|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Khi 'kiều nữ' khởi nghiệp ngành thời trang

20:40 | 17/04/2018
Chia sẻ
Để thành công trong lĩnh vực bán lẻ thời trang, nhà đồng sáng lập Coco Sin cho rằng, không phải cứ ai mặc đẹp, có mắt thẩm mỹ cũng sẽ làm được. Bởi thời trang vốn thay đổi rất nhanh, chỉ riêng một thương hiệu, hay một nhà thiết kế không thể định hướng được cả thị trường.
khi kieu nu khoi nghiep nganh thoi trang Khởi nghiệp bằng thời trang hữu cơ

Dù ít xuất hiện trên các mặt báo, nhưng Trần Mai Hương là cái tên không xa lạ trong làng thời trang Việt Nam. Hương là nhà đồng sáng lập Coco Sin, thương hiệu fast-fashion (thời trang nhanh) đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2012, khi những tên tuổi như H&M, Zara vẫn chưa đổ độ vào.

khi kieu nu khoi nghiep nganh thoi trang
Trần Mai Hương - Nhà đồng sáng lập Coco Sin, thương hiệu fast-fashion (thời trang nhanh) đầu tiên tại Việt Nam

Thành công mà Coco Sin đạt được là chuỗi 5 cửa hàng đặt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng. Đồng thời, đây cũng là một trong những thương hiệu đầu tiên của Việt Nam có khả năng giới thiệu bộ sưu tập với trên 30 mẫu thiết kế mỗi tháng và liên tục đổi mới nhờ quy trình thiết kế, sản xuất, bán lẻ khép kín.

Khởi nghiệp vì muốn diện đồ đẹp

“Năm 2012, Hương cùng bạn của mình là Yến thành lập Coco Sin. Ý tưởng khi đó rất đơn giản, mình muốn diện đồ nhưng H&M hay Zara lại chưa có ở Việt Nam. Còn lại, hàng thời trang trong nước chủ yếu là các sản phẩm nhập từ Thái Lan, Trung Quốc, nhìn chung là nghèo nàn. Từ đây, ý tưởng về một thương hiệu fast-fashion với mẫu mã thay đổi liên tục, cập nhập xu hướng thời trang thế giới ra đời”, Trần Mai Hương nhớ lại.

Từ những ngày đầu tiên, Hương và Yến đã xác định, sản phẩm của mình phải lấp vào chỗ trống trong ngành thời trang Việt Nam lâu nay - phân khúc các sản phẩm thuộc nhóm trung cấp, với mức giá thấp hơn H&M, Zara, nhưng phải cao hơn hàng chợ.

Vừa hay, phân khúc này ứng với nhóm khách hàng là phụ nữ tại Việt Nam có mức thu nhập từ 10-20 triệu đồng/tháng, vốn luôn cảm thấy “thiếu đồ đẹp để thay đổi”, dù tủ đồ ở nhà luôn chật kín những váy vóc, giày dép.

Từ đây, nhà đồng sáng lập Coco Sin nhanh chóng lên được chiến lược về giá cho các dòng sản phẩm fast-fashion của mình. Trung bình, một món đồ được bày bán tại cửa hàng thời trang này có mức giá khoảng 400-600 ngàn đồng. Một khách mua hàng tiềm năng sẽ chi ra khoảng 1,2 triệu đồng trong mỗi lần mua sắm.

Trong đó, mỗi thiết kế được Coco Sin ra đời sẽ phải đáp ứng đủ 2 tiêu chí: hợp mắt người Việt Nam, nhưng vẫn liên tục cập nhật theo xu hướng chung của thế giới.

“Ngành thời trang luôn tồn tại một vấn đề, đó là khi bạn đi trước, đi nhanh quá, sẽ khó được khách hàng đón nhận. Vì vậy, bài toán đặt ra với chúng tôi là làm sao chiều theo ý kiến khách hàng Việt Nam, nhưng mẫu mã, kiểu dáng vẫn luôn là thời thượng nhất”, Trần Mai Hương định hình phong cách của Coco Sin.

