|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Không phải thâm hụt thương mại, giá năng lượng tăng lên mới là mối nguy lớn hơn của Mỹ

08:07 | 11/07/2018
Chia sẻ
Theo giới phân tích, tăng trưởng của kinh tế Mỹ hiện đang vượt mức tiềm năng hơn 1%, do vậy thị trường lao động và thị trường sản phẩm đang chịu áp lực lớn, và giá năng lượng tăng có thể dẫn tới nhiều hệ lụy. 
khong phai tham hut thuong mai gia nang luong tang len moi la moi nguy lon hon cua my Mỹ tiếp tục đánh thuế lên 200 tỷ USD giá trị nhập khẩu từ Trung Quốc

Thâm hụt thương mại của Mỹ với các nước khác đang ngày càng tệ hơn. Sau khi tăng tới 7,7% trong năm 2017, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2018, thâm hụt đã tăng lên gần bằng mức tăng của cả năm trước.

Sự thực là Mỹ đã không có tiến triển nào trong việc hạ thấp tỉ lệ thâm hụt thương mại với Liên minh Châu Âu và Trung Quốc. Lượng thâm hụt với hai nền kinh tế lớn này lên đến 218 tỉ dollar Mỹ chỉ trong giai đoạn tháng Một đến tháng Năm, chiếm gần 2/3 (64%) tổng lượng thâm hụt thương mại của Mỹ. So với cùng kỳ năm trước, tỉ lệ này cao hơn 11,3%, và tính trong một năm thì con số thâm hụt đã lên đến gần 500 tỉ USD.

Tỷ lệ thâm hụt của Mỹ với Liên minh Châu Âu và Trung Quốc tăng lần lượt 15% và 10%, được thúc đẩy bởi sự thâm nhập mạnh mẽ và liên tục của hàng hóa Châu Âu và Trung Quốc vào thị trường Mỹ.

Không có dấu hiệu của sự gián đoạn thương mại

Dựa trên các bằng chứng hiện tại, có thể thấy viễn cảnh ngắn hạn của nền ngoại thương Mỹ không mấy sáng sủa, vì các nguyên nhân sau: (a) Các động lực tăng trưởng khác nhau. (b) Chính sách đối đầu thương mại. (c) Hậu quả của khủng hoảng chính trị và an ninh bị trầm trọng hóa bởi các cuộc tranh chấp thương mại.

Để ngăn chặn một cuộc suy thoái gây ra bởi lạm phát, các thành phần trong tổng cầu của Mỹ như tiêu dùng gia đình, đầu tư nhà ở, đầu tư vốn của doanh nghiệp đã được củng cố bằng tỉ lệ việc làm cao, thu nhập sau thuế điều chỉnh theo lạm phát tăng lên, chi phí tín dụng thấp và kích thích tài khóa.

Mức tăng trưởng dự kiến trong khoảng từ 2,5 – 3,0% từ giờ đến cuối năm vẫn cao hơn một điểm phần trăm so với tiềm năng phát triển chưa kể lạm phát của nền kinh tế Mỹ. Áp lực về nguồn cầu tăng mạnh sẽ tiếp tục lan ra khắp thế giới và làm nhu cầu nhập khẩu của Mỹ đối với các mặt hàng và dịch vụ từ nước ngoài ngày càng mãnh liệt. Đây chính là tin tốt với Châu Âu và Trung Quốc.

Châu Âu - đặc biệt là Đức, quốc gia chuyên xuất khẩu – đang tìm cách tăng nguồn hàng xuất vào Mỹ trong bối cảnh thị trường Châu Âu đã trở nên bão hòa và đang có xu hướng đi xuống.

Trung Quốc thì lại có nhiều hướng đi để giảm sự phụ thuộc rất không bền vững vào thị trường Mỹ. Nước này có thể dành nhiều sản lượng hơn để phục vụ cho thị trường trong nước đang tăng trưởng mạnh mẽ. Trung Quốc cũng có thể tăng cường xuất khẩu tới các quốc gia khác trên khắp thế giới. Tuy nhiên, Trung Quốc lại lựa chọn tiếp tục xuất hàng hóa và dịch vụ vào thị trường Mỹ, thu được một khoản thặng dư thương mại khổng lồ lên đến 375 tỉ USD, phớt lờ mọi lời cảnh báo từ Washington trong suốt 2 năm qua.

Tuy nhiên, thời kì cảnh báo suông đã qua. Washington đã bắt đầu áp thuế nhập khẩu và cấm vận, ảnh hưởng đến một phần lớn nền kinh tế Châu Âu và Trung Quốc.

Có vẻ như Châu Âu, dẫn đầu bởi Đức, đang có một sự suy xét lại. Một số điểm tích cực trong hoạt động giao thương xuyên Đại Tây Dương có thể diễn ra ngay trong tuần này, mở đầu cho các ký kết thương mại lớn hơn sẽ diễn ra trong các cuộc gặp gỡ cấp cao được tổ chức tại Washington vào cuối tháng.

