|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Khối ngoại bán ròng 11.500 tỷ trong tháng ‘Sell in May’, nhiều bluechip vẫn phá đỉnh dù bị xả mạnh

06:37 | 02/06/2021
Chia sẻ
Trong tháng 5 vừa qua, khối ngoại bán ròng 11.500 tỷ đồng, tập trung vào các bluechip như HPG, CTG, VPB, VIC, VNM, …
Khối ngoại bán ròng 11.500 tỷ trong tháng ‘Sell in May’, nhiều bluechip vẫn phá đỉnh dù bị xả mạnh - Ảnh 1.

Cổ phiếu CTG của VietinBank tăng 30% trong tháng 5 dù bị khối ngoại bán ròng hơn 1.300 tỷ. (Ảnh minh họa: Song Ngọc).

"Sell in May and Go away" (tạm dịch: Bán hết cổ phiếu trong tháng 5 rồi đi chỗ khác chơi) là một ngạn ngữ nổi tiếng trong giới đầu tư chứng khoán Mỹ và lan truyền sang Việt Nam trong những năm gần đây. 

Câu nói này hàm ý khuyên nhà đầu tư nên rút lui khỏi thị trường vào tháng 5 vì dữ liệu lịch sử cho thấy giá cổ phiếu thường đi xuống trong giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 10.

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán không dễ đoán như vậy. Nếu cứ nhất nhất làm theo một câu nói xuôi tai là có ăn thì chắc chẳng có ai thua lỗ trong chứng khoán.

Thực tế trong tháng 5 vừa qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đi lên mạnh mẽ với VN-Index tăng hơn 7%, HNX-Index thêm 12,8% và UPCoM-Index đi lên 10%.

Khối ngoại bán ròng, cá nhân trong nước gom mạnh

Các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đúng theo phương châm "Sell in May", đồng thời cũng là sự nối tiếp xu hướng của những tháng trước.

Trong 20 phiên giao dịch của tháng 5, khối ngoại bán ra tổng cộng 39.333 tỷ đồng, trong khi mua vào chỉ 27.829 tỷ, tương ứng với giá trị bán ròng hơn 11.500 tỷ đồng. Bán ròng thông qua khớp lệnh là 10.936 tỷ và qua giao dịch thỏa thuận là 568 tỷ.

Tính từ đầu năm đến hết phiên 31/5, khối ngoại đã rút gần 25.800 tỷ đồng khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam.

Khi khối ngoại bán ròng thì đương nhiên khối nội phải là bên mua ròng. 

Nếu như các quỹ đầu tư lớn đóng vai trò chủ lực trong hoạt động mua bán của khối ngoại, thì các nhà đầu tư cá nhân mới là lực lượng hùng mạnh nhất của khối nội.

Trong tháng 5 vừa qua, các cá nhân trong nước đã mua ròng hơn 11.100 tỷ đồng, gần bằng giá trị mà các tổ chức nước ngoài bán ròng.

Khối ngoại bán ròng 11.500 tỷ trong tháng ‘Sell in May’, nhiều bluechip vẫn phá đỉnh dù bị xả mạnh - Ảnh 2.

Trận đấu cân sức giữa các nhà đầu tư cá nhân trong nước và nhà đầu tư tổ chức nước ngoài.

Nhiều bluechip vọt lên

Chính lực đỡ từ phía các cá nhân trong nước đã giúp các chỉ số chứng khoán chính như VN-Index, VN30-Index, HNX-Index và UPCoM-Index cùng tăng điểm trong tháng 5.

Nhiều cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng mạnh cũng lên giá vù vù trong tháng qua nhờ được phe nhỏ lẻ trong nước mạnh tay gom vào.

Theo thống kê của Chứng khoán SSI, cổ phiếu bị nhà đầu tư nước ngoài rút vốn nhiều nhất tháng 5 là HPG của Tập đoàn Hòa Phát với giá trị lên tới gần 4.000 tỷ, bỏ xa những cái tên ở sau. 

CTG của VietinBank đứng thứ 2 khi bị xả hơn 1.300 tỷ trong tháng qua. Một cổ phiếu ngân hàng khác là VPB của VPBank xếp ngay sau với giá trị bán ròng 1.272 tỷ.

Khối ngoại bán ròng 11.500 tỷ trong tháng ‘Sell in May’, nhiều bluechip vẫn phá đỉnh dù bị xả mạnh - Ảnh 4.

Về biến động giá, HPG tăng 23% trong tháng 5, CTG vọt lên 30% còn VPB cũng thêm hơn 18%.

HPG, CTG và VPB cũng nằm trong top 4 cổ phiếu bị khối ngoại xả mạnh nhất 5 tháng đầu năm. Dù vậy, giá CTG ngày cuối tháng vừa qua vẫn tăng 48% so với đầu năm, HPG thêm 62% và VPB nhảy vọt 111%.

Đây đều là các doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh quý I tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái và có nhiều thông tin tích cực hỗ trợ. 

Hoạt động của Hòa Phát được hưởng lợi khi giá thép thành phẩm liên tục tăng. Mới đây, tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long còn hoàn tất mua mỏ quặng sắt trữ lượng 320 triệu tấn ở Australia, mở rộng chuỗi giá trị ngành thép từ nguyên liệu thô đến thành phẩm.

VietinBank được Nhà nước đồng ý bổ sung vốn gần 7.000 tỷ đồng. Hội đồng quản trị ngân hàng này đã công bố kế hoạch phát hành gần 1,1 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức các năm 2017, 2018 và 2019 với tổng tỷ lệ 29,07%, nâng vốn điều lệ lên 48.058 tỷ đồng.

VPBank thì chốt room ngoại ở mức 15% thay vì tối đa 30% như quy định của luật và có kế hoạch bán vốn cho cổ đông chiến lược nước ngoài.

Giá một số cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng đã suy giảm trong tháng 5 như VIC của Tập đoàn Vingroup mất 10%, VNM của Vinamilk xuống 3,2%.

Mới đây, Vingroup cho biết kế hoạch IPO tại Mỹ của công ty con là VinFast đang gặp một số trở ngại liên quan tới quy định quản lý doanh nghiệp mua lại với mục đích đặc biệt (SPAC).

Song Ngọc