ rất sớm, khoảng 2 giờ sáng, và đón lượng khách đông đúc nhất từ 4 giờ đến 8 giờ sáng.

Ngay cả ở khu vực thành thị, với sự phát triển mạnh mẽ của các sàn thương mại điện tử (như Grab, Shopee, Tiki...), người tiêu dùng vẫn ưa thích việc tự mình đến chợ/siêu thị để chọn lựa thực phẩm tươi sống, đảm bảo độ tươi theo yêu cầu.

“Có thể thấy, sự tươi ngon đã ăn sâu vào văn hóa tiêu dùng của người Việt, gắn liền với quan niệm về chất lượng và hương vị, biến việc đi chợ hàng ngày trở thành một nét sinh hoạt đặc trưng. Chính sự coi trọng này thúc đẩy người tiêu dùng không ngừng tìm kiếm sự đa dạng trong lựa chọn thực phẩm, bởi họ mong muốn chế biến những bữa ăn phong phú mỗi ngày”, nhà phân tích cho hay.

Nguồn: Vietcap.

Đáp ứng được nhu cầu 

Người tiêu dùng Việt Nam vốn quen thuộc với việc mua sắm thực phẩm tươi sống tại các chợ truyền thống, nhưng đại dịch COVID-19 (2020-2021) đã tạo nên bước chuyển đáng kể trong thói quen này. Người tiêu dùng bắt đầu chuyển hướng sang các kênh bán lẻ hiện đại nhờ những lợi thế vượt trội như sự tiện lợi, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm cao hơn và môi trường mua sắm sạch sẽ, văn minh.

Cùng với đó là xu hướng đô thị hóa ngày càng tăng và thu nhập người dân được cải thiện, các nhà bán lẻ hiện đại đã mở rộng mạng lưới đáng kể với trung bình hơn 700 cửa hàng mới/năm. Theo đó, tỷ lệ thâm nhập thị trường của mô hình bán lẻ hiện đại tại Việt Nam tăng trưởng ổn định với tốc độ trung bình 60 điểm cơ bản/năm trong giai đoạn 2016-2023.

 Nguồn: Vietcap.

Trong các loại hình bán lẻ, minimart dần nổi lên như một động lực tăng trưởng chủ chốt, đồng thời là mô hình bán lẻ tối ưu cho thị trường Việt Nam hiện nay. Điểm khác biệt của minimart so với các cửa hàng tiện ích thông thường là tập trung vào thực phẩm tươi sống, đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người tiêu dùng.

Điểm khác biệt của minimart so với các cửa hàng tiện ích thông thường là tập trung vào thực phẩm tươi sống, đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người tiêu dùng. Trong khi ngành hàng tạp hóa hiện đại tăng trưởng với tốc độ CAGR (tăng trưởng kép) 11% từ năm 2016 đến 2023, thì phân khúc minimart ghi nhận tốc độ tăng trưởng vượt trội, đạt CAGR 45% trong cùng kỳ.

 “Xu hướng này sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai, bởi mô hình minimart này đặc biệt phù hợp với nhóm khách hàng trẻ, thuộc tầng lớp trung lưu, thường xuyên di chuyển bằng xe máy và có nhu cầu mua sắm nhanh gọn các mặt hàng tạp hóa phục vụ cho bữa ăn hàng ngày”, chuyên gia cho hay.

Nguồn: Vietcap.

Theo đơn vị phân tích, Bách Hóa XanhWinCommerceSaigon Co.op và Satrafoods đang nắm giữ thị phần chủ chốt trong phân khúc minimart. Bách Hóa Xanh, Co.op Food và Satrafoods chủ yếu hoạt động tại thị trường miền Nam. WinCommerce - chủ sở hữu WinMart+/WIN, với lợi thế về quy mô, đã thiết lập được mạng lưới minimart rộng khắp trên cả nước.

Một số chuỗi minimart đáng chú ý khác có thể kể đến như Kingfoodmart ở miền Nam (ra đời năm 2018, được đầu tư bởi quỹ đầu tư Seedcom) và T-mart ở miền Bắc (thành lập năm 2009, được đầu tư bởi T-Group). Năm 2020, AEON cũng tham gia vào thị trường minimart với thương hiệu AEON MaxValu, tập trung phát triển tại miền Bắc.

 Một cửa hàng WinMart. (Ảnh: Lâm Anh).

Những cơ hội cho minimart

Theo Vietcap, yếu tố tiện lợi chính là chìa khóa thành công của mô hình minimart, đặc biệt tại Việt Nam, nơi xe máy vẫn là phương tiện di chuyển chủ yếu. Với diện tích nhỏ gọn (thường dưới 500m2), minimart có thể dễ dàng hình thành tại các khu dân cư, đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng ngày của người dân một cách nhanh chóng.

Nghiên cứu của Vietcap chỉ ra, "gần nhà" hoặc "thuận đường về nhà" là tiêu chí hàng đầu của người tiêu dùng Việt khi lựa chọn địa điểm mua sắm. Hơn nữa, việc bố trí cửa hàng ở những vị trí thuận tiện giúp người đi xe máy dễ dàng ghé vào mua sắm mà không mất nhiều thời gian. Với thói quen mua sắm số lượng ít và thường xuyên của người Việt, minimart với khoảng 4.000 mặt hàng thiết yếu đáp ứng hoàn hảo nhu cầu của cộng đồng dân cư.

Ngược lại, các đại siêu thị và siêu thị lớn hơn (với diện tích tối thiểu 1.000m2) gặp nhiều hạn chế trong việc tiếp cận người tiêu dùng do khó khăn trong việc tìm kiếm mặt bằng tại các khu vực đông dân cư. Bên cạnh đó, việc gửi xe và di chuyển trong siêu thị lớn cũng mất nhiều thời gian hơn, đặc biệt là vào giờ cao điểm. Vì vậy, người tiêu dùng thường chỉ lựa chọn siêu thị và đại siêu thị khi có nhu cầu mua sắm với số lượng lớn (các sản phẩm đóng gói, đồ gia dụng,...) để tận dụng lợi thế về giá cả và sự đa dạng sản phẩm.

Bên cạnh đó, lối sống hiện đại đang dần thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng, thúc đẩy sự chuyển dịch từ kênh bán hàng truyền thống sang minimart. 

Theo Kantar Worldpanel, minimart đang dần khẳng định vị thế trong ngành bán lẻ, thậm chí trong lĩnh vực bán lẻ hàng tiêu dùng nhanh (FMCG). Cụ thể, tại 4 thành phố lớn (TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ), thị phần của minimart trong tổng doanh số bán lẻ FMCG đã tăng từ 5% (năm 2018) lên 7% (năm 2023).

Ở khu vực nông thôn, con số này cũng tăng trưởng mạnh mẽ, từ mức gần như bằng 0 (năm 2018) lên 2% (năm 2023). Xu hướng này cho thấy, minimart đang ngày càng được ưa chuộng, kể cả ở những khu vực trước đây còn thiếu vắng các dịch vụ bán lẻ hiện đại.

Kantar Worldpanel dự báo, đến năm 2025, thị phần của minimart trong ngành bán lẻ FMCG sẽ đạt 8% tại khu vực thành thị của 4 thành phố trọng điểm và 4% tại khu vực nông thôn.

Lâm Anh