|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Thanh khoản thấp kỷ lục, vì đâu VN-Index vẫn có những cú sụt mạnh chưa nhìn thấy đáy?

07:34 | 13/05/2022
Chia sẻ
Theo ông Đỗ Bảo Ngọc, đến thời điểm này nhiều cổ phiếu đã chiết khấu rất sâu, thanh khoản sụt giảm và sắp tới thị trường sẽ đến giai đoạn là chỉ số biến động trong biên độ hẹp. Chỉ khi hội tụ đủ các điều kiện này thì thị trường mới có thể hình thành nên những vùng cân bằng.

Sau hai phiên tăng điểm, sáng nay sắc đỏ đã quay lại với thị trường. Theo các chuyên gia điều này có ít nhiều ảnh hưởng do tính liên quan của thị trường trong nước với chứng khoán thế giới, cụ thể là chứng khoán Mỹ do những thông tin không khả quan về tình hình vĩ mô thế giới.

Phiên 11/5 vừa qua chúng ta đã được chứng kiến mức thấp kỷ lục kể từ năm 2020. Sang đến phiên hôm nay 12/5 giá trị giao dịch có phần cải thiện, mức tăng thanh khoản chủ yếu đến từ dòng tiền xuất hiện trong phiên nhiều khi VN-Index cắm đầu giảm sâu.

Dù vậy thì giá trị giao dịch vẫn ở mức thấp khi so sánh với giá trị trung bình trong 1 tuần hay 1 tháng gần đây. Câu hỏi đặt ra là cần nhìn nhận câu chuyện thanh khoản như thế nào, đây là chỉ báo tích cực hay một điều cần lo lắng?

 Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam. (Ảnh chụp màn hình).

Chia sẻ về vấn đề trên, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam cho biết hiện tại như chúng ta đã thấy thanh khoản ở mức thấp và tâm lý nhà đầu tư đang khá là tiêu cực. Thế giới cũng có những đợt sụt giảm rất mạnh mẽ thời gian gần đây do đó không có gì để chúng ta có thể lạc quan. Đó là lý do tại sao các cú sụt giảm mạnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Có ý kiến cho rằng giai đoạn tháng 7/2021, VN-Index cũng chứng kiến cú điều chỉnh từ 1.400 về khoảng 1.200 với thanh khoản khi đó cũng suy giảm từng ngày. Tuy nhiên sau đó thị trường nhanh chóng hồi phục, thậm chí còn tạo đà để bứt phá lên các vùng cao mới. So sánh với giai đoạn hiện nay, thị trường cũng trải qua một đợt lao dốc mạnh với thanh khoản ảm đạm, để ngỏ kỳ vọng thị trường sẽ lặp lại kịch bản giai đoạn trước đó.

Tuy nhiên ông Ngọc lại cho rằng hai giai đoạn so sánh đang khác nhau khá nhiều. Giai đoạn tháng 7/2021 có nhiều thông tin tích cực hơn hỗ trợ cho thị trường. Vào thời điểm đó lãi suất cũng khá thấp và dòng tiền cũng có xu hướng quấn vào thị trường mỗi khi chỉ số điều chỉnh, từ đó tạo ra một nền giá tốt để nhà đầu tư mua vào. Còn hiện tại thị trường đã giảm rất sâu hơn 1 tháng nay. Ngoài Việt Nam ra thì các thị trường thế giới cũng lao dốc mạnh.

“Bản chất ở đây tôi cho rằng có sự dịch chuyển của dòng tiền lớn, khi lãi suất tăng lên, rủi ro của việc thắt chặt chính sách mạnh hơn trong thời gian tới thì sự rút ra của dòng tiền lớn sẽ tạo ra những đợt giảm mạnh như này. Chính vì thế ở giai đoạn này tôi cho rằng thanh khoản thấp nó phản ánh thực tế đang đứng ngoài. Đó là tin không vui đối với thị trường.

Tuy nhiên nó cũng cho thấy rằng áp lực bán ở vùng giá thấp này không còn là quá lớn nữa, chẳng qua là lực cầu quá yếu thì mức giá bị chiết khấu khá sâu, chính vì thế với nền thanh khoản thấp và siêu thấp như hiện nay thì có thể vùng đáy ngắn hạn sau những đợt sụt giảm mạnh có thể đã ở quanh đây rồi”, vị chuyên gia này cho hay.

Khi nào VN-Index có thể cân bằng trở lại?

Với việc thanh khoản rơi xuống mức thấp kỷ lục trong phiên 11/5, Chứng khoán Agribank (Agriseco) đánh giá khối lượng giao dịch trên sàn HOSE đánh dấu mức thấp nhất trong hơn nửa năm trở lại đây cho thấy lực cầu bắt đáy còn khá dè chừng và trạng thái quan sát vẫn được duy trì chủ đạo.

Quan sát biểu đồ kỹ thuật trên khung thời gian ngày, có thể thấy biểu đồ giá của VN-Index đang tạo phân kỳ âm với đường RSI; đồng thời chỉ số đang kiểm định ngưỡng hỗ trợ MA20 trên đồ thị tháng. Tuy nhiên, nhóm phân tích của Agriseco cho rằng sự hồi phục gần đây của Index chưa đi kèm với sự gia tăng của thanh khoản, như vậy chưa thể khẳng định chỉ số đã hoàn thành tạo đáy.

Cùng quan điểm, Phó Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam cho rằng chưa nói về dài hạn, chúng ta đánh giá đợt sụt giảm trong khoảng 1 tháng trở lại đây thì đến thời điểm này nhiều cổ phiếu đã chiết khấu rất sâu, thanh khoản sụt giảm và sắp tới thị trường sẽ đến giai đoạn là chỉ số biến động trong biên độ hẹp. Chỉ khi hội tụ đủ các điều kiện này thì thị trường mới có thể hình thành nên những vùng cân bằng.

Còn hiện tại như chúng ta thấy mặc dù thanh khoản mặc dù thấp, biến động của chỉ số vẫn rất lớn. Đó là lý do vì sao mà mức độ ổn định chưa có, VN-Index vẫn đang trong quá trình tìm kiếm những điểm cân bằng.

Thu Thảo

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.