|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Khảo sát: Kinh tế càng khó khăn, người Việt càng đi cà phê nhiều hơn

15:51 | 27/03/2024
Chia sẻ
Đây là kết quả của khảo sảt xu hướng tiêu dùng trong ngành F&B do iPos.vn phối hợp Virac thực hiện với gần 4.000 ứng viên tại 63 tỉnh, thành phố.

Báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực Việt Nam cho biết các khó khăn về kinh tế không làm ảnh hưởng tới thói quen đi cà phê của người Việt. Năm 2023, tần suất thậm chí còn tăng nhẹ so với năm 2022.

 Bên trong một quán cà phê tại Thanh Xuân, Hà Nội. (Ảnh: Đức Huy).

Mức chi cho việc đi cà phê tiếp tục tăng trưởng trong năm qua, chiếm tỷ trọng lớn trong tiêu dùng của người Việt. Trong đó, 55,5% người được hỏi cho biết sẵn sàng chi từ 41.000 đồng/lần cà phê. So với năm 2022, con số này tăng 58%. Các chuyên gia nhận định đây là yếu tố bất ngờ trong một năm khó khăn như 2023.

Mưc chi tiêu phổ biến nhất cho mỗi lần đi cà phê vẫn từ 41.000 đồng tới 70.000 đồng. Đối với việc đi cà phê phân khúc cao cấp - từ 70.000 đồng trở lên, có khoảng 14,3% người trả lời lựa chọn, tương đương năm trước.

 

Trong khi đó, 31.000 đồng tới 50.000 đồng/ly là chi phí người Việt thường dành để đặt cà phê/trà sữa mang về. So với việc đi cà phê, chi tiêu cho đặt đồ uống mang về thường thấp hơn. Theo đó, chỉ có 36,3% người cho biết thường xuyên đặt đồ uống mang về từ 40.000 đồng trở lên. 

Trong cuộc khảo sát, bất ngờ nhất khoảng 26% người được hỏi thừa nhận chưa từng hoặc hiếm khi dùng dịch vụ đặt đồ uống mang đi. Theo giới tính, con số nam - nữ tương ứng là 31,7% và 20,6%. 

Thị phần giao đồ ăn trực tuyến ngày càng tới mốc giới hạn, hứa hẹn là cuộc đua khốc liệt giữa các ông lớn trong ngành.

Xét về thu nhập, khách hàng có thu nhập từ 11 triệu đồng/tháng trở lên chi tiêu mạnh tay nhất cho đặt đồ uống. Mức thu nhập ảnh hưởng rõ rệt đến xu hướng chi tiêu của khách hàng khi đặt đồ uống online. 

Có tới 46% người có thu nhập 11-20 triệu đồng chọn đặt cà phê mang về với phân khúc giá từ 41.000 đồng trở lên. Tương tự, những người có thu nhập 20 triệu trở lên tỷ lệ này chiếm tới 53%.

Lý giải cho điều này là bởi nhóm khách hàng này có khả năng tài chính cao hơn, họ sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho sự tiện lợi và thoải mái khi sử dụng.

Con số này cũng tương đồng với dữ liệu được hãng nghiên cứu Momentum Works đưa ra vào cuối năm ngoái. Trong đó, Momentum Works sử dụng chỉ số Frappuccino - thước đo phản ánh sự hiện diện của thương hiệu Starbucks tại một số thành phố trên thế giới, từ đó cung cấp insight về mức chi phí sinh hoạt tương đối và thu nhập khả dụng.

Giá của một cốc Caramel Frappuccino cỡ Grande năm 2023 tại thành phố New York (Mỹ) được dùng làm mốc, với số điểm được đặt là 100. Chỉ số Frappuccino càng gần mốc thì sức mua của người tiêu dùng tại thành phố đó càng tương đồng so với New York.

Ngoài ra, số điểm càng gần mốc thì mức độ cao cấp của Starbucks trong góc nhìn của người dân tại thành phố đó càng thấp và mức độ tiêu thụ càng rộng.

Tại Đông Nam Á, Singapore là quốc gia đạt điểm số thấp nhất, đạt 149 điểm. Điều này cho thấy rằng Starbucks được coi là ít cao cấp hơn. Thành phố có điểm số cao nhất trong khu vực là Hà Nội và TP HCM, đạt 233 điểm. 

Với điểm số này có thể thấy Starbucks được định vị là đồ uống cao cấp và sự thâm nhập tương đối thấp của các thương hiệu chuỗi cà phê quốc tế vào Việt Nam.

Đức Huy