|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Ông Trần Đình Long không còn là tỷ phú USD khi cổ phiếu Hòa Phát sa sút

11:18 | 10/11/2022
Chia sẻ
Forbes ước tính tài sản của ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát, vào sáng 10/11 giảm xuống còn 959 triệu USD.

Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát. (Ảnh: Song Ngọc).

Tính đến 11h sáng nay 10/11, giá cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát giảm 5,8% còn 12.250 đồng/cp. Từ đầu năm 2022 đến nay, HPG đã mất 65% giá trị, vốn hóa lao dốc từ khoảng 206.000 tỷ đồng còn hơn 71.000 tỷ.

Gia đình Chủ tịch Hội đồng quản trị Trần Đình Long là cổ đông lớn nhất của Hòa Phát nên cũng là nhóm chịu thiệt hại nặng nề nhất.

Trong năm 2021 và đầu năm 2022, ông Trần Đình Long từng là người giàu thứ 2 Việt Nam, chỉ sau Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng.

Theo cập nhật mới nhất của tạp chí Forbes, tính đến 11h sáng 10/11/2022 (theo giờ Việt Nam), tài sản ròng của Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát chỉ còn 959 triệu USD, rời khỏi danh sách tỷ phú.

 

Forbes ước tính tài sản ròng của ông Trần Đình Long hiện còn chưa đầy 1 tỷ USD. (Ảnh chụp màn hình).

Hiện nay, Chủ tịch Trần Đình Long đang sở hữu gần 1,52 tỷ cổ phiếu HPG, tương đương tỷ lệ 26,08% vốn của Tập đoàn Hòa Phát. Vợ và con trai của ông Long cũng đang nắm giữ tương ứng 7,34% và 1,56% vốn. Các cổ đông khác liên quan tới ông Long sở hữu tổng cộng 5,7 triệu cổ phiếu HPG.

Các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng khối cổ phiếu HPG trị giá 1.690 tỷ đồng trong tháng 10 và 823 tỷ đồng trong 5 phiên đầu tháng 11, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu còn 18,6%.

 

Giá cổ phiếu HPG liên tục lao dốc trong bối cảnh ngành thép Việt Nam gặp nhiều khó khăn, hầu hết  doanh nghiệp thép - bao gồm chính Hòa Phát - đều thua lỗ kỷ lục trong quý III vừa qua.

Các nhân tố chủ yếu gây thua lỗ cho Hòa Phát là giá tiêu thụ thành phẩm giảm, giá nguyên liệu đầu vào tăng, chi phí lãi vay và lỗ chênh lệch tỷ giá nhảy vọt. Bước sang tháng 10 - tức tháng đầu tiên của quý IV,  Hòa Phát đã sản xuất 567.000 tấn thép thô, giảm 19% so với cùng kỳ năm 2021. Sản lượng bán hàng thép xây dựng, phôi thép và thép cuộn cán nóng (HRC) đạt 492.000 tấn, giảm 42%.

Tại ngày 30/9 vừa qua, Hòa Phát ghi nhận tổng giá trị hàng tồn kho gần 44.800 tỷ đồng, cao hơn khoảng 2.400 tỷ so với ngày đầu năm. Trong đó, giá trị tồn kho thành phẩm là khoảng 14.700 tỷ và tồn kho nguyên vật liệu là hơn 18.800 tỷ, lần lượt tăng 4,7% và giảm 5,5% so với 9 tháng trước.

Hòa Phát cho biết Tập đoàn sẽ điều chỉnh sản xuất và bán hàng linh hoạt theo diễn biến thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, trong đó ưu tiên quản trị tốt hơn hàng tồn kho và chi phí vận hành.  

Từ đầu năm 2022 đến sáng 10/11, vốn hóa của HPG đã bay hơi khoảng 135.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 5,6 tỷ USD.

Hôm 4/11, Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất - một công ty thành viên của Tập đoàn Hòa Phát - thông báo tạm dừng hai lò cao tại Khu liên hợp Dung Quất và hai lò cao tại Khu liên hợp Hải Dương vì thị trường khó khăn.

Đến đầu tháng 12, Hòa Phát có khả năng sẽ tạm dừng thêm một lò cao nữa ở Khu liên hợp Dung Quất. Theo Hòa Phát, chi phí khởi động lại mỗi lò cao có thể lên tới 40 tỷ đồng/lò. 

Trong báo cáo phân tích ngày 9/11, Chứng khoán SSI dự báo lợi nhuận sau thuế cả năm 2022 của Hòa Phát sẽ đạt 10.207 tỷ đồng. Trong khi đó, lãi sau thuế 9 tháng của Hòa Phát đã là 10.443 tỷ. Nói cách khác, SSI cho rằng Hòa Phát sẽ tiếp tục lỗ khoảng 236 tỷ đồng trong quý cuối năm.

Trước đó trong báo cáo báo phân tích công bố ngày 1/11, SSI ước tính Hòa Phát sẽ có lãi hơn 1.700 tỷ đồng trong quý IV. Công ty chứng khoán này điều chỉnh dự báo kết quả kinh doanh của Hòa Phát sau thông tin về đóng cửa lò cao ở Dung Quất và Hải Dương.

SSI cho rằng biến động giá thép có thể bớt đi trong thời gian tới nhưng nhu cầu suy yếu trên thị trường toàn cầu cũng như thị trường trong nước có thể vẫn là một thách thức đối với Hòa Phát.

 

Song Ngọc