|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Không muốn bị trói chân, Samsung, Apple, Google,... sẵn sàng chi tiền tỷ để làm chip riêng

14:54 | 10/09/2021
Chia sẻ
"Nhiều công ty đã cảm thấy bị hạn chế về tốc độ đổi mới của họ khi bị lệ thuộc vào các mốc thời gian của nhà sản xuất chip", Glenn O’Donnell, giám đốc nghiên cứu tại công ty phân tích Forrester nhận xét.

Không bằng lòng với việc nguồn chip phụ thuộc luôn trong tình trạng cháy hàng, một số công ty công nghệ lớn nhất thế giới đang phát triển chất bán dẫn của riêng họ, theo CNBC.

Apple, Amazon, Facebook, Tesla và Baidu đều là những gã khổng lồ công nghệ lâu đời và đang mang lại những tiến bộ đáng kể về việc phát triển chip nội bộ, theo thông báo của công ty và các báo cáo truyền thông.

Syed Alam, trưởng bộ phận bán dẫn toàn cầu tại Accenture, nói với CNBC: “Càng ngày, các công ty này càng muốn tự sản xuất các chip tùy chỉnh phù hợp với các yêu cầu cụ thể của ứng dụng hơn là sử dụng các chip xử lý tác vụ chung chung như các đối thủ cạnh tranh của họ.

“Điều này cho phép họ kiểm soát nhiều hơn việc tích hợp phần mềm và phần cứng đồng thời phân biệt chúng với các đối thủ cạnh tranh,” Alam nói thêm. Russ Shaw, cựu giám đốc của Dialog Semiconductor có trụ sở tại Anh, nói rằng các chip được thiết kế riêng có thể hoạt động tốt hơn và rẻ hơn.

Shaw cho biết: “Những con chip được thiết kế đặc biệt này có thể giúp giảm tiêu thụ năng lượng cho các thiết bị và sản phẩm của một công ty công nghệ cụ thể, cho dù nó liên quan đến điện thoại thông minh hay dịch vụ đám mây."

Vì sao các đại gia công nghệ đang chạy đua trong cuộc chiến tạo ra loại chip của riêng họ? - Ảnh 1.

CEO Amazon Jeff Bezos, CEO Alphabet/Google Larry Page, COO Facebook Sheryl Sandberg trong một cuộc gặp mặt với Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống Mike Pence. (Ảnh: Drew Angerer/Getty Images).

Glenn O’Donnell, giám đốc nghiên cứu tại công ty phân tích Forrester cho biết tình trạng thiếu chip toàn cầu đang diễn ra là một lý do khác khiến các công ty công nghệ lớn phải đắn đo suy nghĩ về việc họ lấy chip từ đâu. “Đại dịch đã giáng một đòn mạnh mẽ lên các chuỗi cung ứng, điều này đã thúc đẩy nỗ lực sản xuất chip của riêng họ."

O’Donnell nói: “Nhiều công ty đã cảm thấy bị hạn chế về tốc độ đổi mới của họ khi bị lệ thuộc vào các mốc thời gian của nhà sản xuất chip."

Chip AI và hơn thế nữa

Hiện tại, đã một tháng trôi qua mà không có một công ty Big Tech nào công bố một dự án chip mới. Có lẽ ví dụ đáng chú ý nhất là vào tháng 11 năm 2020 khi Apple thông báo họ đang rời bỏ cấu trúc x86 của Intel để tạo ra bộ vi xử lý M1 của riêng mình, hiện có trong iMac và iPad mới.

Với Tesla, gần đây họ vừa thông báo rằng công ty đang xây dựng một con chip “Dojo” để đào tạo mạng trí tuệ nhân tạo trong các trung tâm dữ liệu. Năm 2019, Tesla bắt đầu sản xuất ô tô với chip AI tùy chỉnh giúp phần mềm tích hợp đưa ra quyết định phản ứng với những gì đang xảy ra trên đường.

Bên cạnh đó, vào tháng trước, Baidu đã ra mắt chip AI được thiết kế để giúp các thiết bị xử lý lượng dữ liệu khổng lồ và tăng cường sức mạnh tính toán. Baidu cho biết chip “Kunlun 2” có thể được sử dụng trong các lĩnh vực như lái xe tự hành và nó đã được đưa vào sản xuất hàng loạt.

Một số gã khổng lồ công nghệ đã chọn giữ kín các dự án bán dẫn nhất định. Google được cho là đang tiến gần hơn đến việc tung ra các bộ xử lý trung tâm hoặc CPU của riêng mình cho máy tính xách tay Chromebook. 

Gã khổng lồ tìm kiếm có kế hoạch sử dụng CPU của mình trong Chromebook và máy tính bảng chạy trên hệ điều hành Chrome của công ty từ khoảng năm 2023, theo một báo cáo từ Nikkei Asia vào ngày 1/9.

Amazon, công ty vận hành dịch vụ đám mây lớn nhất thế giới, đang phát triển chip mạng của riêng mình để cung cấp năng lượng cho các thiết bị chuyển mạch phần cứng di chuyển dữ liệu xung quanh các mạng lưới. Nếu đi vào hoạt động, nó sẽ làm giảm sự phụ thuộc của Amazon vào tập đoàn sản xuất chip Broadcom.

Bên cạnh đó, trưởng bộ phận AI của Facebook nói với Bloomberg vào năm 2019 rằng công ty đang nghiên cứu một loại chất bán dẫn mới có thể hoạt động “rất khác” so với hầu hết các thiết kế hiện có. 

Thiết kế nhưng chưa sản xuất

Ở giai đoạn này, không có gã khổng lồ công nghệ nào muốn tự mình làm mọi thứ về chip. Shaw nói: “Tất cả mọi thứ đều đang quy về thiết kế và hiệu suất của con chip. Ở giai đoạn này, người ta chưa nghĩ tới việc lắp đặt và sản xuất, vốn rất tốn kém."

Việc thiết lập một nhà máy sản xuất chip tiên tiến, hay xưởng đúc, như TSMC ở Đài Loan, tốn khoảng 10 tỷ đô la và mất vài năm.

“Ngay cả Google và Apple cũng đang thận trọng trong việc xây dựng những thứ này,” O’Donnell nói. “Họ sẽ đến TSMC hoặc thậm chí là Intel để sản xuất chip của họ.”

O’Donnell cho biết ở Thung lũng Silicon đang thiếu những người có các kỹ năng cần thiết để thiết kế bộ vi xử lý cao cấp. Ông nói: “Thung lũng Silicon chú trọng quá nhiều vào phần mềm trong vài thập kỷ qua đến nỗi kỹ thuật phần cứng được xem như một thứ gì đó của thời quá vãng."

“Việc làm phần cứng nghe qua chẳng có gì là "cool ngầu". Bất chấp tên gọi của nó, Thung lũng Silicon chẳng có mấy ai là kỹ sư silicon thực thụ.", ông bình luận.

Đạt Thái

Dragon Capital: Chứng khoán Việt hưởng lợi từ Fed cắt giảm lãi suất
Nhà quản lý quỹ cho rằng những kênh đầu tư như chứng khoán sẽ được hưởng lợi lớn từ động thái đảo chiều lãi suất của Fed. Do lãi suất đầu vào của doanh nghiệp duy trì ở mức thấp, các đơn vị sẽ có điều kiện tốt để cắt giảm chi phí tài chính, mở rộng kinh doanh và từ đó, tăng trưởng lợi nhuận.