Khảo sát: Lương càng thấp càng đi cà phê nhiều
Theo kết quả khảo sát mới nhất từ công ty nghiên cứu thị trường Mibrand, nhóm khách hàng có thu nhập thấp và trung bình đang là động lực chính thúc đẩy ngành cà phê Việt Nam phát triển. Báo cáo chỉ ra rằng nhóm có mức lương 5-10 triệu đồng/tháng là những khách hàng thường xuyên nhất, với tần suất ghé quán 1-3 lần/tuần.
Tiếp theo là nhóm thu nhập 10-20 triệu đồng/tháng, cũng có mức độ lui tới tương đương. Phần lớn khách hàng trong hai nhóm này là giới trẻ.
Báo cáo của Mibrand cho thấy nhu cầu và chi tiêu cho ăn uống của đối tượng này đã tăng mạnh trong những năm gần đây và dự kiến sẽ tiếp tục đà tăng trưởng. Nhiều thương hiệu đã và đang tập trung phát triển sản phẩm, dịch vụ nhằm thu hút phân khúc khách hàng tiềm năng này.
Điểm đáng lưu ý là dù thu nhập không cao, giới trẻ lại có xu hướng chi tiêu "mạnh tay" cho mỗi lần đi cà phê, với mức trung bình khoảng 80.000 đồng. Tuy nhiên, họ lại khá dè dặt với các món đặc biệt đắt tiền. Có thể thấy, nhóm này đang cố gắng tối ưu chi phí để tăng số lần ghé quán mỗi tháng trong khả năng tài chính của mình.
Một phát hiện thú vị khác là hơn 50% người trẻ trong cả hai nhóm thu nhập trên đều ưa chuộng các quán cà phê nhỏ ở mặt phố. Điều này phản ánh xu hướng tiêu dùng mới trong năm 2024, khi người dùng ngày càng chú trọng đến giá trị và mục đích chi tiêu của mình.
Về đồ uống, cà phê vẫn giữ vị trí quan trọng với 45% khách hàng trẻ chọn cà phê truyền thống và 39% thích cà phê pha máy. Bên cạnh đó, trà sữa cũng rất được ưa chuộng, chiếm tỷ lệ lựa chọn lên đến 49%. Qua đó có thể thấy, mặc dù thu nhập còn hạn chế, giới trẻ Việt Nam vẫn dành một phần đáng kể ngân sách cho việc thưởng thức cà phê.
Theo báo cáo của Vietdata, thị trường chuỗi nhà hàng và đồ uống tại Việt Nam đang có quy mô ước tính lên đến 1,3 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, tỷ lệ thâm nhập của các chuỗi F&B vào thị trường mới chỉ đạt mức 5%, cho thấy tiềm năng phát triển còn rất lớn.
Mặc dù chịu ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế toàn cầu, năm 2023 vẫn chứng kiến sự sôi động đáng kể của thị trường F&B Việt Nam. Số lượng cửa hàng cà phê tăng mạnh, từ 816 cửa hàng năm 2019 lên 1.657 cửa hàng năm 2023.
Một báo cáo gần đây của iPOS.vn cho biết thị trường F&B 2023 có 317.299 cửa hàng cà phê và trà ở Việt Nam tính đến cuối năm 2023, tăng 1,26% hàng năm.
Chỉ trong hai năm gần đây, ba thương hiệu dẫn đầu là Highlands Coffee, Phúc Long và Starbucks đã mở thêm hơn 1.000 điểm bán mới. Bên cạnh các thương hiệu lớn, thị trường còn chứng kiến sự bứt phá của các tên tuổi mới như Mixue, Phê La, Katinat và Cheese Coffee.
Chuỗi trà sữa giá rẻ từ Trung Quốc là Mixue đã đạt mốc 1.000 cửa hàng tại Việt Nam chỉ sau 5 năm, trong khi Katinat Saigon Cafe vượt qua cả Phúc Long và Starbucks trên bảng xếp hạng các chuỗi đồ uống được quan tâm nhất trên mạng xã hội.
Ngoài các chuỗi thương hiệu, văn hóa ẩm thực của người Việt vẫn ưa chuộng những quán nhỏ, thuận tiện ở ven đường. Chi tiêu cho thức uống phục vụ tại cửa hàng ở Việt Nam vẫn còn thấp so với các nước Đông Á khác, tạo nên cơ hội tăng trưởng mạnh trong tương lai.
Theo báo cáo của iPOS.vn, mức chi cho việc đi cà phê tiếp tục tăng trưởng trong năm 2023, chiếm tỷ trọng lớn trong tiêu dùng của người Việt. Trong đó, 55,5% người được hỏi cho biết sẵn sàng chi từ 41.000 đồng/lần cà phê. So với năm 2022, con số này tăng 58%. Các chuyên gia nhận định đây là yếu tố bất ngờ trong một năm khó khăn như 2023.
Mưc chi tiêu phổ biến nhất cho mỗi lần đi cà phê vẫn từ 41.000 đồng tới 70.000 đồng. Đối với việc đi cà phê phân khúc cao cấp - từ 70.000 đồng trở lên, có khoảng 14,3% người trả lời lựa chọn, tương đương năm trước.
Với sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường và xu hướng tiêu dùng của giới trẻ, các doanh nghiệp trong ngành cần nắm bắt xu hướng này để phát triển sản phẩm và dịch vụ phù hợp, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng, đặc biệt là nhóm khách hàng trẻ có thu nhập thấp và trung bình.