|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Cặp đôi làm giàu từ việc bán lại các mặt hàng bị hoàn trả của Amazon, Walmart,...

14:58 | 29/12/2022
Chia sẻ
Mỗi năm, các nhà bán lẻ hàng đầu thế giới như Amazon, Walmart, Target,... nhận về rất nhiều các thùng hàng bị khách mua hoàn trả do bị hỏng, lỗi,... Một cặp đôi đã nảy ra ý tưởng làm giàu độc đáo khi mua những kệ hàng này và bán lại chúng với giá phải chăng.

Tháng 12/2020, cặp đôi Jamie và Sarah McCauley tình cờ biết tới cơ hội kiếm tiền kỳ lạ nhất mà họ từng gặp: Mua những lô hàng mà mọi người đã trả lại các nhà bán lẻ như Target, Walmart và Amazon rồi sau đó bán chúng, theo CNBC Make It.

Cặp đôi này – những người cùng mua đi bán lại đồ đạc, cải tạo và cho thuê bất động sản ở Tây Michigan – lần đầu tiên nhìn thấy một nhà phân phối bán các bộ sưu tập đồ đã bị trả lại trong một nhóm trên Facebook.

Jamie và Sarah McCauley làm giàu từ việc bán lại các kệ hàng bị hoàn trả. (Ảnh: CNBC Make It).

Công việc này có vẻ khá đơn giản: Họ chỉ cần tới một nhà kho tại địa phương, trả trung bình khoảng 550 USD cho một thùng hàng bị trả lại rồi sau đó đăng bán chúng trên các kênh bán hàng khác nhau. Điểm đáng chú ý là người mua lại những món đồ bị trả lại, như Jamie và Sarah McCauley không biết trong những thùng hàng có món đồ gì hoặc tình trạng của chúng ra sau.

Kể từ thời điểm đó, Jamie, 33 tuổi và Sarah, 32 tuổi, ước tính họ đã chi khoảng 7.150 USD cho các kệ hàng bị trả lại từ các nhà bán lẻ hàng đầu như Amazon, Walmart và Target. Họ đã kiếm được khoảng 19.500 USD lợi nhuận bằng cách bán lại các mặt hàng trong các hộp đó trên eBay và Facebook Marketplace.

Theo tài liệu được CNBC Make It thu thập, một thùng hàng từ Amazon được bán lại cho cặp đôi với giá chỉ 525 USD, nhưng bên trong lại có tới 25 mặt hàng với tổng giá bán lên tới 1.880 USD. “Ban đầu chúng tôi chỉ có đó là một công việc trải nghiệm để xem liệu chúng tôi có thể thực sự kiếm được tiền từ công việc này hay không. Chúng tôi bắt đầu công việc này với niềm vui và sau đó nhận ra rằng chúng tôi có thể thực sự kiếm được tiền từ công việc này”, Sarah nói.

Tuy nhiên, cặp đôi này cho biết việc mua đi bán lại các kệ hàng bị trả lại là một canh bạc. Ngay cả các kệ hàng từ những đơn vị lớn như Amazon vẫn đang thuộc danh mục hàng tồn kho của cặp đôi này bởi bên trong có quá nhiều sản phẩm hỏng nặng, không thể bán được.

Thủ tục thu mua các kệ hàng bị trả lại

Sau khi chọn một kệ hàng, Jamie và Sarah chất các hộp các tông bọc saran của nó lên xe moóc phía sau một chiếc xe bán tải, mang chúng về nhà và quay lại cảnh họ mở hộp sản phẩm trên kênh YouTube cá nhân.

Khi mở các kệ hàng trên kênh YouTube có 109.000 người đăng ký, họ ước tính giá trị bán lẻ của từng sản phẩm dựa trên giá niêm yết và tình trạng của sản phẩm khi đó. Hầu hết mặt hàng trong kệ hàng đều đã qua sử dụng, điều đó có nghĩa là cặp đôi thường rao bán chúng với giá bằng khoảng 60% so với giá gốc.

Cặp đôi đến mua hàng ở các nhà kho địa phương. (Ảnh: CNBC Make It).

Jamie cho biết thường mất từ một đến hai tuần để hoàn vốn và từ 4 đến 8 tuần để bán được 90% tổng số lượng hàng. Theo CNBC Make It, đáng chú ý là họ chưa bao giờ thua lỗ đối với một kệ hàng. “Chúng tôi từng mua phải một số kệ hàng thực sự tồi tệ, nhưng ít nhất chúng tôi luôn hòa vốn”, Jamie chia sẻ.

Cặp đôi Jamie và Sarah không phải những người duy nhất kiếm tiền từ hình thức này. Hàng chục tài khoản YouTube và mạng xã hội được lập ra để đưa ra các mẹo và thủ thuật nhằm tối đa hóa giá trị hàng trả lại trên một kệ hàng.

Khi hình thức mua sắm trực tuyến ngày càng phổ biến, lợi nhuận từ cách kiếm tiền này cũng tăng nhanh. Năm ngoái, trung bình 16,6% trên tổng số giao dịch mua bán lẻ tại các cửa hàng truyền thống và trực tuyến bị hoàn trả, theo báo cáo của Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Mỹ,

Một số mặt hàng bị hoàn trả đã được gửi đến kho thanh lý, chủ yếu là vì các nhà bán lẻ không có chỗ để bổ sung hàng tồn kho. Điều này cũng có thể xảy ra khi các nhà bán lẻ muốn tiết kiệm tiền, theo công ty hậu cần Optoro. So với việc bán lại những thùng hàng với giá rẻ, quá trình thuê người kiểm tra và đóng gói những sản phẩm bị hoàn trả sẽ tốn kém hơn.

Kết quả

Có một lý do khác khiến việc mua đi bán lại các kệ hàng bị hoàn trả trở thành công việc sinh lời. “Với việc toàn cầu đang đứng trước nguy cơ xảy ra một cuộc suy thoái kinh tế, mọi người sẵn sàng mua các mặt hàng đã qua sử dụng với giá rẻ hơn các mặt hàng mới”, cặp đôi chia sẻ.

Sarah nói thêm: “Khi suy thoái kinh tế xảy ra, mọi người không muốn chi tiêu một cách hoang phí. Những người bán các mặt hàng bị trả lại bắt đầu phát triển mạnh trong thời kỳ suy thoái vì mọi người đang cố gắng tiết kiệm tiền bằng mọi cách có thể”.

Các video "khui hàng" của cặp đôi này thu hút nhiều người xem. (Ảnh: CNBC Make It).

Các video bóc hộp những kệ hàng trên kênh YouTube của cặp đôi này rất phổ biến. Ngoài ra, kênh của họ cũng bao gồm nội dung chứa kiến thức về việc bán lại đồ nội thất, cải tạo nhà ở và đầu tư bất động sản. Gia đình McCauley đã kiếm được hơn 102.000 USD chỉ tính riêng từ kênh YouTube từ đầu năm.

Các video trên kênh YouTube của họ cũng có một mục đích khác. Jamie và Sarah nói rằng họ muốn cho người xem thấy rằng bất kỳ ai cũng có thể kiếm được tiền từ việc bán lại đồ cũ hoặc đồ bị hoàn trả, đặc biệt là trong thời kỳ kinh tế bất ổn.

“Chúng tôi bắt đầu nhận ra đây là một cách tuyệt vời để mọi người kiếm thêm tiền. Bất kỳ ai cũng có thể làm được công việc này”, cặp đôi Jamie và Sarah cho biết.

Anh Nguyễn