Hòa Phát quay lại top 10 vốn hóa HOSE, Hoa Sen kịch trần với thanh khoản đột biến
Thị trường chứng khoán Việt Nam ngày 16/12 giao dịch trong biên độ hẹp và kết phiên giảm nhẹ. VN-Index và VN30-Index mất lần lượt 0,27% và 0,38%, HNX-Index giảm 0,55% trong khi chỉ số của sàn UPCoM nhích lên 0,02%.
Đây là diễn biến tương đối tích cực khi so với thị trường chứng khoán Mỹ đêm qua với Dow Jones mất 764 điểm, S&P 500 và Nasdaq Composite sụt lần lượt 2,49% và 3,23% giữa những lo ngại về suy thoái kinh tế.
Cổ phiếu thép đồng loạt đi lên và hỗ trợ tích cực cho thị trường chứng khoán Việt phiên cuối tuần. HPG của Tập đoàn Hòa Phát tăng 5,4% lên 20.400 đồng/cp và là mã nâng đỡ VN-Index mạnh nhất, gấp ba lần cổ phiếu đứng ngay sau là VPB của Ngân hàng VPBank.
Tính đến cuối phiên thứ Sáu 16/12, vốn hóa của Hòa Phát đạt hơn 118.600 tỷ đồng, quay lại top 10 của Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) sau khi vắng bóng từ tháng 7.
Đứng trên Hòa Phát là một số tên tuổi lớn như CTG của VietinBank, MSN của Tập đoàn Masan, VPB của VPBank, … Đứng đầu bảng xếp hạng giá trị niêm yết toàn thị trường vẫn là ba cái tên quen thuộc: VCB của Vietcombank, VIC của Vingroup và VHM của Vinhomes.
Một cổ phiếu thép khác cũng đi lên mạnh mẽ trong phiên 16/12 là HSG của Tập đoàn Hoa Sen. Khi thị trường đóng cửa, HSG vẫn còn dư mua giá trần hơn 2,1 triệu đơn vị. Ngoài HSG, các cổ phiếu NKG của Thép Nam Kim, POM của Thép Pomina, VGS của Thép Việt Đức, TLH của Thép Tiến Lên cũng đóng cửa trong sắc tím.
Khối lượng khớp lệnh của HSG ngày hôm nay đạt 33 triệu đơn vị, gấp ba lần trung bình 10 phiên gần đây và là mức cao thứ ba trong lịch sử cổ phiếu thép này.
Kỳ vọng Trung Quốc hồi phục
Sau khi chạm đáy trong tháng 11, nhiều cổ phiếu thép đã phục hồi mạnh mẽ. Biểu đồ bên dưới cho thấy HPG hiện vẫn còn kém đầu năm 42% nhưng đã tăng gần 69% so với phiên 10/11. Tương tự, HSG giảm 57% so với đầu năm nhưng cao hơn gần 84% so với mức thấp của tháng trước.
Cổ phiếu thép đi lên khi Trung Quốc - nước tiêu thụ thép lớn nhất thế giới - bắt đầu nới lỏng chính sách chống dịch COVID-19 và ưu tiên hơn tới phát triển kinh tế. Nhiều yêu cầu về cách ly và xét nghiệm đã bớt nghiêm ngặt so với trước, các hãng hàng không Việt Nam cũng đã khai thác lại một số chặng bay tới những đô thị lớn như Thượng Hải, Thiên Tân, …
Hôm 14/12, hãng tin nhà nước Tân Hoa Xã cho biết các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang đặt mục tiêu thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư nội địa. Việc gia tăng nhu cầu trong nước sẽ giúp Trung Quốc đạt được tăng trưởng kinh tế với chất lượng cao hơn và ứng phó với các rủi ro từ bên ngoài, Tân Hoa Xã trích dẫn kế hoạch kinh tế 2022 – 2035 của chính phủ Trung Quốc cho hay.
“Chúng ta phải kiên quyết triển khai chiến lược mở rộng nhu cầu trong nước, gia tăng tiêu dùng của người dân và các khoản đầu tư hiệu quả, cải thiện sự vững vàng của mô hình phát triển kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững và lành mạnh …”, Tân Hoa Xã viết.
Bắc Kinh sẽ hỗ trợ nhu cầu “chính đáng” về nhà ở của người dân, hạn chế đầu cơ, khuyến khích chuyển đổi sang xe điện, gia tăng nguồn cung hàng tiêu dùng chất lượng cao và nông sản an toàn.
Theo Mining.com, tín hiệu tích cực từ Trung Quốc đã đẩy giá quặng sắt lên đỉnh 6 tháng. Ngày 15/12, giá hợp đồng tương lai quặng sắt giao tháng 5 được giao dịch nhiều nhất trên Sàn Đại Liên tăng 3,2% lên 830 nhân dân tệ (tức 119 USD) mỗi tấn, mức cao nhất kể từ ngày 15/6.
Các nhà phân tích của Zhongzhou Futures nhận định: “Việc đẩy nhanh triển khai các kế hoạch nhằm ổn định nền kinh tế và tối ưu hóa chính sách phòng dịch đã cải thiện tâm lý thị trường [quặng sắt]”.