|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Vì sao chuỗi cà phê Việt Nam hiếm khi gọi vốn đầu tư mạo hiểm?

07:19 | 01/07/2024
Chia sẻ
Trong khi dòng vốn đầu tư mạo hiểm là liều thuốc giúp nhiều startup chuỗi cà phê trong khu vực Đông Nam Á tăng trưởng vượt bậc về quy mô thì Việt Nam gần như vắng bóng những thương vụ gọi vốn cho khởi nghiệp cà phê trong nhiều năm qua.

Đầu năm nay, Revi Coffee & Tea - một dự án khởi nghiệp chuỗi cà phê của những lãnh đạo đời đầu Gojek Việt Nam đã huy động được khoảng 1 triệu USD từ quỹ TNB Aura (Singapore), cùng các tổ chức trong nước như Touchstone Partners, Ai Viet Venture. Theo đó, các quỹ đầu tư này sẽ cùng đồng hành với Revi trong vòng hạt giống.

Thế nhưng có thể thấy kể từ khi chuỗi cà phê The KAFe của Đào Chi Anh huy động được 5,5 triệu USD từ các quỹ ngoại vào năm 2015, thị trường cà phê Việt gần như vắng bóng các thương vụ gọi vốn đầu tư mạo hiểm. “Nó giống như một cái dớp, chưa ai vượt qua được”, ông Vũ Trường Giang, nhà sáng lập chuỗi cà phê Ka, nói với người viết.

Liều doping cho các startup chuỗi cà phê Đông Nam Á

Nhìn qua các thị trường trong khu vực, những năm qua liên tiếp chứng kiến các thương vụ gọi vốn triệu đô của nhiều startup chuỗi cà phê.

Dòng vốn đầu tư mạo hiểm thúc đẩy các chuỗi cà phê trong khu vực tăng trưởng chóng mặt về quy mô. (Nguồn: Momentum Works).

Năm ngoái, chuỗi cà phê cung cấp dịch vụ take away (mua mang đi) Flash Coffee của Singapore đã huy động được tổng cộng 50 triệu USD trong vòng Series B do White Star Capital (Mỹ) dẫn đầu. Trước đó, nhà đầu tư Mỹ cũng đã cùng nhiều quỹ khác rót 15 triệu USD cho Flash Coffee trong vòng Series A.

Ngoài Flash, startup đến từ Philippines, Pickup Coffee cũng đã huy động được 40 triệu USD trong vòng cấp vốn mới nhất, dẫn đầu bởi quỹ đầu tư Go-Ventures của Indonesia.

Trong những năm qua thị trường chuỗi cà phê trong khu vực còn ghi nhận thêm những thương vụ gọi vốn từ JumpStart (Indonesia); Morning Coffee (Singapore); Koppiku (Malaysia); Jago (Indonesia)… với mức huy động hàng triệu USD từ các quỹ đầu tư.

Đông Nam Á là một trong những khu vực có mức tiêu thụ cà phê tăng trưởng nhanh nhất trên toàn cầu. Theo Euromonitor International, doanh số bán lẻ cà phê tại 6 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, đạt 6,5 tỷ USD vào năm 2019, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm 6% trong giai đoạn 2014-2019.

Việt Nam luôn tự hào là một quốc gia hàng đầu thế giới về cà phê và là thị trường xuất khẩu hạt cà phê lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, các chuỗi cà phê của Việt Nam chưa thực sự đủ lớn so với các nước trong khu vực.

Theo báo cáo của Momentum Works, Đông Nam Á hiện chi 3,4 tỷ USD cho các cửa hàng cà phê. Trong miếng bánh tỷ đô đó, Indonesia và Thái Lan là hai thị trường dẫn đầu với doanh thu lần lượt là 947 và 807 triệu USD. Việt Nam xếp sau các thị trường trên với 572 triệu USD doanh thu từ các chuỗi cà phê.

Highlands Coffee đang là chuỗi cà phê lớn nhất Việt Nam song quy mô cửa hàng đã bị "kỳ lân" Kopi Kenangan của Indonesia vượt mặt trong vài năm. (Ảnh: Thành Vũ).

Nếu xét trên phương diện số lượng cửa hàng, chuỗi lớn nhất Đông Nam Á hiện tại là Amazon Cafe của Thái Lan với hơn 3.900 cửa hàng. Đứng thứ 7 khu vực xét về quy mô là chuỗi Highlands Coffee với gần 800 cửa hàng tại Việt Nam. Trong những năm qua, Highlands cũng khá kín tiếng trong các thương vụ huy động vốn.

