|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Khối ngoại rót ròng hơn 587 tỷ đồng vào chứng chỉ quỹ trong phiên thị trường thủng mốc 1.200 điểm

17:44 | 13/05/2022
Chia sẻ
Mặc dù tâm lý chung nhuốm màu ảm đạm khi thị trường thủng mốc 1.200 điểm, giao dịch khối ngoại lại tỏ ra tích cực khi nhóm này mua ròng 568 tỷ đồng, tập trung ở thị trường chứng chỉ quỹ.

Các chỉ số chính rơi về vùng giá sâu đến kết phiên vẫn chưa thấy sự phục hồi trở lại. Tâm lý nhà đầu tư tiếp tục bị “gãy đổ” tạo áp lực lên mặt cung của thị trường và nỗ lực “cắt lỗ” đã lan trên diện rộng. Trạng thái nghi ngờ và thận trọng lớn khiến lực cầu vào bắt đáy khá yếu.

Đóng cửa, VN-Index giảm 56,07 điểm (4,53%) còn 1.182,77 điểm, HNX-Index giảm 13,13 điểm (4,16%) về 302,39 điểm, UPCoM-Index giảm 2,83 điểm (2,93%) về 93,61 điểm.

Thanh khoản thị trường bùng nổ với giá trị giao dịch cao nhất trong hơn 10 phiên trở lại đây. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 1,09 tỷ đơn vị cổ phiếu, tương đương 25.369 tỷ đồng. Riêng giá trị giao dịch trên sàn HOSE chiếm 22.343 tỷ đồng.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Tại sàn HOSE, mặc dù tâm lý chung nhuốm màu ảm đạm khi thị trường đánh mất mốc hỗ trợ quan trọng, giao dịch khối ngoại lại tỏ ra tích cực khi nhóm này mua ròng 568 tỷ đồng. Về khối lượng, họ rót vốn vào 21,9 triệu đơn vị, tập trung ở thị trường chứng chỉ quỹ.

 Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Theo đó, phần lớn lực cầu tập trung ở chứng chỉ FUEVFVND khi mã này thu hút gần 588 tỷ đồng. Giao dịch được thực hiện chủ yếu qua hình thức “trao tay” khi sàn HOSE ghi nhận loạt giao dịch thoả thuận FUEVFVND với khối lượng 24,6 triệu đơn vị, tăng mạnh so với những phiên trước đó.

Sắc đỏ bao trùm tại 9/10 mã mua ròng lớn nhất. Tiếp đó, lực cầu ngoại lần lượt tìm đến danh mục gồm VNM (89,8 tỷ đồng), CTG (69,2 tỷ đồng), VRE (56,1 tỷ đồng), DGC (49,9 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, khối ngoại cũng giao dịch tích cực tại nhóm dịch vụ tài chính với các đại diện SSI (26,6 tỷ đồng), VND (23,2 tỷ đồng), VCI (23,1 tỷ đồng), BVH (19,3 tỷ đồng).

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Dẫn đầu chiều bán tiếp tục là cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát, với quy mô rút ròng tăng mạnh lên hơn 219 tỷ đồng từ mức chỉ hơn 35 tỷ đồng trong phiên trước. Áp lực bán tháo trên diện rộng khiến nhiều cổ phiếu bluechips cũng ghi nhận mức giảm sàn, trong đó HPG nằm trong top3 mã kéo tụt chỉ số.

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn gồm ngân hàng, bất động sản cũng chịu áp lực bán ròng mạnh từ khối ngoại. Lần lượt, khối này rút ròng khỏi STB (75,5 tỷ đồng), VCB (47,7 tỷ đồng), KBC (43 tỷ đồng), VHM (38 tỷ đồng), NVL (32 tỷ đồng).

Cùng chiều, các mã SAB, DXG, HSG, GAS cũng nằm trong top10 mã bị bán ròng bởi NĐT nước ngoài với giá trị bán ròng đều nhỏ hơn 30 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, khối ngoại tiếp đà bán ròng 3,5 tỷ đồng về giá trị, tương ứng bán ra hơn 1 triệu đơn vị cổ phiếu. 

Đáng chú ý, các nhà đầu tư ngoại tập trung bán ròng hơn 27,5 tỷ đồng cổ phiếu SHS của Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội. Mã này ghi nhận khối lượng giao dịch hơn 13,4 triệu đơn vị trong phiên giảm mạnh, tăng gấp đôi phiên liền trước.

Bên cạnh đó, nhóm này cũng bán ròng lần lượt DP3 (1,2 tỷ đồng), THD (795 triệu đồng)…

Chiều ngược lại, hoạt động giải ngân được duy trì ở bộ đôi PVS và PVI, với quy mô lần lượt là 10 tỷ đồng và 9,4 tỷ đồng. Theo sau, các mã được gom ròng nhẹ hơn còn có TNG (4,4 tỷ đồng), VCS (910 triệu đồng)…

Sàn UPCoM tiếp tục ghi nhận giao dịch tích cực khi khối ngoại vẫn rót ròng 7,5 tỷ đồng vào thị trường cổ phiếu, hay gom ròng 118.149 đơn vị.

Tại chiều mua, cổ phiếu QNS của Đường Quảng Ngãi tiếp tục là tâm điểm thu hút lực cầu với 8,8 tỷ đồng. Nối tiếp, khối này rót ròng 1,2 tỷ đồng vào VTP, theo sau gom ròng nhẹ hơn CSI, SP2, SIP…

Ở phía đối diện, hai cổ phiếu chịu áp lực bán ròng mạnh nhất là ACV (1,3 tỷ đồng) và BSR (1,1 tỷ đồng). Cùng chiều, lực xả với quy mô nhẹ hơn cũng xuất hiện tại SGI, GHC, VNA…

Thảo Bùi

[Cập nhật] KQKD ngân hàng 2024: Xuất hiện nhà băng có lợi nhuận tăng bằng lần
Nhiều ngân hàng thông báo vượt chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh đã được đại hội đồng cổ đông giao. Trong đó, một số nhà băng ước tính tăng trưởng lợi nhuận, dư nợ tín dụng cả năm 2024 sẽ ở mức hai con số.