Bán lẻ thời trang chính là bài toán tối ưu hóa chuỗi cung ứng

Theo chia sẻ của Trần Mai Hương, khó khăn lớn nhất với Coco Sin không phải là việc chạy theo xu hướng thời trang, hay phong cách mới. Mà đó là bài toán về tối ưu hóa chuỗi cung ứng, cũng như dòng tiền.

khi kieu nu khoi nghiep nganh thoi trang
Thành công mà Coco Sin đạt được là chuỗi 5 cửa hàng đặt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng.

Với số vốn chỉ 100 triệu đồng ban đầu, 2 nhà sáng lập Coco Sin từng rất gặp rất nhiều áp lực trong việc quản trị dòng tiền ra vào cửa hàng.

Tính chất fast-fashion buộc thương hiệu này luôn cần tung ra các mẫu mã mới. Mỗi khi bán được một bộ sưu tập nọ, họ phải ngay lập tức tái đầu tư vào bộ sưu tập mới hơn. Do đó, nếu không quản trị được dòng tiền tốt, sẽ không thể đầu tư thêm, càng không thể mở thêm cửa hàng mới, cũng như tuyển thêm nhân viên cho hệ thống.

Rất may là sau đó khoảng 3 tháng tự học hỏi và rút ra kinh nghiệm, công tác quản trị dòng tiền tại Coco Sin bước đầu đi vào ổn định. Tới đây, khó khăn chưa hẳn đã hết. Trần Mai Hương ngay lập tức gặp phải bài toán nan giải tiếp theo.

Vốn thuê gia công sản phẩm từ 3 nhà xưởng, thương hiệu thời trang này bị phụ thuộc tiến độ, chất lượng rất nhiều vào các đối tác. Trong khi đó, mô hình fast-fashion lại rất cần quay vòng sản phẩm nhanh. Điều này buộc Coco Sin phải đầu tư và sở hữu nhà xưởng riêng. Tuy chi phí đầu tư nhà xưởng ban đầu lớn, nhưng đổi lại Coco Sin chủ động được thời gian, lẫn nguồn hàng cung ứng ra thị trường.

Trần Mai Hương cho biết, trong ngành thời trang, chi phí thuê và sở hữu nhà xưởng không chênh lệch nhau quá nhiều. Vì nếu thuê gia công, doanh nghiệp sẽ bị ăn vải, ăn trên % sản phẩm. Nhưng quan trọng hơn, bán lẻ thời trang chính là bài toán tối ưu hóa chuỗi cung ứng. Do đó, sở hữu nhà xưởng là điều kiện gần như bắt buộc.

Không phải ai mặc đẹp cũng làm được thời trang

Để thành công trong lĩnh vực bán lẻ thời trang, Hương cho rằng, không phải cứ ai mặc đẹp, có mắt thẩm mỹ cũng sẽ làm được. Bởi thời trang vốn thay đổi rất nhanh, chỉ riêng một thương hiệu, hay một nhà thiết kế không thể định hướng được cả thị trường.

khi kieu nu khoi nghiep nganh thoi trang
Không phải ai mặc đẹp cũng làm được thời trang - Trần Mai Hương

“Gọi là kinh doanh thời trang, thì chữ kinh doanh vẫn phải đặt lên đầu. Còn về thiết kế, doanh nghiệp hoàn toàn có thể đi thuê, hoặc hợp tác bên ngoài. Cái chúng ta cho là đẹp, thì chưa chắc đã đẹp trong mắt khách hàng. Tới cuối cùng, thương hiệu thời trang sinh ra cũng chỉ là đi phục vụ khách”, nhà đồng sáng lập Coco Sin chia sẻ.

Và để tìm cho ra đáp án: khách hàng cần gì, thế nào là đẹp, Trần Mai Hương đã bắt đầu thực hiện một loạt những khảo sát vào năm 2013. Thế nhưng, kết quả khi đó trả về không như mong muốn.

