|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tuần 16 - 19/1: Khối ngoại trở lại mua ròng hơn 2.500 tỷ đồng trên HOSE, tập trung SSI, HPG, VND

14:00 | 22/01/2023
Chia sẻ
Trong tuần 16 - 19/1, khối ngoại trong tuần đã quay lại mua ròng 2.520 tỷ đồng trên HOSE, tính riêng giao dịch khớp lệnh họ mua ròng 2.307 tỷ đồng.

Chuỗi ngày tăng điểm của VN-Index tiếp tục kéo dài sang phiên thứ 7. Kết thúc phiên giao dịch cuối năm Âm lịch, VN-Index giành được 9,8 điểm, đóng cửa ở 1.108,08 điểm với thanh khoản duy trì ở mức trên 500 triệu cổ phiếu.

Dẫn dắt đà tăng hôm nay phải kể đến nhóm chứng khoán (SSI, VND, SHS, HCM, VCI) và ngân hàng (VCB, ACB, BID, TPB). Trong số này, VCB tăng hơn 3%, đóng góp cao nhất với hơn 3 điểm tăng cho VN-Index. Chiều đối lập, HPG có phiên chịu áp lực chốt lời lớn khi quay đầu giảm 2,5%, đóng cửa tại 21.150 đồng/cp với 43 triệu đơn vị được giao dịch.

Tính chung cả tuần, VN-Index có thêm 49,91 điểm tương đương tăng 4,52% so với tuần trước đó. Cùng chiều, HNX-Index và UPCoM-Index cũng tăng lần lượt 4,08% và 2,62% đạt 219,87 điểm và 73,98 điểm.

 

 Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Trong tuần 16 - 19/1, khối ngoại trong tuần đã quay lại mua ròng 2.520 tỷ đồng trên HOSE, tính riêng giao dịch khớp lệnh họ mua ròng 2.307 tỷ đồng.

 

Thống kê chi tiết theo từng mã chứng khoán, SSI được nhà đầu tư nước ngoài mua mạnh nhất với giá trị 299,7 tỷ đồng trong tuần vừa qua.

Dòng tiền ngoại còn đổ vào một số mã tài chính ngân hàng khác như VND (221,3 tỷ đồng), CTG (182,9 tỷ đồng), STB (137,5 tỷ đồng), BID (116 tỷ đồng), VCB (92,8 tỷ đồng), ... Nằm ngoài top10 mã được mua ròng mạnh nhất còn có HCM, VCI, VIX, SHB, ...

Lực mua còn xuất hiện tại các cổ phiếu vốn hóa vừa và lớn như HPG (238,3 tỷ đồng), VIC (171,7 tỷ đồng), MSN (141,5 tỷ đồng), ... Top các mã mua ròng tuần này có chứng chỉ quỹ FUESSVFL với quy mô 133,4 tỷ đồng.

Ở phía đối diện, nước ngoài bán ròng mạnh nhất cổ phiếu DCM của Phân bón Dầu khí Cà Mau với quy mô 39,6 tỷ đồng. Thông tin từ doanh nghiệp, 2022 là một năm buồn cho tiêu thụ nội địa khi sản lượng giảm 30 - 40%, thấp hơn nhiều so với các năm trước.

Công ty đã đẩy mạnh xuất khẩu với sản lượng cả năm 2022 đạt 410.400 tấn, đóng góp doanh thu 260 triệu USD, tương đương khoảng 6.200 tỷ đồng. Mặt hàng tự doanh ghi nhận sản lượng 120.000 tấn, giúp công ty duy trì tăng trưởng doanh số, giảm phụ thuộc công suất sản xuất giới hạn cũng như tình hình giảm cầu trong nước.

Tổng kết năm 2022, Đạm Cà Mau đạt doanh thu 16.412 tỷ đồng, vượt 11% so với kế hoạch năm. Công ty cho biết lợi nhuận đạt mức kỷ lục nhưng con số cụ thể chưa được công bố.

Nối tiếp, mã SAB và PNJ cũng bị rút ròng lần lượt 23,9 tỷ đồng và 23,6 tỷ đồng. Các đại diện còn lại trong danh mục bán ròng gọi tên nhiều mã vốn hóa trung bình như KBC (23,9 tỷ đồng), KDC (17,6 tỷ đồng), BMP (13,3 tỷ đồng), NT2 (13,1 tỷ đồng), PTB (10,4 tỷ đồng), HAH (6,8 tỷ đồng), ...

 

 

 

 

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Tại HNX, khối ngoại giảm quy mô mua ròng còn gần 69 tỷ đồng, qua đó đẩy quy mô gom ròng từ đầu năm lên hơn 268 tỷ đồng.

Về giá trị cụ thể, cổ phiếu IDC tiếp tục thu hút dòng vốn ngoại với quy mô mua ròng đạt gần 53 tỷ đồng. Ngoài ra, hoạt động giải ngân tìm đến một số cổ phiếu như CEO (14,1 tỷ đồng), PVI (9,7 tỷ đồng), SHS (8,7 tỷ đồng), HUT (5,1 tỷ đồng), ...

Tại chiều bán ròng, giao dịch rút vốn không có nhiều điểm nhấn với quy mô trên dưới 1 tỷ đồng. Cổ phiếu PVS của Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam dẫn đầu danh mục rút vốn với quy mô hơn 1,3 triệu đồng. Ngoài ra, các nhà đầu tư bán ròng nhẹ hơn các mã như PGS, BCC, DDG, HOM, ... với giá trị dưới 500 triệu đồng.

 

 

 

 

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

 

 

Tương tự, trên thị trường UPCoM, khối ngoại tiếp tục mua ròng với giá trị gần 29 tỷ đồng. Trong đó, khối ngoại chủ yếu bán ròng hơn 16,2 tỷ đồng cổ phiếu VTP của Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post). Tương tự, cổ phiếu VEA cũng bị rút ròng trên 10 tỷ đồng.

Ngoài ra, danh mục rút vốn của các nhà đầu tư nước ngoài còn có sự góp mặt của LTG (1,9 tỷ đồng), ACV (1,2 tỷ đồng), CSI (0,5 tỷ đồng), ...

Ở phía ngược lại, cổ phiếu BSR của Lọc Hóa dầu Bình Sơn dẫn đầu danh mục rót ròng với quy mô 56,3 tỷ đồng.

Theo báo cáo cập nhật mới đây của Chứng khoán Vietcombank (VCBS), giá dầu thô thế giới/giá bán xăng dầu thành phẩm trong quý IV/2022 có sự giảm mạnh, do đó dự kiến lợi nhuận BSR sẽ giảm mạnh trong giai đoạn này.

 

Dự phóng năm 2023 doanh thu đạt 120.586 tỷ đồng (giảm 17% so với cùng kỳ), lãi sau thuế đạt 8.496 tỷ đồng (giảm 33%). Doanh thu và lợi nhuận 2023 được dự phóng thấp hơn năm 2022 do giả định chênh lệch giá dầu thô và sản phẩm năm 2023 dự kiến điều chỉnh giảm so với nền cao năm 2022. 

 

Danh mục giải ngân của khối ngoại còn có các đại diện như QNS (5,6 tỷ đồng), SIP (2,2 tỷ đồng), MCH (1,4 tỷ đồng), ABI (1,2 tỷ đồng), ...

 

 

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

 

Thu Thảo