|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Những sức ép khiến Hoà Phát phải đóng cửa một nửa số lò cao

20:20 | 10/11/2022
Chia sẻ
“Chúng tôi tin rằng việc dừng hoạt động các lò cao để giảm sản lượng là biện pháp hợp lý để tồn tại trong giai đoạn khó khăn hiện nay”, Hoà Phát cho biết.

Biên lợi nhuận gộp thu hẹp vì chi phí tăng, giá bán giảm

Thông thường, những tháng cuối năm là mùa cao điểm của xây dựng kéo theo nhu cầu thép tăng cao. Tuy nhiên, năm nay, điều ấy hoàn toàn ngược lại. 

Nhu cầu thép giảm trong bối cảnh tín dụng cho ngành bất động sản bị siết chặt. Bán hàng thép xây dựng tháng 9 giảm 21% so với tháng 8 xuống 920.248 tấn, theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA). 

Ngành thép đang trải quan 6 tháng cuối năm đầy sóng gió mà theo nhận định của CTCP Chứng khoán Everest (EVS Research) đây là giai đoạn khó khăn nhất trong 10 năm trở lại đây. Với Hoà Phát, sự ảm đạm của thị trường thép khiến công ty buộc phải đóng 4/7 lò cao. 

Cụ thể, 2 lò cao ở Khu liên hợp Sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất và 2 lò cao ở Khu liên hợp Sản xuất Gang thép Hòa Phát Hải Dương phải dừng hoạt động.

Đến đầu tháng 12, Hòa Phát có khả năng sẽ tạm dừng thêm một lò cao nữa ở Khu liên hợp Dung Quất.

“Chúng tôi tin rằng việc dừng hoạt động các lò cao để giảm sản lượng là biện pháp hợp lý để tồn tại trong giai đoạn khó khăn hiện nay”, Hoà Phát cho biết.

Trong tháng 10, sản lượng thép thô của Hoà Phát đạt 567.000 tấn giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Lượng bán hàng thép xây dựng, phôi thép và thép cuộn cán nóng (HRC) đạt 492.000 tấn, giảm 42%. Trong đó, thép xây dựng đạt gần 210.000 tấn, giảm 55% so với cùng kỳ. Thép cuộn cán nóng (HRC) ghi nhận 267.000 tấn, tăng 30%. 

Từ quý III đến nay, lượng sản xuất và bán hàng của Tập đoàn giảm do nhu cầu thị trường trong và ngoài nước đều yếu. Trong tháng vừa qua, sản lượng bán hàng thép xây dựng giảm mạnh, trong đó thị trường xuất khẩu sụt giảm tới hơn 73%.

Ngoài ra, lượng bán hàng ống thép và tôn mạ giảm lần lượt 20% và 39% so với cùng kỳ xuống 57.000 tấn và 27.000 tấn. 

Hoà Phát không phải là doanh nghiệp thép duy nhất phải cắt giảm sản lượng trong bối cảnh thị trường khó khăn. 

Trước đó, hồi tháng 9,Công ty Cổ phần Thép Pomina thông báo dừng hoạt động sản xuất lò cao để chuyển sang tập trung vào lò điện, tờ VnEconomy đưa tin. Việc mở lại hoạt động lò cao sẽ linh động và tùy thuộc vào triển vọng của thị trường thép.

"Các nhà máy đều gặp khó khăn do tồn kho ở mức cao và đối diện với thua lỗ hàng tháng. Trong khi đó, các nhà thương mại giảm bớt lượng mua hàng vì tâm lý e ngại giá có thể giảm tiếp”, VSA nhận định.

Trong quý III, doanh thu của Hoà Phát đạt 34.441 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ 2021. Lỗ sau thuế 1.786 tỷ đồng, trái ngược với số lãi kỷ lục 10.351 tỷ của quý III năm ngoái. Đây là lần thua lỗ đầu tiên của Hòa Phát kể từ cuối năm 2008.

Giá bán thép xây dựng đã trải qua 19 nhịp điều chỉnh giảm kể từ tháng 5. Giá bán bình quân quý III của thép xây dựng giảm 3%, của HRC giảm 26% và các sản phẩm từ HRC như ống thép, tôn giảm lần lượt 17% và 20% so với cùng kỳ năm trước.

3 quý đầu năm 2022, biên lợi nhuận gộp Hoà Phát diễn biến đi xuống với tốc độ nhanh, từ con số 23% trong quý I xuống còn 3% trong quý III. Biên lợi nhuận thuần giảm từ 18% trong quý I xuống còn -5% trong quý III.

 Số liệu: BCTC Hoà Phát (H.Mĩ tổng hợp)

Nguyên nhân đến từ doanh thu giảm trong khi giá vốn tăng cao. Theo đó, giá vốn trong quý III tăng 23% tương đương 6.290 tỷ đồng so với  cùng kỳ năm ngoái. 

Than và quặng là hai nguyên liệu quan trọng nhất để sản xuất thép bằng công nghệ lò cao mà Hòa Phát đang sử dụng. 

Tuy nhiên, Hoà Phát cho biết trong khi quặng sắt đã giảm từ cuối năm 2021 và duy trì ở mức dễ chịu thì giá than đã trải qua nhiều biến động mạnh trong 9 tháng đầu năm 2022. 

Xung đột Ukraine và Nga, một trong những nhà cung cấp than lớn trên thế giới đã dấy lên lo ngại thái quá về thiếu hụt nguồn cung dẫn đến cú sốc về giá than lên cả phần còn lại thị trường. 

