|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Khởi đầu của sự kết thúc: Mối bất hòa đặt ra câu hỏi về tương lai lâu dài của OPEC

10:45 | 07/12/2019
Chia sẻ
OPEC và các đồng minh cuối cùng đã thống nhất giảm sâu thêm 500.000 thùng dầu/ngày tới hết quí I/2020 trong buổi họp cuối cùng của năm, nhưng những sự rạn nứt ngày càng sâu sắc trong phiên họp giữa tổ chức 14 thành viên làm gia tăng lo ngại về tương lai của tổ chức năng lượng.

OPEC và các đối tác không thuộc tổ chức, đôi khi được gọi là OPEC+, đã tập trung tại Vienna (Áo) để quyết định giai đoạn tiếp theo của chính sách sản xuất dầu.

Được dẫn dắt bởi Arab Saudi, tổ chức dầu khí đã thoả thuận về nguyên tắc để giảm sản lượng thêm 500.000 thùng/ngày đến hết tháng 3/2020 vào thứ Năm (5/12), theo các nguồn tin của CNBC.

Tuy nhiên ban đầu vẫn không rõ liệu các thành viên OPEC có bảo đảm một thỏa thuận hay không, sau một cuộc họp nghiêm túc diễn ra vào tối muộn.

Herman Wang, chuyên gia OPEC và Trung Đông tại S&P Global Platts, nhận định cuộc họp diễn ra hôm 5/12 đã khiến ông đặt câu hỏi về tương lai lâu dài của OPEC.

Trả lời phỏng vấn với CNBC tại Vienna vào thứ Sáu (6/12), ông Wang cho biết: "Những gì chúng ta thấy tối qua cho thấy một OPEC không thống nhất. Đây có phải là khởi đầu của sự kết thúc?"

Ông Wang nhấn mạnh một số vấn đề gợi ý nguyên nhân gây lo ngại, gồm quyết định rời khỏi nhóm vào cuối năm nay của Ecuador, báo cáo của phương tiện truyền thông về đại biểu của Angola rời khỏi cuộc họp OPEC, Iraq liên tục sản xuất quá hạn ngạch và mối quan hệ căng thẳng giữa thành viên chủ chốt của OPEC là Arab Saudi và nhà lãnh đạo không thuộc tổ chức - Nga.

"Tất cả đều hướng về sự thống nhất của OPEC. Liệu họ có thể duy trì liên minh này để giữ giá dầu không lao dốc?"ông nói thêm.

Áp lực và căng thẳng

Được thành lập vào năm 1960, OPEC đang có 14 thành viên, với 5 nhà sản xuất ở Trung Đông, 7 ở châu Phi và 2 ở Nam Mỹ.

Arab Saudi từ lâu đã là nhà lãnh đạo không chính thức của tổ chức năng lượng, theo báo cáo chiếm khoảng một phần ba tổng sản lượng dầu thô của nhóm.

Ecuador, thành viên nhỏ nhất của OPEC, dự kiến rời khỏi tổ chức vào ngày 1/1/2020. Sự ra đi của quốc gia Nam Mỹ diễn ra đúng một năm sau khi Qatar chấm dứt tư cách thành viên OPEC.

"Tôi nghĩ rằng đó là một dấu hiệu khá rõ ràng rằng OPEC ít nhất phải hoãn chuyến đi thuyền kỷ niệm của họ đêm qua", ông David Fyfe, chuyên gia kinh tế trưởng tại Argus Media, nói với CNBC hôm 6/12.

"Bạn bắt đầu nhận thấy những áp lực và căng thẳng trong mối quan hệ này", ông nhận định trước khi nói thêm OPEC+ bây giờ phải đối mặt với một giai đoạn 2 - 3 năm rất khó khăn.

Khi được hỏi liệu điều ông muốn ảm chỉ là tổ chức các nhà xuất khẩu dầu lớn thế giới có thể sớm tan rã, ông cho biết: "Đây là điều không báo có thể hoàn toàn xem nhẹ".

OPEC+ đã quyết định thực hiện chính sách thắt chặt sản xuất dầu tại buổi họp diễn ra nửa năm một lần tại Vienna (Áo) hôm 6/12. Theo đó, tăng mức giảm sản lượng thêm 500.000 thùng dầu/ngày.

Thoả thuận mới, với mức sản lượng giảm thêm lớn hơn nhiều so với dự đoán của các chuyên gia phân tích, sẽ ghi nhận OPEC+ giảm tổng cộng 1,7 triệu thùng dầu/ngày.

Theo CNBC, liên minh năng lượng cho biết dự kiến xem xét lại chính sách này vào buổi gặp mặt diễn ra vào ngày 5 - 6/3. Tại buổi họp báo hôm 6/12, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho hay hạn mức của Moscow sẽ là 300.000 thùng/ngày trong quí I/2020.

Và biện pháp này không gồm khí ngưng tụ, một loại dầu thô nhẹ chất lượng cao được chiết suất trong quá trình sản xuất khí đốt.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 6/12, giá dầu Brent giao trong tháng 2/2020 tăng 1,6% lên 64,4 USD/thùng. Cùng lúc, giá dầu WTI tăng 1,3% lên mức 59,2 USD/thùng. Tính chung tuần qua, giá dầu WTI tăng hơn 7%, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 6.

Lyly Cao