|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Dự báo KQKD loạt doanh nghiệp niêm yết: Lợi nhuận Vĩnh Hoàn giảm 17%, Hoà Phát có thể lỗ 200 tỷ đồng quý IV/2022

16:46 | 11/01/2023
Chia sẻ
Tập đoàn FPT, PVTrans được dự báo tăng trưởng dương trong quý IV/2022 còn lợi nhuận của Thế Giới Di Động, Vĩnh Hoàn, Hoà Phát, PVD,... có thể giảm so với cùng kỳ.

SSI Research vừa có báo cáo ước tính kết quả kinh doanh quý IV/2022 của 27 công ty. Trong đó có 5 công ty phi tài chính dự kiến có tăng trưởng lợi nhuận dương và 10 công ty dự kiến có lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ.

Các công ty có kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận dương là những đơn vị có mã cổ phiếu ACV, AST, FPT, PVT, TNH. Các công ty có ước tính tăng trưởng lợi nhuận âm có BSR, DPM, DRC, GAS, HAH, HPG, MWG, PVD, QNS, VHC.

Doanh nghiệp ngành hàng không hồi phục hậu COVID-19

Trong quý IV/2022, lợi nhuận trước thuế (LNTT) Tập đoàn FPT (Mã: FPT) được kỳ vọng tăng 15% so với cùng kỳ, tương đương 2.024 tỷ đồng.

Theo SSI Research, năm 2023 LNTT của FPT ước tăng 18% so với năm 2022, khoảng 7.477 tỷ đồng. Tăng trưởng tích cực từ mảng CNTT nước ngoài và giáo dục sẽ là động lực tăng trưởng chính, giúp bù đắp cho kết quả không tích cực của mảng CNTT trong nước và quảng cáo trực tuyến.

Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVTrans - Mã: PVT) được dự đoán LNTT quý IV/2022 đạt 320 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ nhờ hoạt động cho thuê tàu trên thị trường quốc tế với giá cho thuê cao hơn.

Năm 2023, PVTrans tiếp tục được hưởng lợi từ việc cho thuê tàu khi công ty đã gia hạn tất cả hợp đồng cho thuê tàu vào quý IV/2022 với giá thuê trên hợp đồng được điều chỉnh cao hơn. Mặc dù có thể có một số rủi ro giảm giá thuê tàu khi nhu cầu dầu suy yếu nhưng lợi nhuận cốt lõi của PVTrans được dự báo tăng 15% so với cùng kỳ trong năm 2023.

Với nhóm hàng không, CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco (Taseco Airs - Mã: AST) được dự báo LNTT trong quý IV/2022 có thể đạt hơn 20 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm 2021 lỗ 18 tỷ đồng. Sự tăng trưởng lợi nhuận đến từ việc lượng hành khách thông qua các cảng hàng không phục hồi sau dịch COVID-19, đặc biệt là các chuyến bay quốc tế đang phục hồi nhanh.

Năm 2023, với sự mở cửa trở lại của Trung Quốc – thị trường du lịch khách nước ngoài lớn nhất Việt Nam, ngành hàng không nội địa sẽ đón nhận nhiều tín hiệu tích cực nên Taseco Airs sẽ được hưởng lợi.

Theo đó, LNTT của Taseco Airs có thể đạt 38 tỷ đồng (giảm 85% so với năm 2019) trong năm 2022; Đạt 230 tỷ đồng vào năm 2023 (tăng 501% so với cùng kỳ, giảm 13% so với năm 2019); Đạt 331 tỷ đồng vào năm 2024 khi thị trường hồi phục hoàn toàn (tăng 44% so với cùng kỳ, tăng 26% so với năm 2019).

Cũng trong ngành hàng không, SSI Research ước đạt LNTT của Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (Mã: ACV) trong quý IV/2022 khoảng 800 tỷ đồng. Song, con số này cao hơn nhiều so với con số ACV công bố là 306 tỷ đồng .