Bên cạnh đó, các lệnh trừng phạt đã làm đứt gãy dòng chảy cung ứng cũ và việc thiếu chu trình vận tải cho các cung đường mới làm tăng chi phí vận chuyển khiến giá nguyên liệu nhập khẩu càng cao hơn. 

Giá than đã tăng gấp ba mức bình thường trong hai lần đạt đỉnh vào tháng 3 và tháng 5 và chỉ được bù đắp một phần từ giá quặng giảm. 

Giá than lập đỉnh trong năm 2022. (Nguồn: Tradingeconomics) 

Mặc dù hiện tại giá than đã hạ nhiệt, nhưng với vòng quay hàng tồn kho thông thường khoảng 3 tháng, giá thành sản xuất thép quý III phần lớn vẫn được cấu thành bởi lượng than nhập mua với giá cao nhất trong quý II.

Ngoài ra, trong bối cảnh giá bán liên tục giảm và giá thành sản xuất cao, các khoản dự phòng hàng tồn kho trong quý trước chưa được hoàn nhập và còn phải trích lập bổ sung trong quý này với số tiền 137 tỷ đồng. 

Như vậy, bên cạnh áp lực về chi phí nguyên vật liệu, giá vốn hàng bán của tập đoàn đồng thời phải chịu thêm gánh nặng từ khoản dự phòng hàng tồn kho, góp phần làm mỏng thêm biên lợi nhuận quý III. 

Chia sẻ tại chương trình Khớp Lệnh của VTV Digital, ông Ngô Minh Đức, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư tài chính LCTV cho rằng khi dừng 4 lò cao, Hoà Phát sẽ tập trung xả hàng tồn kho. 

“Tôi cho rằng lượng hàng tồn kho quý IV của Hoà Phát có thể ở quanh mức 10.000 - 12.000 tỷ đồng”, ông Đức nói. 

Mức tồn kho của Hoà Phát giảm 13.537 tỷ đồng, từ hơn 58.317 tỷ đồng cuối quý II xuống còn 44.779 tỷ đồng vào cuối quý III, trong đó thành phẩm, hàng hóa và sản phẩm dở dang giảm 1.030 tỷ đồng, nguyên vật liệu giảm 12.224 tỷ đồng. 

 Số liệu: BCTC Hoà Phát (H.Mĩ tổng hợp) 

Độ dài của chu kỳ vòng quay hàng tồn kho đã được rút ngắn đáng kể từ 172 ngày xuống còn 126 ngày. 

Trong đó, vòng quay nguyên vật liệu giảm từ 102 xuống còn mức ngắn nhất 62 ngày, tỷ trọng nguyên vật liệu giảm xuống mức thấp nhất 49% so với các quý trước. 

Hòa Phát cho biết động thái này nhằm tối ưu chi phí sử dụng vốn lưu động, vừa đảm bảo an toàn cho sản xuất liên tục. 

Áp lực từ chi phí tài chính

Tháng 9, FED đã nâng lãi suất lần thứ 5 liên tiếp trong năm nhằm kiềm chế lạm phát đang ở mức rất cao tại Mỹ. Tuy thị trường tín dụng Việt Nam đang giữ một độ trễ khá dài về ảnh hưởng của chính sách tiền tệ thắt chặt so với thế giới nhưng lãi suất cũng đã bắt vào đà tăng trong quý III và đang dần gây áp lực lên chi phí vay vốn của các doanh nghiệp. 

Lãi suất đi vay của Hòa Phát đã bắt đầu tăng trong quý III khiến cho dù dư nợ vay giảm so với quý trước, chi phí lãi vay quý này vẫn tăng 17% từ 717 tỷ lên 837 tỷ. 

Bên cạnh lãi vay, tỷ giá là nguyên nhân chính dẫn làm chi phí tài chính của tập đoàn quý này tăng ở mức đáng kể 1.341 tỷ đồng, gấp 2,38 lần so với quý III/2021. 

Giá đồng USD đã đạt mức cao kỷ lục trong vòng 20 năm trở lại đây. Với nguyên liệu than và quặng sắt chủ yếu đến từ nguồn nhập khẩu và một phần dư nợ vay bằng USD, Hòa Phát tiếp tục ghi nhận trong quý này tổng lỗ chênh lệch tỷ giá thuần đã thực hiện và lỗ chênh lệch tỷ giá thuần từ việc đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ là 1.013 tỷ.

  Số liệu: BCTC Hoà Phát (H.Mĩ tổng hợp) 

"Khi lãi suất tăng lên, chi phí hoạt động, tồn kho than giá cao vẫn còn, tôi cho rằng quý IV của Hoà Phát sẽ còn tăng lên, cao hơn so với quý III. Việc khởi động các tồn kho có thể tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng", ông Đức nhận định. 

Trung tâm phân tích của CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng mối lo ngại chính trong thời gian tới là nhu cầu thép giảm nhanh ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu, hơn là bản thân việc đóng cửa lò cao.

"Việc đóng cửa các lò cao có thể được coi là một dấu hiệu cho thấy quan điểm thận trọng của ban lãnh đạo của Hoà Phát về triển vọng thị trường thép trong tương lai", SSI Research nhận định. 

H.Mĩ

Shinhan Bank: Tỷ giá sẽ giảm về 24.700 VND/USD trong năm 2025
Bộ phận phân tích Shinhan Bank dự báo tỷ giá dự kiến giảm nhẹ nhờ vào các yếu tố cơ bản trong nước vững chắc như cán cân thanh toán ổn định, dòng vốn đầu tư nước ngoài tích cực. Tuy nhiên mức độ giảm có thể bị hạn chế, phụ thuộc vào khả năng phục hồi ở các nền kinh tế ngoài Mỹ như Châu Âu, Trung Quốc…