Khối ngoại có chốt lời 'ăn tết'? Thị trường chứng khoán VN biến động ra sao tháng cuối năm?
Chủ tịch Dragon Capital 'hiến kế' nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam |
Diễn biến thị trường ra sao trước kì nghỉ lễ Giáng sinh và Tết?
Theo thống kê diễn biến VN-Index tháng 12 trong 10 năm gần đây, số năm ghi nhận chỉ số này tăng và giảm điểm là cân bằng (5 năm). Tính trung bình, VN-Index tăng 0,79% vào tháng 12 trong 10 năm gần đây.
Năm 2017, VN–Index tăng 3,61% trong tháng 12, đóng cửa năm ở 984,24 điểm, đánh dấu một năm tăng điểm mạnh mẽ của thị trường chứng khoán Việt Nam. Tính chung cho cả năm 2017, VN-Index tăng hơn 48%, trong khi các thị trường chứng khoán khác trong khu vực như Philippines tăng 25,1%, Indonesia tăng 20% và Thái Lan tăng 13,7%.
Trong năm 2016, VN-Index giảm nhẹ 0,03% trong tháng 12, đóng cửa ở 664,72 điểm. Tháng 12/2016, thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến kém tích cực so với các thị trường khác trong khu vực khi Thái Lan, Philippines và Indonesia tăng lần lượt 2,2%, 0,9% và 2,9%.
Nguồn: Phan Quân |
Đáng chú ý, trong tháng 12/2012, VN-Index tăng trưởng 9,5%, cao nhất trong các tháng 12 của 10 năm gần đây.
Nguồn: Phan Quân |
Diễn biến trên sàn HNX, theo thống kê giai đoạn 2008 – 2017, HNX-Index có mức tăng trung bình 1,65% vào tháng 12. Diễn biến cùng chiều với VN-Index, HNX-Index tăng 1,87% trong năm 2017 và giảm 0,63% trong năm 2016. Tháng 12/2012, HNX – Index tăng 11,83%, ghi nhận mức cao nhất trong giai đoạn 2008 – 2017.
Diễn biến trái phiều, trong tháng 12, UPCoM-Index lại giảm điểm trong năm 2017 và tăng điểm trong năm 2016. Tính trung bình giai đoạn 2009 - 2017, UPCoM-Index giảm 0,4% vào tháng 12.
Nguồn: Phan Quân |
Dự báo về diễn biến thị trường trong tháng 12 năm nay, theo CTCP Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC), trường hợp tích cực, VN-Index sẽ tăng lại với kỳ vọng 975 - 1.000 điểm với sự luân chuyển của các cổ phiếu lớn. Thanh khoản duy trì ở mức trung bình, vận động ngành xuất hiện nhưng không rõ rệt.
Cùng quan điểm trên, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cuối kì 2018 tổ chức ngày 4/12, ông Dominic Scriven (Chủ tịch Dragon Capital) cho rằng VN-Index có thể lấy lại được mốc 1.000 điểm trong thời gian tới.
Khối ngoại hành động ra sao trong tháng 12?
Trong tháng 12/2017, khối ngoại mua ròng 87,9 triệu USD trên toàn thị tường. Trong đó, khối ngoại đã mua ròng các cổ phiếu HPG (35,9 triệu USD), MWG (27,8 triệu USD) và VRE (17,4 triệu USD) trong khi bán ròng ở các mã như NVL (45 triệu USD), VIC (23,7 triệu USD) và SAB (19,6 triệu USD). Tuy nhiên, tháng 12/2016, khối ngoại lại bán ròng 54,6 triệu USD, thấp hơn so với mức bán ròng 71,4 triệu USD trong tháng trước đó.
Đáng chú ý, trong tháng 12/2015, khối ngoại bán ròng 2.129 tỉ đồng (tương đương gần 95 triệu USD) trên cả hai sàn HOSE và HNX, ghi nhận tháng bán ròng mạnh nhất trong năm.
