|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Không nên chủ quan với lạm phát

07:51 | 08/12/2018
Chia sẻ
Giới chuyên môn đánh giá, lạm phát của Việt Nam năm 2019 nhiều khả năng vẫn trong tầm kiểm soát.

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng 11/2018 giảm 0,29% so với tháng trước do giá xăng dầu giảm mạnh. Song CPI bình quân 11 tháng năm 2018 vẫn tăng 3,59% so với cùng kỳ năm 2017. Chỉ số thường được chú ý nhiều để đánh giá hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ trong ổn định kinh tế vĩ mô đó là lạm phát cơ bản diễn ra tích cực khi mức tăng lạm phát cơ bản từ tháng 1 đến tháng 11 năm 2018 so với cùng kỳ có biên độ dao động trong khoảng khá hẹp từ 1,18% đến 1,72%. Bình quân 11 tháng lạm phát cơ bản là 1,46% thấp hơn mức kế hoạch 1,6% cho thấy chính sách tiền tệ đã và đang được điều hành ổn định.Xây dựng kịch bản điều hành giá năm 2019

khong nen chu quan voi lam phat

Giá điện có thể tăng trong năm 2019.

Có thể thấy giá một số mặt hàng đã tác động mạnh lên lạm phát những tháng đầu năm như xăng dầu và thực phẩm (thịt lợn)… lại đang có xu hướng hạ nhiệt mạnh vào các tháng cuối năm 2018. Với diễn biến trên, theo đánh giá của giới chuyên môn, mục tiêu kiểm soát CPI năm 2018 dưới 4% là hoàn toàn khả thi nhất là khi giá xăng dầu lại vừa tiếp tục giảm rất mạnh.

Tuy nhiên do những yếu tố này chỉ có tác động tức thời nên khó có tác động tới diễn biến lạm phát năm 2019. Trong khi theo giới chuyên môn, áp lực lạm phát năm 2019 là rất lớn.

Theo phân tích của một chuyên gia ngân hàng, nguyên nhân chính khiến CPI của Việt Nam được kiểm soát tốt trong năm 2018 là do có can thiệp của Chính phủ đối với một số mặt hàng dịch vụ công có tác động mạnh đến lạm phát như việc hoãn tăng giá điện; giãn lộ trình tăng thuế môi trường lên mặt hàng xăng dầu, giãn lộ trình tăng học phí, giá dịch vụ y tế tại một số tỉnh, thành phố lớn của cả nước. Tuy nhiên, các giải pháp trên sẽ không thể kéo dài mãi được. Bởi lẽ, nếu không tăng giá của các dịch vụ nói trên thì bắt buộc ngân sách phải tiếp tục bù lỗ hoặc trợ giá khiến cho thâm hụt ngân sách tăng điều này đồng nghĩa với nợ công sẽ tăng.

Yếu tố có thể tác động lạm phát trong năm 2019 được TS. Cấn Văn Lực chỉ ra đó là giá dầu. Mặc dù mặt hàng này đã giảm trong thời gian gần đây, nhưng vẫn tăng gần 20% so với đầu năm. Thêm vào đó, đồng USD có xu hướng tiếp tục tăng giá trên thị trường tài chính thế giới do kinh tế Mỹ khả quan và Fed tiếp tục lộ trình tăng lãi suất để bình thường hóa chính sách.

Ở trong nước, chủ trương của Chính phủ chưa tăng giá một số mặt hàng cơ bản trong năm 2018, còn năm 2019 vẫn để ngỏ. Do đó áp lực tăng giá một số mặt hàng cơ bản như xăng dầu tăng do tăng thuế bảo vệ môi trường 1.000 đồng/lít; giá điện nhiều khả năng cũng sẽ tăng; giá dịch vụ y tế, giáo dục một số tỉnh cũng tăng theo lộ trình… Tất cả những yếu tố này sẽ khiến cho áp lực lạm phát vẫn còn khá lớn.

