Chuyện công ty sản xuất đồ chua sử dụng robot để giữ công nhân
Đồ chua (rau, củ, quả muối chua) là một trong những dạng thực phẩm đơn giản nhất trên đời, nhưng chế biến chúng là công việc nặng nhọc. Joe McClure, người đồng sáng lập công ty McClure Pickles, không hề cảm thấy xa lạ với công việc vất vả như thế. Anh và em trai Bob, cũng là người đồng sáng lập công ty, đã giúp cha, mẹ làm đồ chua trong suốt thời thơ ấu. Khi mới khởi nghiệp, họ sản xuất trong nhà riêng ở bang Michigan và bang New York. Sau đó, họ chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất về thành phố Detroit, quê hương của hai anh em, và mở rộng quy mô ở đó, Entrepreneur đưa tin.
Joe và Bob McClure, hai anh em sở hữu công ty McClure Pickles. Ảnh: Entrepreneur
Công việc nặng nhọc
Mùa xuân năm 2017, một công nhân của McClure Pickles thôi việc vì không thể chịu đựng sự vất vả của công việc làm muối rau, củ, quả. Người đàn ông này phải nhấc hơn 500 thùng chứa những lọ dưa muối mỗi ngày (mỗi lọ có khối lượng gần 2 kg) và đôi khi anh phải nhấc chúng từ mặt đất lên độ cao khoảng 1,5 m để xếp lên xe tải. Sau 3 năm rưỡi, anh kiệt sức và thường xuyên cảm thấy đau đớn khi làm việc.
"Tôi chẳng biết nỗi khổ của anh ấy vì tôi không xem anh ấy làm việc cả ngày", Joe thừa nhận.
Mặc dù phân phối sản phẩm tới hơn 4.000 nhà bán lẻ ở Mỹ, Anh, Australia và New Zealand, công ty chỉ có 33 công nhân (cộng với 8 công nhân làm việc thời vụ). Nhiều người đã gắn bó với McClure Pickles trong nhiều năm. Khi một người thôi việc, mọi người đều cảm thấy tiếc. Chỉ khoảng 5 người thôi việc do bệnh nghề nghiệp trong vòng 13 năm qua.
Ngoài việc đối mặt với nguy cơ mất người vì chấn thương trong công việc, McClure Pickles còn gặp khó khăn trong việc thuê một người làm công việc nặng nhọc cho người đã nghỉ. Bỗng một ngày nọ, Joe nghĩ tới việc sử dụng robot để làm thay công việc của công nhân. Robot có thể giúp công ty mở rộng quy mô, tăng sản lượng, đồng thời giảm những thao tác đơn điệu nhưng đôi khi nguy hiểm.
Ban đầu, công ty mua một robot vào năm 2008 để dán nhãn vào các lọ dưa chuột muối vào năm 2009. Trước đó, 3-4 công nhân sẽ phải dành cả buổi chiều để dán nhãn lên các lộ rồi đóng mã số của lô hàng. Quy trình ấy khiến vô số lọ dưa phải đợi trước khi được đưa vận chuyển tới khách hàng, và công ty thường trễ hạn giao hàng.
Cách mạng hóa quy trình sản xuất với robot
Năm 2010, McClure Pickles mua máy thái miếng đầu tiên. Trước đó, công nhân phải thái rau, củ, quả bằng tay. Mặc dù tai nạn lao động chưa bao giờ xảy ra trong quá trình thái, xong đó là việc khiến họ phải dành rất nhiều thời gian.
"Thái dưa chuột để chuẩn bị nguyên liệu cho sản xuất là việc hiến chúng tôi mất rất nhiều thời gian và công sức. Do nhu cầu của khách hàng tăng, thời gian mà chúng tôi dành cho khâu thái dưa ngày càng lớn và nhiều lần chúng tôi không thể đáp ứng yêu cầu của khách hàng về thời gian giao hàng khiến họ rất bức xúc", Joe thừa nhận.
Mặc dù robot làm giảm thời gian thái dưa và nguy cơ cắt vào tay, mục đích chính của việc dùng chúng là đồng bộ hóa hoạt động sản xuất.
Sau đó, hai anh em nhà McClure mua thêm robot đổ nước muối và robot đóng nắp. Trước đây, công ty phải luân phiên đổi người đổ nước muối và đóng nắp mỗi giờ trong ca làm việc kéo dài 6 tiếng. Công nhân luôn thay đổi vị trí trong ca để tránh những thao tác lặp lại như vặn nắp lọ rồi rót nước muối nóng vào lọ. Công ty cũng bổ sung dây chuyền để đưa các lọ dưa muối từ vị trí đầu tiên tới vị trí cuối trong quá trình sản xuất.
Cánh tay máy mà công ty McClure Pickles mua để thực hiện công việc nhấc các thùng từ mặt đất lên xe tải. Ảnh: Entrepreneur
Robot nhấc thùng đựng các lọ đồ muối từ mặt đất lên xe tải xuất hiện tại công ty từ tháng 1/2017. Với nó, công nhân không phải bê thùng lên xe tải, nhưng họ phải học cách lập trình để nó thao tác theo ý muốn của họ. Bằng cách ấy, công ty biến một việc chân tay thành thao tác có yếu tố trí óc đối với công nhân. Robot không "cướp" việc của họ, mà nâng công việc của họ lên đẳng cấp mới.
Khi đã đồng bộ hóa quy trình sản xuất bằng robot, anh em nhà McClure liên hệ với công nhân nghỉ việc vì chấn thương. Họ nói với anh về những robot và mời anh trở lại công ty. Hiện tại công nhân đó đã quay trở lại với công việc cũ.
Tự động hóa đã giúp McClure Pickles tăng sản lượng mà không phải giảm nhân sự, bất chấp một thực tế là robot đang "cướp" việc của người lao động tại nhiều doanh nghiệp khác. Khi công ty chỉ có 5 người vào năm 2006, họ sản xuất 600 lọ đồ chua mỗi ngày. Năm 2010, với 20 người lao động và 20% quy trình vận hành tự động, họ sản xuất 2.000 lọ mỗi ngày. Ngày nay, với việc robot đảm nhận 60% quy trình sản xuất và có 41 công nhân, họ sản xuất 6.500 lọ mỗi ngày.
Nhờ tự động hóa, doanh số của công ty tăng đều đặn từ 10 tới 20% mỗi năm từ khi bắt đầu hoạt động vào năm 2006.