Tuy nhiên, trong tháng 12/2014, khối ngoại lại mua ròng nhẹ gần 1 triệu USD trên cả hai sàn, trong đó mua ròng hơn 78 tỉ đồng (tương đương 3,6 triệu USD) trên HOSE và bán ròng hơn 57 tỉ đồng (2,7 triệu USD) trên HNX.
Như vậy, thống kê trong 4 năm gần đây, số năm khối ngoại mua ròng và bán ròng là tương đương. Tuy nhiên, xét trên khía cạnh giá trị, khối ngoại có xu hướng bán ròng trong tháng 12.
Diễn biến giao dịch khối ngoại trong tháng 11 năm nay, khối này đã mua ròng gần 1.413 tỉ đồng trên HOSE và bán ròng gần 279 tỉ đồng trên HNX và mua ròng gần 205 tỉ đồng trên thị trường UPCoM.
Ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam. |
Nhận định về diễn biến giao dịch khối ngoại trong tháng 12 năm nay, theo ông Đỗ Bảo Ngọc (Phó Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam), những phiên cuối tháng 11 và đầu tháng 12, khối ngoại đã mua ròng một số mã bluechip, tiêu biểu là VNM. Tuy nhiên, đây là những mã được mua với kế hoạch từ trước. Cụ thể, việc mua ròng VNM là do các tổ chức như F&N Dairy Investments PTE.LTD và Platinum Victory Pte. Ltd. đã đăng kí mua từ trước và chưa mua đủ. Nhìn chung, giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài cũng theo chiều hướng cải thiện hơn, tuy nhiên mức độ mua ròng không quá lớn và cho thấy giao dịch tương đối thận trọng.
“Tôi cho rằng khối ngoại mua ròng trong tháng 12. Tuy nhiên, khối lượng không quá lớn. Tôi kì vọng nhiều hơn vào giao dịch khối ngoại trong quý I/2019. Thông thường, quý I hàng năm, tỉ trọng mua ròng của khối ngoại là rất lớn. Đó là lí do vì sao tôi cho rằng khối ngoại mua ròng lớn vào quý I/2019”, ông Đỗ Bảo Ngọc nhận định.
Nhóm ngành ‘hot’ trong tháng 12
Theo thống kê trong tháng 12/2017, cổ phiếu ngành Năng lượng và Tiêu dùng thiết yếu có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Điển hình, một số mã tăng mạnh như PVS (tăng 30%), PVD (25%), GAS (22%), PLX (21%), PVC (22%).
Tháng 12/2016, cổ phiếu nhóm ngành Y tế và Tiêu dùng thiết yếu có sự tăng trưởng ấn tượng với tỉ lệ tăng lần lượt là 61% và 59,4%. Một số mã cổ phiếu tăng giá cao đột biến như DST (tăng 94%), VHC (23%).
Cổ phiếu ngân hàng có “hút tiền” trong tháng 12 năm nay?
Theo đánh giá của ông Đỗ Bảo Ngọc, cổ phiếu ngành Ngân hàng đã giảm rất nhiều trong tháng 11, các cổ phiếu đi ngang trong tuần cuối tháng 11 với thanh khoản rất thấp. Đó là biểu hiện nhóm này đã tạo ra một mặt bằng giá mới.
Với mức định giá như vậy và những thông tin tích cực, dòng tiền lựa chọn nhóm này để đầu cơ ngắn hạn là có lý do. Trong 9 tháng năm 2018, ngành ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng với tỉ lệ hơn 49%.
Đó là lí do cho nhận định xu hướng giá cổ phiếu ngân hàng nhiều khả năng cải thiện, hồi phục trở lại. Những phiên đầu tháng 12 đã thể hiện rõ ròng tiền lựa chọn dòng ngân hàng, ông Đỗ Bảo Ngọc đưa ra nhận định.
Cổ phiếu ngân hàng có "hút tiền"? Ảnh minh họa. |