Những chuỗi cà phê ngoại 'gục ngã' tại thị trường Việt Nam
Ngày 28/4, chuỗi cà phê Mellower đưa ra thông báo dừng kinh doanh tại Việt Nam: "Hôm nay lòng nặng trĩu, Mellower xin chia sẻ tới quý khách một thông tin: Mellower Coffee sẽ không thể tiếp tục hoạt động, hôm nay là ngày cuối cùng Mellower phục vụ quý khách".
Tọa lạc tại tòa nhà Metropolitan số 235 Đồng Khởi, Quận 1, TP HCM, đây là cửa hàng thu hút khách của Mellower Coffee - chuỗi đồ uống đến từ Trung Quốc, sở hữu 50 cửa hàng tại đại lục, Singapore, Hàn Quốc và Việt Nam.
Mellower Coffee tiến vào Việt Nam từ năm 2019 với cửa hàng đầu tiên tại tầng 1 tòa nhà Deutsches Haus trên phố Lê Duẩn (TP HCM). Sau đó, thương hiệu này tiếp tục mở chi nhánh tiếp theo tại The Metropolitan Building (235 Đồng Khởi, Quận 1, TP HCM). Trước đó không lâu, chuỗi PhinDeli cũng đã trả mặt bằng tạiMetropolitan - đây là vị trí có hướng nhìn thẳng ra Nhà thờ Đức Bà.
Giá đồ uống ở Mellower khá cao so với mặt bằng chung, dao động từ 49.000-100.000 đồng, với những món cà phê được yêu cầu riêng, mức giá có thể hơn 200.000 đồng.
Chuỗi cà phê nội áp đảo
Việc Mellower Coffee rời đi khiến nhiều người nhớ tới những cái tên cà phê ngoại khác đã phải dừng bước tại thị trường đồ uống ở Việt Nam. Đơn cử như chuỗi cà phê ngoại Gloria Jean’s (2017), New York Dessert Coffee (2016).
Nếu ví thị trường cà phê Việt Nam là một miếng bánh ngon thì các thương hiệu tên tuổi của nước ngoài chưa chắc đã giành được phần ở miếng bánh đó. Theo một nghiên cứu của Euromonitor cho thấy, thị trường chuỗi F&B tại Việt Nam có quy mô khoảng 1,3 tỷ USD/năm.
Song, tỷ lệ thâm nhập của các thương hiệu ngoại mới chỉ đạt mức 5% do văn hoá ăn uống của người Việt đa phần ưa thích các cửa hàng nhỏ lẻ, ven đường. Chi tiêu cho thức uống phục vụ tại cửa hàng lớn, mặt bằng rộng và chi phí cao vẫn còn ở mức khá thấp so với những nước Đông Á khác.
Hiện tại, trên thị trường Việt có 4 trên 5 tên tuổi có thị phần lớn hàng đầu đều là thương hiệu xuất phát từ nội địa, gồm:Highlands,The Coffee House, Trung Nguyên, Phúc Long vàStarbucks.
Dù Starbucks là một thương hiệu nổi tiếng toàn cầu, sở hữu hơn 30.000 cửa hàng trên toàn thế giới nhưng khi bước chân vào Việt Nam năm 2013, chuỗi cà phê nổi tiếng này cũng chỉ khiêm tốn bước chậm từng bước trong "trận địa quán cà phê" tại Việt Nam.
Theo số liệu từ Statista, tính đến tháng cuối năm 2022, Starbucks đang có tổng cộng 82 cửa hàng tại Việt Nam. Đây là con số khiêm tốn nếu so sánh với những đơn vị khác như The Coffee House (154 cửa hàng), Trung Nguyên (95 cửa hàng) hay Highlands (573 cửa hàng).
Sức hút vẫn còn
Dù thị trường cà phê Việt có sự cạnh tranh khắc nghiệt nhưng vẫn thu hút các thương hiệu ngoại. Năm 2020, chuỗi cà phê hàng đầu Thái Lan - Café Amazon chính thức mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam tại siêu thị GO! Bến Tre.
Đến nay, chuỗi này đã mở rộng tới 16 cửa hàng ở khu vực TP HCM và thêm ba cửa hàng tại các siêu thị GO! và BigC ở Trà Vinh, Mỹ Tho, Đồng Nai. Chuỗi cà phê có quy mô lớn nhất Đông Nam Á cũng chọn bước tiến chậm chắc, tiến hành thăm dò thị trường và không vội vàng mở rộng quy mô tại Việt Nam.
Hồi đầu năm nay, %Arabica - một chuỗi cà phê nổi tiếng của Nhật Bản đã chính thức mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam. Sau hai năm thai nghén, cửa hàng đầu tiên của chuỗi này đặt tại Chung cư cà phê 42 Nguyễn Huệ tại TP HCM.
% Arabica có kế hoạch khai trương cửa hàng thứ hai ở Việt Nam tại trung tâm mua sắm Diamond Plaza (Quận 1, TP HCM). Ngoài ra, chuỗi cà phê Nhật Bản cũng đang khám phá tiềm năng mở rộng tại Hà Nội, Hội An và Phú Quốc.
Cửa hàng tại chung cư 42 Nguyễn Huệ sẽ là cửa hàng thứ 142 của tập đoàn cà phê Nhật Bản trên toàn cầu với Việt Nam là thị trường thứ 20. Bên cạnh Việt Nam, %Arabica dự kiến sẽ mở thêm cửa hàng mới tại các thị trường gồm Philippines, Tây Ban Nha, Mexico, Hungary, Jordan, Ai Cập. %Arabica là chuỗi cà phê nổi tiếng tại Kyoto, Nhật Bản.