Khó tăng vốn điều lệ, Agribank phát hành 5.000 tỉ đồng trái phiếu để tăng vốn cấp 2
Ảnh minh họa (Nguồn: Agribank)
Theo công bố thông tin của Agribank, lượng trái phiếu chào bán đợt này là loại trái phiếu không chuyển đổi, không được đảm bảo bằng tài sản của ngân hàng và được phát hành và thanh toán bằng tiền đồng (VND).
Trái phiếu có kì hạn 7 năm với mệnh giá 1 triệu đồng/trái phiếu, tương ứng với số lượng trái phiếu đăng kí chào bán là 5 triệu trái phiếu.
Lãi suất áp dụng cho toàn bộ kì hạn 7 năm là lãi suất thả nổi xác định bằng lãi suất tham chiếu cộng thêm 1,2%. Trong đó, lãi suất tham chiếu là bình quân lãi suất gửi tiết kiệm cá nhân bằng tiền đồng kì hạn 12 tháng của bốn ngân hàng, gồm Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV.
Với lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm của 4 ngân hàng trên hiện vào khoảng 7%/năm, dự kiến mức lãi suất mà Agribank sẽ áp dụng cho lượng trái phiếu phát hành trong đợt này sẽ trên 8%/năm.
Agribank cho biết mục đích phát hành trái phiếu đợt này là nhằm tăng cường thêm nguồn vốn dài hạn, đáp ứng nhu cầu cho vay theo kế hoạch kinh doanh của ngân hàng; đồng thời, giúp ngân hàng tăng vốn cấp 2 để đáp ứng cả tỉ lệ an toàn hoạt động cũng như tăng khả năng thanh khoản toàn hệ thống.
Đối tượng trong đợt phát hành lần này tập trung vào nhóm khách hàng cá nhân và doanh nghiệp có lượng vốn nhàn rỗi.
Trước đó, trong đợt phát hành gần nhất vào cuối tháng 12/2018, Agribank cũng đã thu về khoảng 3.960 tỉ đồng từ phát hành trái phiếu dài hạn (kì hạn 10 năm), đạt 99,05% kế hoạch phát hành (4.000 tỉ đồng). Trong đợt phát hành này đã có hơn 42.500 nhà đầu tư tham gia mua trái phiếu, gồm 42.394 nhà đầu tư cá nhân và 113 nhà đầu tư tổ chức.
Tăng vốn cũng là một vấn đề bức thiết của Agribank khi là ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước có mức vốn điều lệ thấp nhất trong nhóm Big4 ngân hàng Việt, chỉ vào khoảng 30.770 tỉ đồng.
Ông Trịnh Ngọc Khánh – Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank từng cho biết: "Nếu không được bổ sung vốn điều lệ, đến 2019, ngân hàng không đáp ứng đủ tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu. Chưa kể, điều đó còn ảnh hưởng tới uy tín và khả năng mở rộng tín dụng cấp cho nền kinh tế".
Năm 2019, Agribank đặt mục tiêu lợi nhuận tăng đạt mức tối thiểu 10.000 tỉ đồng, tổng tài sản tăng từ 10% đến 13% so với cuối năm 2018. Tổng tài sản dự kiến sẽ vượt 1,4 triệu tỉ đồng với tăng trưởng nguồn vốn huy động từ thị trường 1 từ 13% đến 15% so với năm 2018.
Về dư nợ cho vay, ngân hàng này đặt mục tiêu tăng từ 11% đến 14%, trong đó dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn chiếm tỉ lệ 65 - 70%/tổng dư nợ nền kinh tế. Tỉ lệ nợ xấu nội bảng năm 2019 dự kiến dưới 3% (tỉ lệ nợ xấu nội bảng cuối năm 2018 là 1,51%).