Thanh khoản thị trường kém, NĐT nước ngoài khó chấp nhận giá cổ phiếu bluechip trong thoái vốn Nhà nước
Những sự kiện nhà đầu tư cần lưu ý trước khi ‘xuống tiền’ mua cổ phiếu vào tháng 12 |
Sáng nay 4/12, tại Hà Nội, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cuối kỳ 2018 được tổ chức với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cùng đại diện WB, IFC và nhiều cơ quan trong và ngoài nước.
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cuối kỳ 2018. Ảnh: Kiên Dương |
Tham luận tại diễn đàn, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) đưa ra một số khuyến nghị nhằm thúc đẩy tiến độ thoái vốn tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước (SOE).
Xác định mức giá hợp lý khi bán vốn cổ phần của nhà nước
Theo JCCI, nếu các nhà đầu tư nước ngoài xét thấy giá bán (giá đấu giá tối thiểu) do phía Việt nam đưa ra không phải là mức giá hợp lý thì sẽ rất khó có nhu cầu mua. Hiện nay, liên quan đến phương pháp xác định giá bán cổ phần của các doanh nghiệp SOE theo như quy định của Nghị định 126 và Nghị định 32, có tồn tại hai vấn đề:
Một là, phương pháp định giá cổ phần của SOE do các tổ chức định giá thực hiện đang khác biệt khá xa so với tiêu chuẩn định giá cổ phiếu quốc tế.
Hai là, đối với các doanh nghiêp SOE đã niêm yết trên sàn, nhiều trường hợp do thanh khoản trên thị trường kém nên hình thành giá cổ phiếu không hợp lý. Do đó, rất khó để các nhà đầu tư blue-chip của nước ngoài trong đó có Nhật Bản có thể chấp nhận về giá.
Tổ chức JCCI cho rằng cần phải xem lại phương pháp định giá (bao gồm cả việc áp dụng phương pháp dựng sổ), tăng mức thanh toán của cổ phiếu niêm yết (tiêu chuẩn niêm yết lên sàn chứng khoán, …).
Mặt khác, quy mô của các doanh nghiệp tập đoàn SOE chủ lực là rất lớn, có nhiều trường hợp các nhà đầu tư nước ngoài rất khó có thể hiểu rõ nội dung ngành nghề kinh doanh của các tập đoàn đa tầng này. Do vậy, sẽ hiệu quả hơn nếu tách riêng các công ty con, công ty cháu trong tập đoàn một cách rõ ràng theo nội dung ngành nghề để ưu tiên đầu tư.
Thực hiện quy trình bán vốn cổ phần của nhà nước sao cho gần với quy trình M&A theo tiêu chuẩn quốc tế.
Cụ thể là cần phải đảm bảo việc đánh giá đầy đủ thực trạng và các vấn đề của doanh nghiệp bán vốn thông qua quá trình rà soát đặc biệt (dưới đây gọi là DD) liên quan đến luật pháp, tài chính, thuế, và đưa vào hợp đồng (hợp đồng chuyển nhượng vốn cổ phần, hợp đồng cổ đông) các giải pháp đối với các vấn đề đã được làm rõ qua quá trình DD.
Đối với các nhà đầu tư chiến lược có chất lượng tốt là các doanh nghiệp niêm yết của nước ngoài bao gồm cả Nhật Bản, do nghĩa vụ giải trình trước cổ đông, HĐQT của công ty khi quyết định đầu tư liên quan đến các dự án M&A thì sẽ phải thực hiện việc đánh giá các phân tích rủi ro, rà soát, các đối sách trong quy trình nêu trên một cách thận trọng. Nếu quy trình này không đầy đủ thì khả năng nhà đầu tư đưa ra quyết định tham gia tiếp dự án sẽ là rất thấp. Vì vậy chúng tôi đề nghị chính phủ xem xét điều chỉnh lại quy trình bán vốn.
Tăng cường bảo vệ quyền lợi của cổ đông thiểu số
Nhiều trường hợp các doanh nghiệp Nhật đầu tư vào các doanh nghiệp SOE mà Chính phủ vẫn nắm cổ phần chi phối theo quy định hiện hành, do đó đa số bị hạn chế đầu tư nước ngoài. Nghĩa là, các doanh nghiệp Nhật, đang đa phần là đầu tư chiến lược vào các doanh nghiệp SOE mà chỉ được chấp nhận đầu tư của cổ đông thiểu số theo luật định (hầu hết là không giữ quyền phủ quyết (nắm trên 35% cổ phần có quyền biểu quyết) theo luật doanh nghiệp.
Với những trường hợp vì hạn chế của các quy định pháp luật mà nhà đầu tư chỉ có thể góp vốn của cổ đông thiểu số như vậy, thì để thu hút các nhà đầu tư tốt thì cần phải tăng cường bảo vệ quyền lợi của cổ đông thiểu số hơn nữa để các nhà đầu tư có thể yên tâm đầu tư một cách dài hạn. Trong trường hợp này, nếu doanh nghiệp mục tiêu là công ty tư nhân, thì thông thường nhà đầu tư sẽ kí hợp đồng giữa các cổ đông với nhau, trong đó sẽ quy định các điều khoản “nghiêm cấm nhà đầu tư bán cổ phần cho đối thủ cạnh tranh”, “hạn chế pha loãng cổ phiếu”, “quyền ưu tiên mua, quyền ưu tiên đàm phán khi bán cổ phiếu” để bảo vệ quyền lợi của mình.
Gần đây, có nhiều trường hợp ngay cả khi đầu tư vào các doanh nghiệp nhà nước thì các lợi ích này cũng bị giới hạn ở một mức độ nhất định.