Hòa Phát lần đầu tiên xuất khẩu thép dài tới châu Âu
Theo đại diện Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Hưng Yên, lô hàng thép dây cuộn xuất sang châu Âu lần này được sản xuất theo tiêu chuẩn ASTM Mỹ, carbon thấp. Sản phẩm được dùng để rút dây hoặc làm lưới thép (wiremesh) thông dụng. Thời gian giao hàng dự kiến trong tháng 2/2023, xuất từ Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất – Quảng Ngãi.
Mặt hàng thép dài của Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) đã xuất khẩu sang thị trường châu Mỹ, châu Á, châu Phi, châu Úc. Sau đơn hàng châu Âu này, sản phẩm thép dài của Hòa Phát sẽ có mặt ở cả 5 châu lục. Việc khai thác các khách hàng xuất khẩu mới giúp Hòa Phát đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, đồng thời góp phần tăng thu ngoại tệ.
Trước thép dài, Hòa Phát đã xuất khẩu thép cuộn cán nóng (HRC) và tôn đi châu Âu. Cụ thể vào đầu tháng 2 năm nay, Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất đã ký hợp đồng xuất khẩu lô HRC đầu tiên tới Italy với khối lượng 35.000 tấn.
Trong 11 tháng vừa qua, Tập đoàn Hòa Phát đã xuất khẩu 1,1 triệu tấn thép xây dựng (gồm thép thanh, thép cuộn chất lượng cao) tới nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Hong Kong, Mỹ, Canada, Australia …
Ngoài đơn hàng xuất khẩu sang thị trường Châu Âu, Hòa Phát đã ký một số đơn hàng xuất khẩu tới các thị trường truyền thống như Canada, Campuchia, Hàn Quốc, Thái Lan... giao hàng trong tháng 1, tháng 2/2023.
Tháng 11 vừa qua, Tập đoàn Hòa Phát đã sản xuất 384.000 tấn thép thô, giảm 43% so với cùng kỳ 2021. Bán hàng các sản phẩm thép đạt 443.000 tấn, giảm 30% so với tháng 11 năm trước. Trong đó, thép xây dựng đóng góp 252.000 tấn, tăng 20% so với tháng 10 và giảm 7% so với cùng kỳ. Thép cuộn cán nóng (HRC) đạt 180.000 tấn, giảm 12% so với cùng kỳ.
Hòa Phát cho biết nhu cầu thị trường trong và ngoài nước với các sản phẩm thép nhìn chung vẫn chưa được cải thiện. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tổng lượng tiêu thụ giảm xuống mức thấp nhất từ đầu năm. Tiêu thụ thép xây dựng trong nước phục hồi nhẹ so với tháng trước nhưng thị trường xuất khẩu giảm hơn 70% so với cùng kỳ.
Lũy kế 11 tháng, Hòa Phát đã sản xuất 7 triệu tấn thép thô, giảm 6% so với 11 tháng 2021. Tiêu thụ thép xây dựng, phôi thép, HRC đạt hơn 6,6 triệu tấn, cùng giảm mức 6%, chủ yếu do không có đơn hàng xuất khẩu phôi thép như năm trước. Trong đó, thép xây dựng chiếm 3,9 triệu tấn, tăng 11%, HRC đạt gần 2,5 triệu tấn, tăng 6% so với cùng kỳ.
Theo số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), Hòa Phát chiếm 34,8% thị phần tiêu thụ thép xây dựng trong 11 tháng đầu 2022, cải thiện so với mức 32,6% trong năm 2021. Thị phần của Hòa Phát hiện nay cao gấp ba lần doanh nghiệp đứng ngay sau là Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel).
Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu HPG hiện ở quanh mức 19.000 đồng/cp, giảm 46% so với đầu năm 2022 nhưng cao hơn 58% so với đáy trong tháng 11.
Triển vọng kinh doanh kém khả quan
Trong báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán HSC cho biết các công trình xây dựng tại dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Dung Quất giai đoạn 2 vẫn đang được thực hiện đúng tiến độ mặc dù triển vọng ngắn hạn của ngành thép có nhiều khó khăn.
Hòa Phát khởi công dự án Dung Quất 2 từ tháng 3 năm nay với tổng vốn đầu tư ước tính 85.000 tỷ đồng, công suất 5,6 triệu tấn thép mỗi năm. Một phần công suất mới sẽ đi vào hoạt động từ nửa cuối năm 2024. Sau khi dự án hoàn tất, tổng công suất thép thô của Hòa Phát có thể đạt trên 14 triệu tấn mỗi năm, tăng 66% so với hiện tại.
Nguồn vốn dùng để đầu tư vào dự án này gồm 50% vay ngân hàng thương mại trong nước và 50% nguồn nội bộ. Chứng khoán HSC cho rằng Hòa Phát sẽ ưu tiên sử dụng nguồn vốn tự có để giải ngân trước trong bối cảnh lãi suất tăng. Phần vay ngân hàng sẽ được giải ngân dần từ cuối năm 2023 trở đi.
HSC dự báo tỷ suất lợi nhuận gộp của Hòa Phát sẽ giảm từ 27,5% năm 2021 còn 13,4% năm 2022. Lợi nhuận gộp tương ứng là 18.645 tỷ đồng, giảm 54,6% so với năm ngoái.
HSC cũng dự báo lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận thuần năm 2022 lần lượt giảm 71% và 74% xuống còn 10.766 tỷ đồng và 9.091 tỷ đồng. Nếu loại bỏ lỗ tỷ giá, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cốt lõi năm 2022 sẽ đạt 12.316 tỷ đồng (giảm 64%).
Lợi nhuận của Hòa Phát được dự báo sẽ tăng trưởng dương trở lại trong hai năm tới, chủ yếu nhờ tỷ suất lợi nhuận hồi phục với hàng tồn kho giảm và tồn kho có giá thấp, cộng với công suất hoạt động tại các nhà máy tăng.
Công suất hoạt động trong quý IV/2022 ước bình quân chỉ đạt 60 - 65% so với mức trên 100% trong 6 tháng đầu năm 2022 khi tập đoàn đẩy mạnh sản xuất vượt công suất thiết kế. HSC kỳ vọng công suất hoạt động sẽ hồi phục trong hai năm tới trước khi nhà máy mới tại Dung Quất 2 bắt đầu hoạt động vào cuối năm 2024.
Ngoài ra, HSC dự báo sản lượng tiêu thụ thép xây dựng sẽ lần lượt tăng 9,1% và 11% trong năm 2023-2024, nhờ giải ngân đầu tư công được đẩy mạnh và ngành BĐS dần hồi phục. Sản lượng tiêu thụ HRC được kỳ vọng sẽ lần lượt tăng 10% và 25% trong năm 2023-2024, nhờ thị phần tăng và hoạt động xuất khẩu đến các thị trường chủ chốt gồm EU và Mỹ được nối lại
Về các mảng kinh doanh mới như sản xuất container và đồ gia dụng, HSC cho rằng Hòa Phát sẽ bắt đầu ra mắt các sản phẩm này ngay trong năm 2023 nhưng đóng góp doanh thu sẽ chưa đáng kể.
Doanh thu thuần hợp nhất năm 2023 và 2024 được dự báo đạt lần lượt gần 144.000 tỷ và gần 155.200 tỷ. Tỷ suất lợi nhuận gộp năm 2023-2024 được kỳ vọng ổn định ở mức 13,1 - 13,5% so với 13,4% năm 2022.