|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Cách thiết kế hội trường và sân khấu để thầy dạy làm giàu 'dởm' mê hoặc học viên

14:05 | 21/10/2019
Chia sẻ
Ngay cả những giám đốc kinh doanh dày dạn kinh nghiệm thương trường cũng có thể sập bẫy khi tham gia các khóa dạy làm giàu bởi độc chiêu về thiết kế hóa học và sân khấu.

Anh Vũ Minh Trường là nghiên cứu sinh tiến sĩ về lãnh đạo chiến lược tại Đại học James Madison ở Mỹ. Khi chia sẻ về các khóa học làm giàu, anh đã kể câu chuyện về một người bạn của anh là giám đốc viện đào tạo doanh nhân nổi tiếng tại Hà Nội. 

Vì lý do nghề nghiệp nên người bạn của anh Trường hay đến các buổi hội thảo, khóa học nhằm tìm những thầy giỏi để cùng hợp tác hoặc cập nhật tình hình thị trường. Nhờ kinh nghiệm và chuyên môn nhiều năm trong lĩnh vực giáo dục nên chỉ cần "liếc" qua, anh có thể xác định thầy "xịn" hay "dởm". 

Lần đó, vị giám đốc quyết tâm đến một khóa học để lật tẩy bộ mặt của một ông giáo trình độ chẳng có trình độ, nhưng hay "ba hoa chích chòe" và kiếm tiền bạt mạng bằng cách bán cho học viên những khóa học chuyên sâu vô bổ. 

"Vậy mà, sau ba ngày đào tạo thần kì, anh bạn tôi là một trong những người giơ tay để đăng ký tham gia khóa học chuyên sâu (tiếc là ban tổ chức không nhìn thấy và đến thu tiền đăng ký). Khi vừa bước chân ra khỏi hội trường, anh tôi sực tỉnh và nhớ đến mục đích ban đầu trước khi đến khóa học", anh Trường kể.

khoa hoc lam giau

Khi tham gia những khóa học làm giàu liên tiếp trong 3 ngày, với 18 giờ mỗi ngày, học viên sẽ quên thói quen, môi trường, nếp sống hàng ngày và hành động theo sự dẫn dắt của "kịch sĩ" dạy làm giàu. Ảnh: pivot.com

Anh Trường nhận định đây là câu chuyện quen thuộc của rất nhiều người tham gia những khóa học trở thành triệu phú hay làm giàu. Theo anh, một giám đốc với mục đích rõ ràng và có chuyên môn còn bị "thôi miên" thì những "con cừu" ngơ ngác đang tìm một bí kíp làm giàu sập bẫy là kết cục tất yếu. 

"Các bạn hãy nhớ hội thảo mà các bạn tham gia là một chương trình nghệ thuật được dàn dựng công phu từ hội trường đến âm thanh, ánh sáng. Mọi chi tiết nhỏ đều được ban tổ chức quan tâm để hướng tới mục đích cuối cùng là moi tiền từ các bạn. Và bạn bị đưa vào "ma trận" ngay từ trước khi bắt đầu học", anh Trường lập luận.

Đào tạo gia tốc hay mê hoặc gia tốc?

Con người có thói quen, môi trường sống riêng và trong môi trường đó chúng ta sẽ tỉnh táo, phát huy hết thế mạnh của bản thân. Tại sao các "kịch sĩ" lại ưa thích khóa học gia tốc – đào tạo ba ngày liên tiếp, 18 giờ mỗi ngày đến vậy? 

"Vì nó đủ lâu để bẻ gãy thói quen, môi trường, nếp sống hàng ngày của các bạn. Các khóa học sẽ diễn ra từ sớm và giờ ăn trưa hôm đầu tiên sẽ là 2h chiều. Thời gian bắt đầu trong những ngày tiếp theo sẽ là 3h chiều, rồi 4h chiều. Nhịp sinh học của bạn sẽ thay đổi và phải hoạt động đến 3-4h sáng", anh Trường lí giải. 

Thông qua hoạt động tập thể và "thôi miên cường độ cao" người dạy sẽ tạo ra những thói quen, hành vi mới cho học viên. Những hành vi này bao gồm tham gia vào tập thể, quyết định (mua hàng hoặc đăng kí) nhanh, vượt qua mọi rào cản (cảnh báo) của bản thân. 

Sự đảo lộn về nhịp sinh học và hoạt động nhiều khiến học viên mệt mỏi. Lúc này, họ sẽ hành động theo đám đông và mất tư duy cá nhân. Lừa cả trăm người dễ hơn lừa một người vì cả đám đông sẽ chi phối quyết định cá nhân của cá nhân.

Hội trường là sân khấu lớn

Trên thực tế, hội trường mà các giảng viên làm giàu lựa chọn luôn có khung cảnh hoành tráng. Mọi thứ đều hào nhoáng để thể hiện đẳng cấp của họ. Mọi thứ - từ bàn, ghế tới thảm - đều có màu đỏ. 

"Màu đỏ là màu của quyết định, của động lực. Nó sẽ góp phần tạo hưng phấn và khiến các học viên móc hầu bao. Ánh sáng, loa đài lớn để cuốn mọi người tham gia vào chương trình', anh Trường giải thích. 

Mọi bản nhạc, tiếng vỗ tay (đôi khi phát ra từ loa) trong chương trình kèm với ánh sáng chiếu vào "kịch sĩ" đều được lên kịch bản chính xác trong từng phần chương trình. 

Vu Minh Truong

Nghiên cứu sinh tiến sĩ Vũ Minh Trường tại Đại học James Madison (Mỹ).

Âm thanh và ánh sáng, cùng tông giọng phải hài hòa, nhịp nhàng để khiến người tham gia phải khóc khi nghe những câu chuyện buồn (nhạc êm đềm, suy tư, đèn mù mờ hoặc tắt) và cười lớn khi nghe chuyện vui (nhạc đầy năng lượng, đèn sáng). 

"Điểm đáng chú ý nữa là hội trường sẽ được thiết kế đặc biệt và mọi cửa sổ sẽ được che chắn, dán băng keo đen và che dèm dày để ánh sáng không thể lọt vào. Học viên sẽ không bao giờ thấy một đồng hồ treo tường trong hội trường", anh Trường nói.

Tất cả những đều đó sẽ khiến học viên mất khái niệm về thời gian và tham gia chương trình mà quên mệt mỏi. Những sòng bạc trên thế giới đều được thiết kế tương tự khiến những con bạc khát nước chơi thâu đêm suốt sáng, quên hoàn toàn khái niệm thời gian. 

Hơn nữa, một sân khấu kín như bưng cho phép "kịch sĩ" điều khiển mọi yếu tố âm thanh, ánh sáng một cách tuyệt đối. Điều khiển môi trường là một trong những yếu tố quan trọng để tác động đến hành vi của cá nhân.

Nhạc Dương