Năm 2023, công ty đặt kế hoạch 18.414 tỷ đồng doanh thu tăng 20%, LNTT đạt 8.448 tỷ đồng, tăng 11% so với ước tính năm 2022. Còn SSI Research dự báo, năm 2023 ACV có thể ghi nhận mức tăng trưởng LNTT 25% so với năm trước.

CTCP Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên (Mã: TNH) được dự báo doanh thu quý IV/2022 đạt 120 tỷ đồng tăng 17%, lợi nhuận ròng đạt 37 tỷ đồng tăng 20% so với cùng kỳ.

Năm 2022, doanh thu của TNH có thể đạt 460 tỷ đồng tăng 11%, lợi nhuận ròng đạt 142 tỷ đồng đi ngang so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do cơ sở bệnh viện Quốc Tế Thái Nguyên đã gần đạt công suất tối đa sẽ khó duy trì tốc độ tăng trưởng hai con số. Trong khi đó, Bệnh viện Đa khoa Yên Bình ghi nhận mức tăng trưởng khiêm tốn.

Sang năm 2023, lợi nhuận ròng của TNH có thể sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các chi phí liên quan đến việc chuẩn bị mở bệnh viện mới. Ước tính, doanh thu sẽ đạt 476 tỷ đồng (tăng 4% so với cùng kỳ) và LNST đạt 129 tỷ đồng (giảm 9% so với cùng kỳ).

Hoà Phát thua lỗ, Vĩnh Hoàn đi lùi trong quý IV/2022

SSI Research dự báo, Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) sẽ lỗ hơn 200 tỷ đồng trong quý IV/2022, giảm mạnh so với mức lãi 7.400 tỷ đồng so với cùng kỳ. Năm 2023, lợi nhuận của công ty có thể phục hồi 7% nhờ giá thép ổn định và chi phí đầu vào giảm (đặc biệt là giá than).

Lợi nhuận ròng quý IV/2022 của CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã: MWG) được dự báo giảm 42% so với cùng kỳ do nhu cầu điện thoại điện máy suy giảm trong bối cảnh khó khăn kinh tế vĩ mô, mức cơ sở so sánh cao của năm ngoái, chi phí tài chính tăng mạnh và sự chậm trễ trong quá trình giao iPhone 14.

Theo SSI Research, nhu cầu điện thoại điện máy có thể vẫn còn ảm đạm trong nửa đầu năm 2023 nên ảnh hưởng đến lợi nhuận của MWG.

Còn lợi nhuận sau thuế (LNST) của MWG năm 2023 sẽ tăng 8% so với cùng kỳ nhờ mảng bách hoá xanh cải thiện, không có chi phí phát sinh liên quan đến việc đóng của các của hàng hoạt động không hiệu quả và chi phí tài chính ròng giảm.

Cùng chung đà giảm, lợi nhuận ròng quý IV/2022 của CTCP Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) khoảng 385 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ.

Năm 2022, doanh thu thuần ước đạt 13.800 tỷ đồng tăng 52% và lợi nhuận ròng 2.200 nghìn tỷ đồng tăng 98% so với cùng kỳ. Sang năm 2023, Vĩnh Hoàn có thể đạt 11.800 tỷ đồng doanh thu thuần và 1.500 tỷ đồng lợi nhuận ròng.

Ở nhóm dầu khí, các chuyên gia ước tính Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (Mã: PVD) có thể ghi nhận 31 tỷ đồng LNTT trong quý IV/2022, giảm 44% so với cùng kỳ năm trước. Song, sang năm 2023, LNTT của công ty có thể đạt 490 tỷ đồng so với mức lỗ 136 tỷ đồng trong năm 2022.

