|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Hòa Phát tiếp tục lỗ gần 2.000 tỷ đồng trong quý IV

14:49 | 19/01/2023
Chia sẻ
Tính chung cả năm 2022, Hòa Phát lãi sau thuế hơn 8.400 tỷ đồng, bằng 24% so với năm 2021. Tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long có lãi trong quý I và II nhưng thua lỗ trong quý III và IV.

Lợi nhuận của Hòa Phát năm 2022 giảm 76% so với năm 2021. Biên lãi thuần cũng thu hẹp còn 5,9% từ mức kỷ lục của năm trước.

Thông cáo của Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) cho biết doanh thu quý IV/2022 vừa qua đạt khoảng 26.000 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ năm trước. Lỗ sau thuế gần 2.000 tỷ đồng, trong khi quý IV/2021 tập đoàn có lãi hơn 7.400 tỷ. 

Đây là quý thua lỗ thứ hai liên tiếp của Hòa Phát. Vào quý III/2022, tập đoàn của Chủ tịch Trần Đình Long đã lỗ sau thuế 1.786 tỷ đồng, đánh dấu lợi nhuận âm lần đầu tiên kể từ năm 2008.

Hòa Phát thua lỗ hai quý liên tiếp trong nửa cuối năm 2022.

Kết quả kinh doanh đi xuống trong nửa cuối năm nhưng Hòa Phát vẫn giữ vị trí số 1 về thị phần ống thép và thép xây dựng.

Cụ thể, trong năm 2022, Hòa Phát sản xuất 4,26 triệu tấn và bán ra 4,28 triệu tấn thép xây dựng, thị phần cải thiện từ 32,6% năm 2021 lên 34,8% năm 2022 và tiếp tục dẫn đầu toàn ngành.

Thị phần của Hòa Phát lớn gấp hơn ba lần doanh nghiệp đứng vị trí số 2 là Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel - Mã: TVN). Các doanh nghiệp xếp sau lần lượt là Vina Kyoei, Formosa Hà Tĩnh và Ống thép Việt Đức.

Hòa Phát củng cố vị trí số 1 trên thị trường thép xây dựng.

Ở thị trường ống thép, sản lượng tiêu thụ của Hòa Phát tăng 11% so với năm 2021 lên mức 749.000 tấn trong năm 2022, nâng thị phần từ 24,7% lên 28,5%. Với tôn mạ, tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long nằm trong top 5 với sản lượng 329.000 tấn, thị phần 7,8%. 

Với quy mô công suất 8,5 triệu tấn/năm, Hòa Phát hiện là nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam, tương đương top 50 doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhu cầu thép suy yếu và tồn kho cao giữa lo ngại về suy thoái kinh tế, Hòa Phát đã phải tạm ngừng hoạt động 4/7 lò cao từ cuối tháng 11, giảm công suất hoạt động.

Đến cuối tháng 12, Hòa Phát đã bắt đầu chuẩn bị khởi động lại một lò cao ở Khu Liên hợp Hải Dương.

Trong báo cáo phân tích hồi đầu tháng 1 này, Chứng khoán SSI cho rằng hiệu suất sử dụng thấp trong năm 2023 có thể ảnh hưởng tiêu cực đến biên lợi nhuận.

Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), việc Chính phủ đẩy mạnh đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng trong năm 2023 có thể hỗ trợ nhu cầu thép trong nước đặc biệt là thép xây dựng. Các nhà sản xuất thép xây dựng như Hòa Phát, Formosa, Pomina có thể hưởng lợi.

SSI dự báo Hòa Phát đạt doanh thu thuần 120.773 tỷ đồng và lãi sau thuế 10.947 tỷ đồng trong năm 2023. VDSC cho rằng Hòa Phát có thể ghi nhận doanh thu thuần 128.476 tỷ và lợi nhuận ròng 14.846 tỷ đồng trong năm nay. Các dự báo này đều được đưa ra trước khi Hòa Phát công bố kết quả kinh doanh năm 2022. 

Hòa Phát ngày 19/1 cho rằng ngành thép đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất và đang trên đà hồi phục. Tập đoàn đã và đang theo dõi sát diễn biến thị trường để điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh một cách linh hoạt, đảm bảo việc làm cho người lao động.

Bên cạnh ngành kinh doanh chủ lực là sản xuất thép, Hòa Phát còn hoạt động trong mảng điện máy gia dụng, nông nghiệp và bất động sản.

Trong năm vừa qua, Hòa Phát đã chính thức đưa nhà máy sản xuất điện máy gia dụng tại Hà Nam vào hoạt động, ra mắt sản phẩm máy lọc nước, máy làm mát không khí. Với mảng nông nghiệp, Tập đoàn dẫn đầu về sản lượng cung cấp trứng gà sạch tại miền Bắc. Bất động sản khu công nghiệp của Hòa Phát đón nhận các nhà đầu tư đến thuê đất, mở rộng nhà xưởng. 

Kết phiên hôm nay 19/1, cổ phiếu Hòa Phát giảm 2,5% xuống còn 21.150 đồng/cp, khép lại năm Nhâm Dần với mức vốn hóa 123.564 tỷ đồng.

HPG kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của năm Nhâm Dần với mức giá 21.150 đồng/cp, tương ứng với vốn hóa 123.564 tỷ đồng (khoảng 5,27 tỷ USD).

Đức Quyền