Đồng tình với việc không nên chủ quan với lạm phát, TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh đến rủi ro tính bất định gia tăng nhất là từ địa chính trị, chiến tranh thương mại và chính sách vĩ mô đặc biệt là các chính sách của nước phát triển như Mỹ. “Trước đây người ta đều tin vào sự kiên định trong các quyết định chính sách của Fed nhất là trong lộ trình tăng lãi suất. Nhưng giờ đây quyết định về lãi suất của Fed đang tỏ ra thiếu quyết đoán, có vẻ nhượng bộ hơn so với trước”, TS. Thành đưa ra quan điểm.

Mặc dù vậy, giới chuyên môn đánh giá, lạm phát của Việt Nam năm 2019 nhiều khả năng vẫn trong tầm kiểm soát. Một mặt do NHNN đã có nhiều kinh nghiệm trong việc kiểm soát lạm phát trong các năm trước nên cơ quan này sẽ không gặp quá nhiều khó khăn trong công tác điều hành chính sách tiền tệ. Theo quan điểm một chuyên gia, không loại trừ khả năng NHNN sẽ tiến hành tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.

“Thực tế, đây không phải là giải pháp hoàn hảo nhất, vì lãi suất tăng cũng sẽ gây khó khăn cho DN, ảnh hưởng phần nào đến tăng trưởng kinh tế. Nhưng xu hướng các NHTW lớn trên thế giới tăng lãi suất đã tác động mạnh đến tỷ giá hối đoái của nhiều nước; rồi áp lực lạm phát trong nước. Vì vậy việc tăng lãi suất để bảo vệ giá trị đồng VND là điều khó tránh khỏi nếu không nói là tất yếu phải xảy ra”, vị này lý giải.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ, ngành, ngay từ bây giờ cần chủ động tính toán, xây dựng kịch bản điều hành giá năm 2019 theo mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4%, bám sát diễn biến giá cả thế giới và điều chỉnh giá dịch vụ công, vật tư thiết yếu như điện, than, y tế, giáo dục... phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Một công cụ nữa có thể giúp NHNN kiểm soát lạm phát, theo gợi ý của TS. Cấn Văn Lực đó là kiểm soát tăng trưởng tín dụng. Năm 2019, mức tăng trưởng tín dụng có thể ở mức 14-15% là phù hợp không nên vượt quá mức này. “Ngoài rủi ro lạm phát từ lượng cung tiền dư tiềm ẩn trong nền kinh tế, tín dụng ở mức cao tạo áp lực thanh khoản cho hệ thống ngân hàng trong bối cảnh vốn chủ sở hữu của các ngân hàng vẫn đang eo hẹp, nhiều ngân hàng gặp khó khăn trong tăng vốn. Vì vậy, tăng trưởng tín dụng cũng chỉ nên xoay quanh mức này”, TS. Lực lưu ý.

Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, lãnh đạo vụ chức năng NHNN cũng cho rằng cung tín dụng năm 2019 sẽ thu hẹp lại, nhiều khả năng chỉ ở mức 14 - 15% vừa phù hợp với nhu cầu nền kinh tế, vừa giảm sức ép lên lạm phát.

Trong khi TS. Lê Xuân Nghĩa thì khuyến nghị Chính phủ cũng cần thận trọng trong việc điều chỉnh giá các dịch vụ công như là y tế, giáo dục, điện. “Những điều chỉnh này là cần thiết nhưng phải có lộ trình thích hợp và khả năng trung hoà thị trường của chính sách tiền tệ”, TS. Nghĩa lưu ý. Theo đó, cần phải kiểm soát chặt chẽ tiến độ tăng các mặt hàng cơ bản trong nước vào thời điểm thích hợp không gây ra cú sốc về giá. Đồng thời phối hợp chính sách tiền tệ và tài khoá nhuần nhuyễn hơn để không đẩy mặt bằng lãi suất lên, đảm bảo cung tiền ra nền kinh tế.

Xem thêm

Nguyễn Vũ