Chuỗi đồ uống lớn nhất Việt Nam về tay tập đoàn Jolibee của Philippines từ năm 2012 trong một giao dịch không tiết lộ về giá trị. Tiếp đến năm 2022, tờ Reuters đưa tin Jolibee muốn bán 10% - 15% cổ phần và định giá Highlands Coffee ở mức 800 triệu USD.

Dù đã hoạt động 25 năm trong ngành và là một "ông lớn" trên thị trường F&B song định giá của Highlands Coffee vẫn đang thấp hơn so với một startup cùng ngành tại Indonesia là Kopi Kenangan khi trở thành kỳ lân vào năm 2021 (vượt 1 tỷ USD định giá).

Cách đây hai năm, Kopi Kenangan đã huy động 96 triệu USD ở vòng gọi vốn series C do Tybourne Capital Management của Hong Kong dẫn đầu. Vòng này có sự tham gia của các nhà đầu tư trước đó như Horizons Ventures của tỷ phú Lý Gia Thành, B Capital của Eduardo Saverin và một vài nhà đầu tư khác. Chính vòng gọi vốn này đã đưa startup của Indonesia trở thành kỳ lân duy nhất trong ngành F&B khu vực.

Trước đó, Kopi Kenangan từng huy động 109 triệu USD tại vòng gọi vốn series B vào năm 2021, hai năm  sau khi nhận về hơn 20 triệu USD trong vòng gọi vốn series A hồi tháng 6/2019. Chuỗi cà phê này được hững người nổi tiếng như nam rapper Jay-Z, ngôi sao quần vợt Serena Williams và cầu thủ bóng rổ Caris LeVert, rót vốn đầu tư.

Đây là một trong những chuỗi cà phê mang đi tăng trưởng nhanh nhất Indonesia. Kopi Kenangan được bộ ba Tirtanata, James Prananto và Cynthia Chaerunnisa thành lập vào năm 2017 và nhanh chóng vươn tầm mạnh mẽ trở thành chuỗi cà phê lớn nhất ở xứ vạn đảo.

Sau 7 năm phát triển, startup Kopi Kenangan đã nhanh chóng trở thành một thương hiệu chuỗi cà phê lớn ở khu vực Đông Nam Á. (Ảnh: The Star).

Chiến lược của Kopi Kenangan là định vị công ty là sự kết hợp giữa chuỗi thương hiệu quốc tế phục vụ cà phê cao cấp và cà phê hòa tan giá rẻ bán tại các ki-ốt. Startup áp dụng yếu tố công nghệ trong dịch vụ khi khách hàng thể đặt mua bằng ứng dụng và đến lấy tại cửa hàng hoặc được giao tận nơi. Theo công bố, chuỗi cà phê này có hơn 800 cửa hàng tại 45 thành phố của Indonesia.

Dòng vốn mạo hiểm "ngại" Việt Nam?

“Theo quan sát cá nhân, điểm hấp dẫn của kỳ lân Indonesia cũng như các dự án khác trong khu vực đối với các nhà đầu tư là yếu tố công nghệ. Theo đó, khách hàng có thể đặt hàng và đến lấy hoặc được giao đi từ nhiều địa điểm khác nhau. Nó cho thấy khả năng mở rộng quy mô nhanh và lớn”, ông Giang nói.

Nhà sáng lập Ka cho rằng thói quen mua hàng mang đi của thị trường Việt Nam vẫn chưa đủ sẵn sàng để áp dụng nhưng công nghệ như vậy. “Tuy nhiên, thời điểm đó sẽ đến sớm thôi”, ông Giang nhận định.

Quay trở lại với Revi, startup này cũng mang yếu tố công nghệ vào khi tinh gọn điểm bán ở các tầng trệt của những toà nhà văn phòng, cho phép đặt hàng qua ứng dụng và đến lấy mang đi. Ngoài ra, Revi cũng định vị họ là chuỗi cà phê tiên phong trong thanh toán phi tiền mặt.

“Nếu không đủ khả năng mở rộng quy mô thì không bõ công đầu tư. Nó giống như câu chuyện của Trung Quốc với công thức nhượng quyền nhanh chóng, dùng công nghệ thu thập dữ liệu khách hàng và xây dựng nhà máy bán nguyên liệu”, ông Vũ Trường Giang nói.

Tuy vậy, thị trường cà phê Việt Nam không hề dễ và chỉ có một số ít với nguồn lực hậu thuẫn đủ tốt mới đủ sức thành công tại thị trường đông đúc này.

Câu chuyện của Phê La có thể là một ví dụ. Phê La được định hướng chính là trà ô long đặc sản với mô hình riêng đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ, bất chấp việc khai trương giữa thời điểm dịch bệnh COVID-19 đang căng thẳng. Theo các nguồn tin, một nhóm nhà đầu tư cá nhân ở trong nước đã thâu tóm chuỗi cửa hàng trà sữa này với mức định giá 10 triệu USD vào năm ngoái.

