Không chỉ có thép, Cà Ná còn có cảng nước sâu
Dư luận đang có những phản ứng đa chiều về siêu dự án của Tập đoàn Hoa Sen (mã: HSG). Bởi lẽ, thời gian đầu tư dài dự kiến tới tận năm 2030, nguồn vốn khổng lồ 10,6 tỷ USD, trên một vùng đất khô cằn vốn đang thiếu nước trầm trọng cho nhu cầu thiết yếu của người dân (Cà Ná, Ninh Thuận).
Nhưng Cà Ná không chỉ là nơi sản xuất được thép. Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen từng chia sẻ Cà Ná có cảng nước sâu 20 m tự nhiên, không bị bồi lắng và qua nhiều thế kỷ không xuất hiện bão.
Ông Vũ còn khẳng định Cà Ná gần TP HCM, vị trí giao thông tốt nhất khi có hệ thống đường bộ, đường sắt. Bên cạnh đó, khi triển khai siêu dự án thép tại Cà Ná, HSG còn nhận được những ưu đãi lớn về giá thuê đất tại Ninh Thuận, được hỗ trợ một phần trong việc xây cảng nước sâu.
Nếu việc xây dựng cảng Cà Ná để phục vụ dự án, thì rõ ràng đây là một yếu tố thuận lợi cho khu liên hợp. Nhưng nếu trong mục tiêu xây dựng cảng có hướng tới việc kinh doanh cảng, thì câu chuyện không đơn giản như thế.
Nhiều doanh nghiệp cảng Việt Nam đánh giá, đây là ngành nghề cạnh tranh vô cùng gay gắt, xây dựng nền tảng đều đòi hỏi tập trung năng lực cốt lõi vào ngành cảng. Đi kèm đó là quy hoạch cơ sở hạ tầng và chính sách giao thương của địa phương.
Hiện có 6 doanh nghiệp cảng biển đang niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Trong một chuyên đề hội thảo đầu năm nay, Chứng khoán VNDirect đánh giá ngành cảng biển Việt Nam có biên lợi nhuận gộp cao nhất trong chuỗi cung ứng logistics.
Cả VNDirect và chứng khoán Bảo Việt đều đánh giá cán cân xuất nhập khẩu đang tăng, ngoài dòng vốn FDI thì các hiệp định thương mại trong thời gian tới sẽ tạo ra nhiều cơ hội giao thương và vô số tiềm năng cho doanh nghiệp cảng biển.
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, năm 2015, sản lượng hàng hóa qua cảng biển Việt Nam đạt 427,3 triệu tấn, tăng 14,6% so với năm 2014. Trong đó hàng container đạt 12 triệu TEU, tăng 15,5%.
Với sự đầu tư cũng như hội nhập, cải cách chính sách, dự báo 2016, tổng sản lượng hàng hoá qua hệ thống cảng biển sẽ đạt 470 triệu tấn, tăng 10%. Hàng container ước đạt 13,3 triệu TEU, tăng 11%.
Thế nhưng, không phải doanh nghiệp cảng biển nào cũng hoạt động hiệu quả. Thống kê từ khoảng 6 doanh nghiệp điển hình trong ngành cảng cho thấy, biên lãi gộp của từng doanh nghiệp dao động từ mức thấp 12% đến 47%.
Biên lãi gộp các doanh nghiệp cảng biển niêm yết trong 6 tháng đầu năm 2016. |
Mặc dù Việt Nam được đánh giá là hưởng lợi khi hàng loạt các hiệu định FTA có hiệu lực trong thời gian tới nhưng đa số các doanh nghiệp cảng biển đánh giá sự cạnh tranh trong thời gian tới sẽ rất khốc liệt.
Chính vì vậy, đa số các doanh nghiệp đều đưa ra kế hoạch kinh doanh 2016 kém khả quan. Cụ thể, CTCP Container Việt Nam (Mã: VSC), trọng tâm của VSC là dự án cảng container quốc tế Vip Green Port, Hải Phòng kỳ vọng nâng thương hiệu Công ty trên thị trường trong và ngoài nước. Giai đoạn 1 đi vào hoạt động từ tháng 11/2015, dự kiến giai đoạn 2 hoàn thành trong tháng 9. Trước mắt dự án sẽ lỗ trong 3 năm đầu.
Kế hoạch doanh thu 2016 là 1.015 và lợi nhuận là 262 tỷ đồng, giảm 24%.
Cũng nằm trong khu vực cảng Hải Phòng, CTCP Cảng Đoạn Xá (Mã: DXP) cho hay dự án Tân Vũ – Lạch Huyện đang gấp rút hoàn thành, quốc lộ 5B cao tốc Hà Nội – Hải Phòng giảm thời gian vận chuyển của xe để chạy thẳng đến khu vực cảng.
5 năm qua, Công ty đã không đầu tư mở rộng, hoạt động 2015 cho thấy tình trạng quá tải, buộc DXP phải từ chối đơn hàng. Năm 2016, DXP dự kiến vốn điều lệ gấp 7 lần 2015, lên 551 tỷ đồng. Mục tiêu doanh thu 2016 đạt 220 tỷ đồng, lãi trước thuế ước đạt 75 tỷ đồng, giảm 16% so với kết quả năm 2015.
Cùng quan điểm về cạnh tranh sẽ gay gắt hơn, CTCP Vận tải & Xếp dỡ Hải An (Mã: HAH) định hướng 5 năm tới duy trì chất lượng trên cơ sở hạ tầng hiện có, mở rộng dịch vụ hỗ trợ thông qua đầu tư thêm bến sà lan, khu hậu cần cảng biển Cát Hải.
