|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Khối ngoại mua ròng gần 35.000 tỷ trong năm Nhâm Dần, những cổ phiếu nào được gom nhiều nhất?

15:19 | 22/01/2023
Chia sẻ
Nhiều cổ phiếu blue chip được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng mạnh trong năm âm lịch Nhâm Dần vừa qua, cụ thể như STB của Sacombank, MSN của Tập đoàn Masan, CTG của VietinBank, VNM của Vinamilk.

Cổ phiếu VNM của Vinamilk nằm trong top 10 mua ròng của khối ngoại trong năm Nhâm Dần. (Ảnh minh họa: Song Ngọc). 

Trong 243 phiên giao dịch của năm âm lịch Nhâm Dần (từ 7/2/2022 đến 19/1/2023), tổng giá trị mua bán toàn thị trường chứng khoán Việt Nam là gần 4,55 triệu tỷ đồng, tương đương với thanh khoản trung bình 18.716 tỷ đồng mỗi phiên.

Trong đó, riêng khối ngoại giao dịch 699.251 tỷ đồng, ứng với 2.878 tỷ đồng mỗi phiên, thống kê của Chứng khoán SSI cho thấy. Các nhà đầu tư nước ngoài đã mua 367.077 tỷ đồng và bán ra 332.173 tỷ đồng, đồng nghĩa với việc mua ròng 34.904 tỷ đồng.

Ở chiều mua ròng, chứng chỉ quỹ FUEVFVND dẫn đầu với giá trị 4.230 tỷ đồng, giao dịch được dàn đều theo hai hình thức khớp lệnh và thỏa thuận.

Đây là chứng chỉ của quỹ hoán đổi danh mục (ETF) do Dragon Capital quản lý. Hiện nay, mỗi chứng chỉ quỹ có giá trị tài sản ròng (NAV) khoảng 24.027 đồng, tổng NAV của quỹ là 19.853 tỷ đồng, tăng 7,58% so với đầu năm 2023.

Quỹ sử dụng chiến lược đầu tư thụ động, mô phỏng danh mục theo chỉ số VN Diamond gồm các cổ phiếu lớn đáp ứng tiêu chí về giá trị vốn hóa, giá trị giao dịch, tỷ lệ P/E và tỷ lệ đầu tư nước ngoài (FOL) theo quy định trong quy tắc chỉ số.

Trong năm 2022, chứng chỉ quỹ FUEVFVND sa sút 20,7% theo đà giảm của thị trường chung. Tính chung hai năm 2021 – 2022, chứng chỉ quỹ này vẫn tăng 14,7%.

Khối ngoại mua ròng 34.904 tỷ đồng cổ phiếu và chứng chỉ quỹ Việt Nam trong năm Nhâm Dần.

Bám sát chứng chỉ quỹ ETF trong bảng xếp hạng mua ròng của khối ngoại năm Nhâm Dần là cổ phiếu STB của Sacombank với giá trị 4.216 tỷ đồng. Phần lớn giao dịch được thực hiện theo phương thức khớp lệnh.

Dragon Capital – đơn vị quản lý quỹ FUEVFVND – cũng đồng thời là cổ đông lớn tại Sacombank. Hôm 30/12 mới đây, Dragon Capital mua 4,1 triệu cổ phiếu STB, nâng tỷ lệ sở hữu vượt 6%. Chỉ 5 ngày sau, công ty quản lý quỹ ngoại này bán ra 2,6 triệu cổ phiếu, giảm sở hữu còn gần 110,63 triệu đơn vị STB, ứng với tỷ lệ nắm giữ 5,8682%.

Ở vị trí số 3 trong danh sách mua ròng là cổ phiếu DGC của Hóa chất Đức Giang. Trong quý IV vừa qua, công ty ghi nhận doanh thu thuần gần 3.112 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ 2021. Lợi nhuận gộp giảm 20% xuống còn 1.289 tỷ. Lợi nhuận sau thuế cũng giảm 20%, còn 1.124 tỷ đồng.

Doanh thu hoạt động tài chính quý vừa qua là gần 198 tỷ đồng, gấp ba lần quý IV/2021. Một trong những nguyên nhân dẫn tới thay đổi đột biến này là Hóa chất Đức Giang nâng khối tiền gửi ngắn hạn ngân hàng tại ngày 31/12/2022 lên gần 8.730 tỷ đồng, gấp 2,4 lần một năm trước. Lãi suất trong nửa cuối năm 2022 cũng lên cao hơn rõ rệt.

Trong top 10 cổ phiếu mua ròng của khối ngoại năm Nhâm Dần còn có nhiều cổ phiếu blue chip như MSN của Masan, CTG của VietinBank, VNM của Vinamilk, …

Một siêu thị của Tập đoàn Masan. (Ảnh minh họa: Song Ngọc).

Ở danh sách bán ròng, cổ phiếu EIB của Eximbank dẫn đầu với 8.341 tỷ đồng, giao dịch được thực hiện chủ yếu qua phương thức thỏa thuận. HPG của Hòa Phát đứng sau với giá trị 3.015 tỷ đồng.

Sau khi báo lỗ kỷ lục trong quý III/2022, Hòa Phát tiếp tục thông báo khoản lỗ lớn chưa từng thấy trong quý IV do nhu cầu suy yếu ở cả trong và ngoài nước, giá bán thép giảm sâu. Tuy nhiên, Hòa Phát nhận định ngành thép đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất và đang trên đà phục hồi.

Liên tục trong 21 phiên giao dịch từ 20/12 đến 18/1, khối ngoại đều mua ròng cổ phiếu HPG với tổng khối lượng 79,4 triệu đơn vị, tương ứng với giá trị 1.539 tỷ đồng. Hiện nay, nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ 47% vốn của Hòa Phát và 27% vốn của Eximbank.

NVL của Novaland và VIC của Tập đoàn Vingroup lần lượt đứng vị trí thứ 3 và 4 về giá trị bán ròng. Trong năm âm lịch vừa qua, giá NVL lao dốc 82% còn VIC giảm 37%.  EIB, HPG, NVL và VIC cũng là những cổ phiếu mà khối ngoại xả nhiều nhất trong năm dương lịch 2022, theo đúng thứ tự kể trên.

6 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ còn lại trong top 10 bán ròng năm Nhâm Dần đều có giá trị bán dưới 1.000 tỷ đồng.

Nhiều cổ phiếu blue chip nằm trong danh sách bán ròng mạnh của khối ngoại năm Nhâm Dần, cụ thể như EIB, HPG, NVL, VIC.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Đức Quyền - Song Ngọc

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.