Nhưng vấn đề với Trung Quốc lại khó giải quyết hơn, chủ yếu là vì các quan hệ thương mại quan trọng giữa hai nước lại bị bó buộc bởi một mạng lưới phức tạp các vấn đề chính trị và an ninh mang tính “đối đầu chiến lược”.

Tranh chấp thương mại đã được gọi bằng cụm từ “chiến tranh bằng các hình thức mới”. Cuộc đụng độ này đã dự báo từ lâu bởi các chuyên gia về Trung Quốc của Mỹ, những người từ trước tới nay chưa bao giờ đưa ra một lời khuyên khả thi nào cho Washington.

Mỹ ở trong tình trạng lý tưởng để cạnh tranh

Các số liệu giao thương cho thấy các vấn đề về thương mại song phương sẽ còn tiếp diễn, bên cạnh đó là các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên, hiệp ước hạt nhân với Iran, cấm vận nước ngoài và các nguyên tắc cơ bản trong trật tự thế giới.

Tình trạng “không chiến tranh”, “không hòa bình” hiện nay là kết quả của rất nhiều các “lằn ranh đỏ” không nhân nhượng. Trong đó, khái niệm “cạnh tranh chiến lược” của Mỹ có vẻ phù hợp hơn là các lời tuyên truyền của Trung Quốc như “quan hệ giữa các nước lớn”, “hợp tác cùng có lợi”, cùng chung vận mệnh của nhân loại”, v.v…

Trong bối cảnh đó, điều bức thiết nhất là Mỹ phải duy trì sự tăng trưởng kinh tế ổn định thông qua các lợi thế về công nghệ, về đầu tư vào con người như giáo dục, chăm sóc y tế, dạy nghề. Mỹ phải làm mọi cách để đưa 95 triệu người đang thất nghiệp và có một tương lai mờ mịt trở lại thị trường lao động.

Mở rộng nguồn lao động cả về số lượng lẫn chất lượng sẽ làm tăng tiềm năng phát triển phi lạm phát của nền kinh tế, qua đó, sẽ đáp ứng được tăng trưởng nhu cầu và sản lượng nhanh hơn trong một môi trường giá cả ổn định.

Trong thời điểm hiện tại, giới hạn vật lý của sự phát triển kinh tế - được tính bằng sự sẵn có và chất lượng của nguồn nhân lực và nguồn vốn– đang ở mức rất thấp, chỉ có 1,6%. Mức tăng trưởng 2,8% ở quý I.2018 năm nay đã cao hơn giới hạn tới hơn một điểm phần trăm, điều cho thấy rằng thị trường nhân lực và hàng hóa đang chịu sức ép lớn.

Áp lực ấy được thể hiện qua các thước đo lạm phát, hiện nay đã bằng, hoặc vượt qua mức mục tiêu. Do vậy, việc cấp bách hiện nay là ngăn sự gia tăng lạm phát, nếu không sẽ dẫn đến tăng lãi suất nhanh hơn, khiến giá tài sản giảm mạnh, tiếp đó sẽ là suy giảm tăng trưởng mà quy mô và thời gian kéo dài là chưa biết trước được.

Giá dầu tăng mạnh, tăng 13% trong tháng vừa qua, là mối nguy hiểm lớn nhất đối với sự ổn định giá cả. Vấn đề quan trọng ở đây là liệu Washington có thể nhanh chóng khiến Ả rập Saudi tăng cung 2 triệu thùng dầu/ngày để ổn định thị trường sau đó tiến tới giảm giá dầu hay không.

Suy nghĩ của giới đầu tư

Chính quyền Mỹ xứng đáng được ghi nhận trong việc mạnh mẽ hành động để chặn đứng việc thâm hụt thương mại và nợ nước ngoài tăng cao kéo dài trong hàng thập niên qua. Tuy nhiên, Mỹ cần làm việc này bằng cách đàm phán các trường hợp không thể tranh cãi với Châu Âu và Trung Quốc. Áp đặt thuế nhập khẩu để ép buộc Châu Âu và Trung Quốc nhượng bộ sẽ chẳng đi tới đâu.

Washington cũng phải thỏa thuận để tăng nguồn cung dầu mỏ nhằm giữ nền kinh tế phát triển. Một viễn cảnh đáng sợ là giá dầu tiếp tục tăng sẽ tăng tốc lạm phát, buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thắt chặt tiền tệ hơn nữa, gây hoang mang trong thị trường và cuối cùng là suy thoái kinh tế không thể kìm hãm.

Tuy nhiên, hiện còn phải chờ xem các nước sản xuất dầu có đồng ý hay không. Chỉ có Nga với sản lượng 11 triệu thùng/ngày và Ả rập Saudi với sản lượng 10,1 triệu thùng/ngày là có thể xuất ra thêm 2 triệu thùng / ngày như Mỹ đề nghị để bình ổn giá dầu.

Xem thêm

Minh Quang