Nếu nhìn về ngành cà phê, dường như thị trường đang thiếu vắng các dự án đủ hấp dẫn với nhà đầu tư ngoại. Theo nghiên cứu của Momentum Works, thị trường chuỗi cà phê Đông Nam Á được thúc đẩy nhanh chóng bởi dòng vốn đầu tư mạo hiểm, khi chứng kiến sự gia tăng của các chuỗi công ty cà phê như Kopi Kenangan, Fore, Flash Coffee, Tomoro… song thị trường vốn đầu tư lại khá ảm đạm ở Việt Nam.

Cotti Coffee của Trung Quốc đang tăng trưởng nhanh chóng quy mô ở thị trường nội địa nhờ mô hình nhượng quyền và áp dụng công nghệ. Chuỗi này cũng đang mở rộng sang khu vực Đông Nam Á và đã có mặt ở Việt Nam. (Ảnh: Thành Vũ).

Trao đổi với người viết, bà Weihan Cheng, nhà phân tích tại Momentum Works cho rằng thị trường Việt Nam đang được thống lĩnh bởi hai chuỗi cà phê nội địa thống trị thị trường, bên cạnh đó là những chuỗi nhỏ hơn nhưng có quy mô tương đối tốt như Cộng Cà Phê…

“Chúng tôi cho rằng việc các startup tại thị trường Singapore, Indonesia… liên tiếp huy động vốn đầu tư mạo hiểm có liên quan nhiều đến sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư ở Đông Nam Á và nó cũng liên quan tới nhiều ngành khác ngoài cà phê. Đối với Việt Nam, các startup cần tìm ra khoảng trống giữa thị trường chật chội để có thể mở rộng quy mô. Điều đó mới hấp dẫn các nhà đầu tư”, bà Weihan Cheng nhận xét.

Ông Vũ Trường Giang tin rằng thị trường chưa đủ sẵn sàng cho dòng vốn đầu tư mạo hiểm.  “Nhiều nhà đầu tư ngoại như Mekong Capital từng thành công với nhiều thương vụ tại Việt Nam. Có lẽ họ chưa nhìn thấy sự hấp dẫn trong ngành cà phê nên không muốn tham gia”, ông Giang nói.

Ông Hoàng Tùng, một người am hiểu trong ngành FnB nêu quan điểm các mô hình khởi nghiệp về cà phê ở Việt Nam thường đi lên từ những cửa hàng nhỏ, quy mô vốn khoảng vài trăm triệu đến 1-2 tỷ đồng.

“Ở quy mô nhỏ, người khởi nghiệp có thể tự bỏ tiền hoặc huy động vốn từ người thân, bạn bè. Chưa kể, hầu như người kinh doanh quán cà phê ở Việt Nam không có ý thức huy động vốn từ quỹ. Tôi thấy một số trường hợp có nhu cầu tìm kiếm nhà đầu tư song họ lại cần quỹ đầu tư hỗ trợ nhiều hơn ở khía cạnh tư vấn chiến lược, mối quan hệ… ngoài yếu tố tài chính”, ông Hoàng Tùng lý giải vì sao hiếm thấy thương vụ huy động vốn mạo hiểm trong lĩnh vực chuỗi cà phê ở Việt Nam.

Cộng Cà Phê là một trong số những thương hiệu thành công ở Việt Nam dù quy mô chưa thực sự lớn. Cộng có gần 90 cửa hàng. Trong đó 66 cửa hàng trong nước, còn lại thuộc các thị trường Canada, Hàn Quốc, Malaysia. (Ảnh: Thành Vũ).

Ông Tùng cho biết thị trường chuỗi F&B Việt Nam từng chứng kiến một số deal như Katinat hay Phê La, khi được nhà đầu tư trong nước quan tâm và rót vốn. Trong khi đó, với những tên tuổi như Highlands, Phúc Long,… dòng vốn đầu tư mạo hiểm dường như không phù hợp với những đơn vị này.

Về những yếu tố thu hút nhà đầu tư của một dự án khởi nghiệp chuỗi cà phê, ông Tùng cho rằng có ba yếu tố với việc đội ngũ sáng lập tốt, có tư duy mở. Bên cạnh đó, dự án phải có khả năng mở rộng và định hướng phát triển rõ ràng.

"Người sáng lập cần có tư duy mở và chiến lược rõ ràng với dòng vốn mà họ huy động từ các quỹ đầu tư. Đặc biệt, các quỹ luôn quan tâm tới khả năng mở rộng của mô hình kinh doanh đó", ông Tùng nói.

Thành Vũ