Hoạt động vận tải nội địa được đầu tư 3 tàu container trong hai năm qua trên tuyến vận tải Hải Phòng - Hồ Chí Minh - Hải Phòng và tuyến Haiphong – Yantain – Kongkong – Haiphong, thời gian tới sẽ phát triển các tuyến mới đi Đông Nám Á. Kế hoạch 2016 của HAH doanh thu sẽ không thay đổi khi ở mức 523 tỷ đồng, lãi sau thuế dự kiến 143 tỷ đồng, giảm 14%.
Cảng Hải Phòng (Mã: PHP) là DN niêm yết trong ngành có vốn điều lệ lớn nhất, năng lực hoạt động và thị phần đứng đầu tại Hải Phòng.
Tuy nhiên hiệu quả hoạt động thấp, thị phần giảm trong những năm qua khi Công ty không tận dụng được tiềm năng sản lượng hàng hóa khu vực. Từ 2015 mới có sự chuyển biến với doanh thu hơn 2.300 tỷ và lợi nhuận 380 tỷ đồng, gấp đôi 2014.
Động lực tăng trưởng của PHP đến từ việc tập trung khai thác cảng Tân Vũ khi mà cảng Hoàng Diệu phải di dời. Năm 2015, PHP đã tích cực đầu tư cơ sở hạ tầng thiết bị và công nghệ thông tin cho khu vực cảng Đình Vũ – giai đoạn 2 và 3, Tân Vũ, Chùa Vẽ với tổng giá trị đạt gần 230 tỷ đồng.
Bước sang 2016, PHP có kế hoạch đầu tư chiều sâu giai đoạn 2 và 3 cảng Tân Vũ, mở rộng tại khu vực Lạch Huyện, nơi được coi là cửa ngõ quốc tế của Hải Phòng. Dự kiến năm 2020, PHP sẽ đưa vào hoạt động 6 cầu bến tại đây. Kế hoạch doanh thu và lợi nhuận 2016 lần lượt là 2.018 và 600 tỷ đồng, giảm lần lượt 14% và 7% so với kết quả 2015.
Một ông lớn khác là CTCP Gemadept (Mã: GMD), đánh giá vận hội mới bắt đầu cho ngành vận chuyển hàng nặng khi Việt Nam gia nhập TPP, AEC, FTA. Thị trường sẽ sôi động nhưng cạnh tranh sẽ rất quyết liệt.
Năm qua, Công ty đầu tư phương tiện, thiết bị cho cảng Nam Hải Đình Vũ, nơi giao thương với Trung Quốc, hàng hóa dồi dào. Cảng Dung Quất được cho phép đón tàu dăm gỗ lớn nhất miền Trung, băng tải số 2 đi vào hoạt động trong quý I/2016 tăng khả năng xếp dở của GDM lên 16.000 tấn/ngày.
Trong khi đó, Cảng nước sâu Gemalink Cái Mép đang rục rịch tái khởi động. Nguồn vốn đầu tư mới vào đây dự kiến 200 triệu USD, GMD không loại trừ khả năng chuyển nhượng 25% vốn tại dự án và sử dụng số tiền này đầu tư ngược vào dự án. Dự kiến hoàn thành vào 2018, khả năng xếp dỡ giai đoạn 1 khoảng 1,2 triệu TEU/năm, giai đoạn 2 sẽ tăng lên gấp đôi.
Bên cạnh đó mảng logistics năm 2016, GMD đưa vào hoạt động dự án Trung tâm Logistics và Công nghiệp Nam Hải tại khu công nghiệp MP Đình Vũ và dự án Mekong Logistics tại khu công nghiệp Sông Hậu. Trước đó, cuối 2015, GMD đã đưa vào vận hành dự án DC3 tại Trung tâm Logistics Sóng Thần.
Doanh thu 2016 của GDM ước 3.700 tỷ đồng, tăng 3% so với 2015; lãi trước thuế 430 tỷ đồng, loạt trừ đi yếu tố đột biến thì kế hoạch lãi tăng 16%.
Đối với CTCP Đại lý Giao nhận Vận tải Xếp dỡ Tân Cảng (Mã: TCL) khai thác tại cảng Cát Lái nhưng luôn trong tình trạng quá tải. Trong khi đó cảng ICD Nhơn Trạch mới đi vào hoạt động vào quý 1/2016 nên cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ.
TCL sẽ tiếp tục đầu tư khoảng 88 tỷ đồng để nâng cấp ICD Nhơn Trạch thành đầu mối tập kết hàng xuất nhập khẩu cho cảng Cát Lái – Tân Cảng Hiệp Phước và cụm cảng nước sâu Cái Mép Thị Vải.
Bên cạnh đó, TCL mở rộng khai thác depot Mỹ Thủy lên 11 ha, đẩy mạnh dịch vụ rỗng; mở rộng cảng 128 Hải Phòng, cảng nước sâu Lạch Huyện, định hướng phát triển các công ty phía Bắc thành chuỗi khép kín.
Đồng thời, TCL có kế hoạch tăng thêm 6 đến 7 tàu vận tải nội địa. Kế hoạch 2016 đặt doanh thu 806 tỷ đồng, tăng 5% so với năm trước; lợi nhuận 93 tỷ đồng, tăng 3%.
Kế hoạch kinh doanh 2016 của các doanh nghiệp vận tải biển và kho bãi. HAH và TCL kế hoạch lợi nhuận sau thuế, các DN còn lại là lợi nhuận trước thuế. |
Mặc dù kế hoạch thận trọng, nhưng kết quả nửa đầu năm 2016 của đa số các doanh nghiệp lại tăng trưởng so với cùng kì.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/