Ước tính năm 2022, doanh thu và lợi nhuận ròng của CTCP Lọc hoá dầu Bình Sơn (Mã: BSR) lần lượt đạt 165.500 tỷ đồng và 12.180 tỷ đồng tăng lần lượt 64% và 82% so với cùng kỳ. Như vậy, tính riêng quý IV/2022, công ty lỗ khoảng 723 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái ghi nhận 2.700 tỷ đồng.

Theo SSI Research, lợi nhuận của BSR năm 2023 có thể giảm 30 - 40% so với mức cao nhất ghi nhận vào năm 2022. Nguyên nhân là do chênh lệch giá crack quay lại mức bình thường và doanh số bán hàng giảm khi nhà máy tạm dừng hoạt động để bảo trì định kỳ trong 50 ngày.

Đối với Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ - Mã: DPM), LNTT có thể đạt 700 tỷ đồng trong quý IV/2022. Song, con số này, thấp hơn 331 tỷ đồng công ty công bố (1.031 tỷ đồng).

SSI Research cho rằng, lợi nhuận ròng năm 2023 của DPM sẽ giảm 21% so với cùng kỳ khi giá urê sẽ giảm do giá nguyên liệu thô giảm, các nhà xuất khẩu lớn (Nga và Trung Quốc) có thể gia tăng xuất khẩu và nhu cầu giảm do giá nông sản hàng hóa đi xuống.

CTCP Cao su Đà Nẵng (Mã: DRC) được dự phóng khoảng 100 tỷ đồng LNTT trong quý IV/2022 do hoạt động xuất khẩu lốp xe hơi ảm đạm.

Sang năm 2023, khi Trung Quốc mở cửa trở lại, các nhà sản xuất lốp xe tại quốc gia này có thể tăng sản lượng, làm tăng sự cạnh tranh đối với lốp radial. Trong khi, nhu cầu lốp xe bias tại Lào, Myanmar và các nước Trung Đông có thể giảm cùng với suy thoái kinh tế. Trước nhiều khó khăn, thách thức, lợi nhuận năm 2023 của DRC có thể giảm 10% so với năm trước.

CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (Mã: HAH) đã công bố kết quả kinh doanh năm 2022, tính riêng quý IV/2022, LNST của cổ đông công ty mẹ khoảng 177 tỷ đồng giảm 13% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do giá cước vận tải nội địa giảm mạnh trong bối cảnh nhu cầu yếu.

Theo SSI Research, thị trường vận tải container đã thu hẹp đáng kể trong năm 2022. Mặc dù chu kỳ giảm có thể tiếp tục sang năm 2023, 2023 do nguồn cung ngày càng tăng nhưng mặt bằng giá sẽ không còn giảm nhiều, đặc biệt là thị trường cho thuê tàu đã ổn định trở lại trong 3 tháng gần đây.

Ước tính, LNST của cổ đông công ty mẹ có thể giảm 16% vào năm 2023 và 13% vào năm 2024.

CTCP Đường Quảng Ngãi (Mã: QNS) có thể ghi nhận 339 tỷ đồng lợi nhuận ròng trong quý IV/2022, giảm 9% so với cùng kỳ.

Đơn vị phân tích cho rằng, với mảng sữa đậu nành của QNS, sản lượng tiêu thụ giai đoạn 2022 - 2023 sẽ không thay đổi so với năm 2021 do sức tiêu thụ của người tiêu dùng giảm sút. Còn sản lượng đường tinh luyện trong năm 2023 sẽ tăng 33% với tỷ suất lợi nhuận gộp là 28,4%. Do đó, công ty sẽ đạt 1.300 tỷ đồng lợi nhuận ròng, tăng 9% so với năm 2022.

Lâm Anh

Yagi là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua, Hà Nội gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cho biết Hải Phòng – Quảng Ninh gió mạnh nhất còn kéo dài đến khoảng 19h ngày 7/9, sau giảm nhanh; Thái Bình – Nam Định gió mạnh nhất từ khoảng 16-22h; Đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có thủ đô Hà Nội) gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9.