|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Khó hiểu Đà Nẵng ‘ngăn sông cấm chợ’ GrabTaxi

07:45 | 07/03/2017
Chia sẻ
Việc ngăn cản GrabTaxi hoạt động của Đà Nẵng đang làm thiệt hại quyền lợi của người tiêu dùng.

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn đã có văn bản đề nghị tạm thời chưa triển khai dịch vụ GrabCar trên địa bàn TP. Lý do là việc triển khai ứng dụng GrabCar không phù hợp với quy hoạch phát triển vận tải hành khách bằng taxi tại TP. Theo ông Tuấn, việc triển khai GrabCar tại Đà Nẵng thời điểm hiện tại sẽ làm tăng số lượng ô tô dưới chín chỗ, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của taxi.

Ngăn truy cập vào GrabCar, Uber

Sau công văn của phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở GTVT TP Đà Nẵng, Phó Trưởng ban Thường trực Ủy ban An toàn giao thông TP, tiếp tục có công văn gửi Công an TP, Sở TT&TT yêu cầu triển khai các biện pháp ngăn chặn GrabCar và Uber hoạt động trên địa bàn TP.

Theo ông Trung, hình thức vận tải hành khách bằng ô tô dùng ứng dụng phần mềm GrabCar, Uber trên điện thoại di động vẫn diễn ra lén lút trên địa bàn. “Đây là hình thức hoạt động kinh doanh vận tải chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép, gây ảnh hưởng đến tình hình trật tự vận tải trên địa bàn” - ông Trung cho hay.

Ông Trung đề nghị Sở TT&TT chỉ đạo các nhà cung cấp dịch vụ Internet và các nhà mạng 3G trên địa bàn TP thực hiện việc ngăn chặn mọi kênh truy cập vào phần mềm ứng dụng GrabCar, Uber. Đề nghị Công an TP điều tra làm rõ hình thức hoạt động trái phép của GrabCar, Uber trên địa bàn; phối hợp với Sở GTVT để kiểm tra, xử lý đối với tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh vận tải trái phép.

Trong báo cáo ngày 24-2 gửi Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND, giám đốc Sở GTVT TP Đà Nẵng cho biết trong tháng 1 và 2 đã kiểm tra và xử phạt tám trường hợp xe không hợp đồng vận chuyển, trong đó có ba trường hợp nghi GrabCar.

kho hieu da nang ngan song cam cho grabtaxi
Việc cấm cản hoạt động GrabCar của TP Đà Nẵng sẽ ảnh hưởng đến quyền lựa chọn dịch vụ của người dân. Ảnh: Lê Phi

Chỉ mình Đà Nẵng nói không

Việc TP Đà Nẵng cấm cản GrabCar hoạt động là trái với đề nghị của Bộ GTVT. Cụ thể, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị TP Đà Nẵng cùng Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh và Khánh Hòa thí điểm ứng dụng công nghệ hỗ trợ quản lý kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho hay Thủ tướng đã đồng ý giao bộ này triển khai thí điểm tại năm tỉnh, thành trên đến hết năm 2018, sau đó sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm có cho phép nhân rộng hay không.

Việc Đà Nẵng mạnh tay ngăn chặn loại hình kinh doanh mới này khiến dư luận đặt câu hỏi: “Phải chăng TP đang muốn bảo hộ cho hoạt động của taxi truyền thống?”. Bởi cách làm này của TP Đà Nẵng đang làm mất đi quyền được lựa chọn của người dân trong việc đi lại.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện GrabCar tại Đà Nẵng cho hay việc TP Đà Nẵng không đồng ý triển khai loại hình kinh doanh GrabTaxi khiến công ty hết sức khó khăn. “Tại các địa phương khác, chúng tôi không vấp phải khó khăn nào nhưng Đà Nẵng thì ngăn. Chúng tôi tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu của Bộ GTVT về kinh doanh vận tải” - vị này nói. Cũng theo đại diện GrabCar tại Đà Nẵng, đơn vị này muốn đối thoại với lãnh đạo TP để tìm hướng giải quyết triển khai loại hình GrabCar tại Đà Nẵng.

Thiệt thòi cho người tiêu dùng

Ông Lữ Bằng, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP Đà Nẵng, cho rằng việc ngăn cản GrabCar hoạt động là không phù hợp. “Trong xã hội phát triển nhiều loại hình kinh doanh vận tải khác nhau thì người dân sẽ được hưởng lợi. Việc cấm cản loại hình nói trên là hoàn toàn sai, gây bất lợi và làm thiệt hại quyền lợi của người dân” - ông Bằng nhấn mạnh.

Theo ông Bằng, TP Đà Nẵng nên tạo hành lang pháp lý, cơ chế chính sách để các loại hình kinh doanh trên có điều kiện cạnh tranh lành mạnh. Vấn đề của các cơ quan chức năng chính là quản lý họ để chống trốn thuế, vi phạm pháp luật chứ không phải cấm đoán. “Người dân có quyền được lựa chọn đi phương tiện nào phục vụ tốt hơn, giá cả hợp lý hơn và an toàn hơn” - ông Bằng nói.

Có dấu hiệu bảo hộ doanh nghiệp

Việc ngăn cản một doanh nghiệp mới gia nhập thị trường là có dấu hiệu của sự bảo hộ cho doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp hiện hữu. Điều đó không có lợi cho người tiêu dùng, thậm chí có hại cho chính nhóm doanh nghiệp hiện hữu, vì sự bảo hộ đó không tạo động lực cho các doanh nghiệp này thay đổi, cố gắng hơn mà nó dẫn đến sự trì trệ.

Luật sư NGUYỄN TRUNG NAM,Đoàn Luật sư TP.HCM

Ngăn cản Grab là bước lùi

Đà Nẵng từ chối trong khi các tỉnh, thành khác lại cho thí điểm là một bước lùi, Đà Nẵng cần xem xét lại. Đà Nẵng từng tự hào là TP khởi nghiệp nhưng lại ngăn cản mô hình kinh doanh mới, dịch vụ mới, doanh nghiệp mới... cho thấy tư duy quản lý có vấn đề. Lẽ ra phải tiếp nhận sự mới lạ đó, tìm hiểu và tạo cơ hội để phát triển. Bởi vì trong thị trường cạnh tranh, việc tiếp nhận thêm những điều mới sẽ thúc đẩy nền kinh tế phát triển, cạnh tranh tốt hơn.

Việc từ chối mô hình mới, cơ hội mới về taxi giá rẻ hơn cũng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống tại đây.

Chuyên gia kinh tế NGUYỄN MINH PHONG

Lê Phi