Sau khi chuyển sang nhiều hình thức tham khảo khác, Hương mới phát hiện ra, chính bản thân Coco Sin đang sở hữu một công cụ cực kì hiệu quả. Đó chính là đội ngũ nhân viên bán hàng đứng trực tiếp tại hệ thống thương hiệu này:

“Nhân viên bán hàng tại Coco Sin không chỉ lấy đồ cho khách thử, mà còn đóng cả vai trò chăm sóc và khảo sát khách hàng. Các bạn nhân viên tại Coco Sin có thể nhớ tên từng khách quen, họ làm nghề gì, sống ở đâu, hiện đã có mấy con, hoàn cảnh ra sao, gần đây có cãi nhau với chồng không”.

Từ đây, khách hàng dần trở nên quen thuộc với thương hiệu. Các năm sau đó, Coco Sin đã gặt hái những thành công về doanh số, lẫn niềm tin ở các khách hàng là phái nữ. Tới năm 2017, Trần Mai Hương chính thức nhượng lại cổ phần của mình tại Coco Sin cho người bạn thân và sang Mỹ du học.

Mảnh ghép còn thiếu ở Coco Sin

Hương cho biết, cô hiện đang sinh sống và theo học ngành bán lẻ thời trang ở thành phố New York, Mỹ. Tại đây, công việc của Hương liên quan tới Fashion Tech (công nghệ thời trang) - chính là mảnh ghép còn thiếu ở Coco Sin trước kia.

khi kieu nu khoi nghiep nganh thoi trang
Mảnh ghép còn thiếu ở Coco Sin chính là công nghệ

Nhà đồng sáng lập này chỉ ra, khi ngành thời trang đang ngày một chuyên nghiệp hóa, các mẫu mã, thiết kế đang trở nên bão hòa, thì nhu cầu khảo sát về thị hiếu, thói quen của người tiêu dùng là rất lớn. Điều này buộc các hãng thời trang danh tiếng thế giới đều phải chuyển mình và đầu tư mạnh hơn vào công nghệ có tên: Big Data.

Trần Mai Hương lấy ví dụ, trong lĩnh vực bán lẻ nói chung, không ai muốn giữ hàng tồn kho, và ai cũng sợ hàng tồn kho. Tồn kho xuất hiện do sự chênh lệch giữa: dự đoán của nhà sản xuất và số lượng tiêu dùng thực tế. Do đó, ai quản trị tồn kho tốt hơn, sẽ kiếm được nhiều tiền hơn.

Ở đây, Big Data sẽ giúp nhà bán lẻ định hướng từ đầu là sản xuất cái gì, số lượng bao nhiêu, nên giảm giá vào lúc nào. Từ đó, giảm thiểu được tối đa hàng tồn kho, dư thừa, tiết kiệm chi phí.

Một ví dụ khác là ở Mỹ, người ta có thể phát hiện ra quy luật, cứ vào mùa hè khách hàng sẽ chuộng các mẫu áo màu đỏ. Trong đó, phái nữ nói chung sẽ thích những chiếc áo màu đỏ kiểu dáng lệch vai. Kết hợp với các dữ liệu khác, họ sẽ biết được những sản phẩm này bán chạy nhất vào tháng 6. Và từ đây, doanh nghiệp hoàn toàn có thể đưa ra các chiến lược bán hàng phù hợp nhất với thị hiếu người tiêu dùng.

Nhìn lại thị trường thời trang Việt Nam và thế giới, nhà đồng sáng lập này cho rằng, khoảng cách về công nghệ vẫn còn quá lớn. Doanh nghiệp thời trang Việt Nam chủ yếu vẫn dựa vào các dự đoán và dữ liệu hàng năm. Do đó, nếu có thể kết hợp thêm công nghệ vào khảo sát, đánh giá thị trường, hiệu quả sẽ còn tăng nhanh và mạnh trong thời gian tới.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Việt Hưng

Nhóm cổ phiếu nào được dự báo hưởng lợi từ kết quả bầu cử tổng thống Mỹ?
Dựa trên những điểm nhấn về chính sách, Agriseco cho rằng có nhiều điểm đối lập trong cách điều hành nền kinh tế của hai ứng cử viên tổng thống. Nhóm phân tích nêu sự tác động của cuộc bầu cử đến một số nhóm ngành trên thị trường chứng khoán Việt Nam.