Hòa Phát nộp ngân sách hơn 64.800 tỷ đồng trong 16 năm qua
Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) vừa cho biết tổng số thuế, phí các loại của Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất nộp cho ngân sách bao gồm: thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu, thuế xuất nhập khẩu, thuế nội địa, … đạt gần 7.000 tỷ đồng trong năm 2022, dẫn đầu toàn Tập đoàn.
Thép Hòa Phát Hải Dương là công ty thành viên có số nộp ngân sách nhiều thứ hai trong Tập đoàn Hòa Phát với gần 2.200 tỷ đồng. Trong đó, riêng số nộp trên địa bàn Hải Dương là 831 tỷ đồng, xếp thứ 2 trong các doanh nghiệp có số nộp ngân sách lớn nhất cho tỉnh.
Ngoài ra, một số công ty thành viên của Tập đoàn có số nộp lớn cho ngân sách Nhà nước như: Ống thép Hòa Phát, Điện máy gia dụng Hòa Phát, Khoáng sản An Thông, Thép Hòa Phát Hưng Yên, Xây dựng và Phát triển đô thị Hòa Phát, Tôn Hòa Phát, ….
Hiện nay, Tập đoàn Hòa Phát đang hoạt động và đóng góp ngân sách tại 28 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tính từ năm 2007, thời điểm khi Hòa Phát bắt đầu niêm yết trên thị trường chứng khoán đến 31/12/2022, Hòa Phát đã nộp trên 64.800 tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước.
Số đóng góp vào ngân sách năm 2022 giảm 10% so với năm 2021 nhưng cao gấp 34 lần so với năm 2007.
Kết quả kinh doanh đi xuống
Quý III/2022, Tập đoàn Hòa Phát đạt doanh thu 34.441 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ 2021. Lỗ sau thuế 1.786 tỷ đồng, trái ngược với số lãi kỷ lục 10.351 tỷ của quý III năm ngoái. Đây là lần thua lỗ đầu tiên của Hòa Phát kể từ cuối năm 2008.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, Hòa Phát lãi thuần 10.443 tỷ đồng, giảm 61,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Hoạt động kinh doanh đi xuống là một trong những nguyên nhân khiến số nộp ngân sách của Hòa Phát trong năm 2022 giảm sút so với năm 2021.
Trong bối cảnh nhu cầu thép suy yếu và tồn kho cao giữa lo ngại về suy thoái kinh tế, Hòa Phát đã phải tạm ngừng hoạt động 4/7 lò cao từ cuối tháng 11, giảm công suất hoạt động. Đến cuối tháng 12, Hòa Phát đã bắt đầu chuẩn bị khởi động lại một lò cao ở Khu Liên hợp Hải Dương.
Chứng khoán SSI SSI ước tính Hòa Phát đạt doanh thu thuần 139.013 tỷ đồng trong năm 2022 và 120.773 tỷ đồng năm 2023, giảm lần lượt 7% và 13% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế năm 2022 và 2023 ước đạt lần lượt 10.217 và 10.947 tỷ đồng, kém xa mức đỉnh lịch sử 34.521 tỷ đồng của năm 2021.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) ước tính Hòa Phát trong năm 2022 đạt doanh thu thuần 139.320 tỷ đồng, tương đương với con số mà SSI đưa ra. Lãi sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ khoảng 9.667 tỷ đồng, giảm 72% so với năm 2021. Sang năm 2023, doanh thu và lợi nhuận của Hòa Phát được VDSC dự báo đạt lần lượt 128.476 tỷ và 14.846 tỷ đồng, khả quan hơn dự báo của SSI.
Tiếp tục dẫn đầu thị phần
Số liệu từ Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) cho thấy, trong năm vừa qua, Hòa Phát sản xuất 4,26 triệu tấn và bán ra 4,28 triệu tấn thép xây dựng, thị phần cải thiện từ 32,6% năm 2021 lên 34,8% năm 2022 và tiếp tục dẫn đầu toàn ngành.
Ở thị trường ống thép, sản lượng tiêu thụ của Hòa Phát tăng 11% so với năm 2021 lên mức 749.000 tấn, nâng thị phần năm 2022 lên 28,5%. Với tôn mạ, tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long nằm trong top 5 với sản lượng 329.000 tấn, thị phần 7,8%.
Chứng khoán SSI cho rằng thị phần thép của Hòa Phát có thể tăng trong dài hạn cùng với quá trình tái cơ cấu thị trường, khi các công ty nhỏ hơn và hoạt động kém hiệu quả có thể bị xóa sổ.