|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Khối ngoại mua ròng HPG liên tiếp 16 phiên, tổng cộng hơn 62 triệu cổ phiếu

11:13 | 12/01/2023
Chia sẻ
Cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát liên tục được nhà đầu tư nước ngoài gom thêm trong ba tuần qua, trái ngược với xu hướng bán ròng mạnh trước đó.

Khối ngoại mua ròng gần 1.200 tỷ đồng HPG trong 16 phiên liên tục. (Ảnh minh họa: Song Ngọc).

Theo thống kê của Chứng khoán SSI, trong giai đoạn từ 1/12/2022 đến hết phiên 11/1/2023, các nhà đầu tư nước ngoài mua vào 200,2 triệu và bán ra 95,64 triệu cổ phiếu HPG, tương ứng với khối lượng mua ròng 104,54 triệu đơn vị, trị giá 2.000 tỷ đồng.

Liên tục trong 16 phiên từ 20/12 đến 11/1, khối ngoại đều mua ròng HPG với tổng khối lượng hơn 62 triệu đơn vị, trị giá 1.186 tỷ đồng.

Khối ngoại mua ròng HPG 16 phiên liên tiếp.

Xu hướng mua ròng HPG những tuần gần đây trái ngược hoàn toàn với đà bán ròng mạnh mẽ trong hai năm qua.

Năm 2021, HPG là cổ phiếu bị khối ngoại xả nhiều nhất với giá trị lên tới hơn 18.900 tỷ đồng, cao gấp đôi cổ phiếu đứng sau là VPB của VPBank. Năm 2022, HPG xếp thứ hai trong danh sách bán ròng với giá trị gần 4.200 tỷ, chỉ sau EIB của Eximbank.

HPG nằm trong top bán ròng mạnh nhất của khối ngoại năm 2021 và 2022.

Triển vọng nào cho Hòa Phát và ngành thép?

Tháng 11 năm ngoái, Hòa Phát đã phải tạm đóng 4 trong tổng số 7 lò cao vì nhu cầu yếu dẫn tới dư thừa công suất. Hôm 29/12 vừa qua, hãng tin Kallanish Commodities cho biết tập đoàn thép của tỷ phú Trần Đình Long đang bắt đầu khởi động lại một lò cao ở Khu liên hợp Hải Dương.

Trong báo cáo phân tích về ngành thép mới đây, Chứng khoán SSI cho biết Hòa Phát vẫn tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu ngành thép Việt Nam với lợi thế vượt trội về quy mô, chi phí sản xuất và vị thế tài chính.

Thị phần của Hòa Phát có thể tăng trong dài hạn đi cùng với quá trình tái cơ cấu thị trường, khi các công ty nhỏ hơn và hoạt động kém hiệu quả có thể bị xóa sổ.

Hòa Phát giữ vững ngôi đầu và gia tăng thị phần thép xây dựng trong năm 2022.

Đồng thời, SSI cũng chỉ ra hai yếu tố rủi ro của Hòa Phát. Thứ nhất, hiệu suất sử dụng thấp trong năm 2023 có thể ảnh hưởng tiêu cực đến biên lợi nhuận.

Thứ hai, việc Trung Quốc mở cửa trở lại có thể trở thành con dao hai lưỡi khi sức cầu yếu tại thị trường trong nước sẽ khiến Hòa Phát gặp khó trong việc tăng giá bán lên ngang tầm khu vực, đặc biệt là đối với thép xây dựng.

Giá cổ phiếu HPG phục hồi một phần sau khi xuống đáy trong tháng 11.

Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), việc Chính phủ đẩy mạnh đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng trong năm 2023 có thể hỗ trợ nhu cầu thép trong nước đặc biệt là thép xây dựng.

Tổng vốn kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 là 2,87 triệu tỷ đồng, tăng 43,5% so với kế hoạch giai đoạn 2016-2020. Giải ngân đầu tư công đã tăng tốc dần trong quý IV/2022.

Các dự án giao thông chiếm tỷ trọng lớn khi tổng chi đạt 507.400 tỷ đồng, chiếm 46,6% kế hoạch phân bổ vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách trung ương. Do đó, các nhà sản xuất thép xây dựng như Hòa Phát, Formosa, Pomina có thể hưởng lợi.

 Tiêu thụ thép xây dựng của Hòa Phát phục hồi trong tháng 11 và 12/2022.

Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) đánh giá thị trường xây dựng đang trong giai đoạn khó khăn khi lãi suất vay mua nhà ước tăng từ 7,5 – 8,5% trong năm 2021 lên trên 11% vào quý IV/2022. Việc siết chặt tín dụng cho bất động sản ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ ngành vật liệu xây dựng. MASVN cho rằng ngành bất động sản sẽ tiếp tục trầm lắng trong nửa đầu năm 2023, kéo theo nhu cầu thép trong nước sẽ khó có sự tăng trưởng mạnh.

Sau khi thua lỗ kỷ lục trong quý III/2022, ngành thép có khả năng tiếp tục lỗ hoặc sẽ chỉ lãi rất ít trong quý IV do giá thép trong nước đã giảm 20% tính từ đỉnh hồi tháng 4/2022. MASVN dự báo lợi nhuận ngành trong 2023 sẽ chỉ ở mức 50% so với giai đoạn đỉnh cao quý IV/2020 – quý I/2022.

Tuy nhiên, theo góc nhìn tích cực thì thời điểm khó khăn nhất đang dần qua đi và lợi nhuận ngành kỳ vọng ghi nhận dương trở lại từ quý II/2023.

Đức Quyền