|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Chủ tịch Gỗ Trường Thành (TTF) hiến kế gì giúp doanh nghiệp SME vượt bão COVID?

07:51 | 18/09/2021
Chia sẻ
Ông Mai Hữu Tín cho rằng bên cạnh các vấn đề trong chuỗi cung ứng mà ai ai cũng gặp phải, vấn đề nhân công sẽ là áp lực lớn đối với doanh nghiệp sau khi bão COVID-19 qua đi.
d - Ảnh 1.

Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn U&I và Gỗ Trường Thành (Ảnh chụp màn hình sự kiện Vietnam CEO Forum tối 16/9).

Tối 16/9 đã diễn ra sự kiện Vietnam CEO Forum, tại đây các nhà lãnh đạo đã nhìn nhận trực diện, thẳng thắn vào vấn đề trong cơn bão COVID-19 đang hoành hành. 

Các chuyên gia, người đứng đầu doanh nghiệp lớn đã chia sẻ các thông tin và đưa ra lời khuyên, giúp những công ty vừa và nhỏ (SME) lựa chọn đúng đắn con đường xuyên qua tâm bão ít tổn thất nhất và thuận chiều để kịp đón lấy “mặt trời” khi “cơn bão” đi qua.

Nhìn nhận về loạt vấn đề đang gặp phải, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn U&I, đồng thời cũng là Chủ tịch CTCP Gỗ Trường Thành (Mã: TTF) cho biết, bên cạnh các vấn đề trong chuỗi cung ứng mà ai ai cũng gặp phải, vấn đề nhân công sẽ là áp lực lớn đối với doanh nghiệp sau khi bão COVID-19 qua đi.

Ông Tín nhận định tới cuối năm sau, tình hình sản xuất có thể hồi phục bằng 70% như trước dịch. Tuy nhiên, lúc đó các nhà máy tuyển dụng lao động sẽ cực kỳ khó, vì hầu hết công nhân đã về quê và sẽ rất nhọc nhằn để 100% nhân công quay trở lại. Lúc này, việc phân bổ lao động toàn ngành kinh tế sẽ diễn ra.

Do đó, ngay bây giờ các doanh nghiệp phải tính toán trước, ông Mai Hữu Tín nêu ý kiến. "Hiện công ty của tôi đang có sự chuẩn bị áp dụng tự động hóa, ứng dụng robot vào sản xuất". Chi phí của một robot chỉ bằng hai năm lương bổng của người lao động, trong khi năng suất lại cao hơn. Do đó, ông Tín đề xuất các doanh nghiệp nên đầu tư ngay lúc này, nếu muốn giữ được nhịp sản xuất như trước đây.

Dù tự động hóa robot sẽ đưa hoạt động của nhà sản xuất lên một tầm cao mới, tăng khả năng cạnh tranh và lợi nhuận, song vấn đề chi phí vốn đang là rào cản của các doanh nghiệp. 

"Chi phí vốn của các doanh nghiệp Việt vẫn cao gấp đôi so với các doanh nghiệp châu Âu", đây là một trong các nguyên nhân khiến doanh nghiệp không đầu tư hoặc chưa muốn đầu tư, ông Tín nói.

d - Ảnh 2.

Ứng dụng robot vào sản xuất. (Ảnh minh họa: Bộ Công Thương).

Tăng tốc hay chuyển đổi số?

Ông Albert Antoine, CEO đồng thời là Co-founder của Công ty tư vấn Avaiga, Singapore chia sẻ, các nước châu Âu cũng đang gặp khủng hoảng về nhân lực. Họ đặt câu hỏi có nên tăng tốc, chứ không phải là vấn đề chuyển đổi số - thứ mà các công ty Việt Nam thường đề cập trong giai đoạn này. Việc tăng tốc bao gồm dùng công nghệ, bằng tối ưu hóa quy trình hoạt động,...

Chính chúng tôi cũng lo ngại về việc nhà mua hàng sẽ rời khỏi Việt Nam và chúng tôi sợ họ sẽ đến Trung Quốc. Tuy nhiên, giai đoạn này chính Trung Quốc cũng nơm nớp về việc khi nào thì họ bị đánh. Do đó, đây chính là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT của Gỗ Trường Thành

Về vấn đề dịch chuyển vốn đầu tư ngoại, khi đợt dịch COVID-19 diễn ra quá lâu, Chủ tịch Mai Hữu Tín nói, "chính chúng tôi cũng lo ngại về việc nhà mua hàng sẽ rời khỏi Việt Nam và chúng tôi sợ họ sẽ đến Trung Quốc. Tuy nhiên, giai đoạn này chính Trung Quốc cũng nơm nớp về việc khi nào thì họ bị đánh. Do đó, đây chính là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam. Tôi khuyên các công ty nên dành thời gian để chuẩn bị tốt hơn", ông Tín nêu quan điểm.

Chủ tịch TTF nói thêm, nếu ai làm sản xuất thì hãy áp dụng công nghệ càng nhanh càng tốt: công nghệ thông tin, chuyển đổi số, robot hay bất cứ cái gì, áp dụng tới từng nơi từng chỗ, sao cho từng ban trở thành profit center, thay vì cost center.

Khi được hỏi về một ví dụ mà doanh nghiệp đã áp dụng để tự cứu lấy mình, Chủ tịch Mai Hữu Tín cho biết, đó là bài học không bao giờ bỏ trứng vào một giỏ. 

Chẳng hạn, tại CTCP Nông Nghiệp U&I (Unifarm), công ty luôn xác định làm cùng lúc hai thị trường, vừa bán trong nước, vừa xuất khẩu. Nếu làm nội địa, khi có dịch bệnh, dòng tiền chững lại, lúc này chỉ có xuất khẩu mới cứu được cả doanh nghiệp. Đồng thời, công ty cũng không phụ thuộc quá lớn vào thị trường xuất khẩu nào cả, ông Tín lấy ví dụ tại công ty của mình.

Với vai trò thực chiến qua các đợt dịch COVID-19, ông Mai Hữu Tín đã có lời khuyên với các doanh nghiệp SME rằng, khoảng 10 năm các công ty sẽ gặp khủng hoảng một lần, đó là có thể là thiên tai, hoặc do chính con người gây nên. Ông Tín khuyên nên xem đây là điều hết sức bình thường trong đời sống của một doanh nghiệp.

Minh Hằng

ĐHĐCĐ Nam Long: Doanh số quý I ước đạt 1.160 tỷ đồng, có thể đưa ra thị trường 15.000 sản phẩm trong ba năm tới
HĐQT Nam Long định hướng phát triển trong năm 2024 tập trung vào dòng sản phẩm nhà ở vừa túi tiền và hợp với nhu cầu thị trường, mục tiêu bán trên 3.100 sản phẩm với doanh số kỳ vọng đạt 9.554 tỷ đồng.