|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Khả năng bùng phát chiến tranh Mỹ - Iran: Đáp án nằm ở sức mạnh kinh tế

17:47 | 09/01/2020
Chia sẻ
Mặc dù tiềm lực quân sự của Iran đã được thế giới công nhận, khả năng Iran phát động một cuộc chiến tranh qui mô với Mỹ là không cao nếu xét trên các yếu tố kinh tế, đặc biệt là khi nước này phải chịu cấm vận trong suốt nhiều năm vì theo đuổi vũ khí hạt nhân.

Sau khi Tổng thống Trump ra lệnh không kích hạ sát tướng Qasem Soleimani hôm 3/1, Iran đã phóng hàng chục tên lửa đạn đạo vào hai căn cứ quân sự có quân Mỹ tại Iraq đêm 7/1 để trả đũa.

Căng thẳng leo thang khiến một số nhà đầu tư đặt câu hỏi liệu tình hình có dẫn đến chiến tranh hay không.

Quan chức hai nước đều cho biết họ không tìm kiếm một cuộc chiến toàn diện. Nhiều chuyên gia địa chính trị nhận định Iran đuối sức hơn nhiều so với Mỹ nếu chiến tranh nổ ra. Nguyên nhân một phần nằm ở việc nền kinh tế của Iran đã suy yếu sau nhiều năm gánh chịu lệnh trừng phạt do theo đuổi vũ khí hạt nhân.

Dữ liệu cập nhật về nền kinh tế Iran là không có sẵn. Tuy nhiên, CNBC đã tổng hợp 6 biểu đồ có thể làm sáng tỏ tình trạng của nền kinh tế nước này hiện nay.

Kinh tế suy thoái vì cấm vận

Các lệnh trừng phạt quốc tế nhằm kiềm chế tham vọng theo đuổi chương trình hạt nhân của Iran trong nhiều năm đã làm tê liệt nền kinh tế của đất nước Trung Đông này.

Khả năng bùng phát chiến tranh Mỹ - Iran: Đáp án nằm ở yếu tố kinh tế - Ảnh 1.

Ảnh: CNBC/Quĩ Tiền tệ Quốc tế, một số nguồn khác

Năm 2015, chính quyền Tehran được nới lỏng một số biện pháp trừng phạt khi họ đồng ý kí thỏa thuận hạn chế nghiên cứu hạt nhân cùng 6 cường quốc khác.

Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump đã khôi phục lại hệ thống lệnh trừng phạt của Washington đối với Iran vào năm 2018, từ đó đẩy nền kinh tế Iran vào tình trạng kiệt quệ một lần nữa.

"Xương sống" dầu mỏ của nền kinh tế Iran cũng lao đao

Theo World Bank (WB), Iran là nước sở hữu kho dự trữ dầu thô lớn thứ 4 thế giới. Phần lớn tăng trưởng kinh tế và nguồn thu quốc gia của Iran phụ thuộc vào hoạt động xuất khẩu dầu thô.

Khả năng bùng phát chiến tranh Mỹ - Iran: Đáp án nằm ở yếu tố kinh tế - Ảnh 2.

Ảnh: CNBC/Quĩ Tiền tệ Quốc tế

Tuy nhiên, lệnh hạn chế buôn bán dầu thô từ Iran lại là một trong các biện pháp trừng phạt mà ông Trump khôi phục hai năm trước. Đây là một trong các lí do chính cho thấy tại sao các cơ quan, bao gồm Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF), dự đoán sản lượng và xuất khẩu dầu thô của Iran đều sẽ giảm.

Thương mại thu hẹp

Xuất khẩu dầu thô sụt giảm và nhiều biện pháp cấm vận quốc tế áp lên các lĩnh vực khác như ngân hàng, khai khoáng và hàng hải đã khiến tổng giá trị giao dịch thương mại của Iran với thế giới bị thu hẹp.

IMF ước tính kim ngạch xuất khẩu của Iran có thể thấp hơn giá trị nhập khẩu trong hai năm 2019 và 2020.

Khả năng bùng phát chiến tranh Mỹ - Iran: Đáp án nằm ở yếu tố kinh tế - Ảnh 3.

Ảnh: CNBC/Quĩ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Trung ương Iran

Đồng nội tệ yếu, chi phí sinh hoạt tăng cao

Ngân hàng Trung ương Iran đã duy trì tỷ giá hối đoái chính thức ở mức ổn định là 42.000 rial đổi một USD.

Tuy nhiên, theo sàn giao dịch Bonbast.com, giá trị của đồng rial trên thị trường phi chính thức lại thấp hơn, thậm chí chỉ còn 140.000 rial đổi một USD trong tháng này do căng thẳng với Mỹ leo thang.

Khả năng bùng phát chiến tranh Mỹ - Iran: Đáp án nằm ở yếu tố kinh tế - Ảnh 4.

Ảnh: CNBC/Quĩ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Trung ương Iran

Đồng nội tệ yếu góp phần đẩy lạm phát ở Iran lên cao. WB cho biết lạm phát từng đạt đỉnh 52% vào tháng 5/2019. Điều đó làm gia tăng chi phí sinh hoạt ở Iran ngay tại thời điểm cơ hội việc làm trở nên khan hiếm.

Tỉ lệ thất nghiệp cao

Một hệ lụy chính của nền kinh tế trì trệ hoặc đang suy yếu là tỉ lệ thất nghiệp tăng, thực trạng vốn đang hiện diện tại Iran.

Khả năng bùng phát chiến tranh Mỹ - Iran: Đáp án nằm ở yếu tố kinh tế - Ảnh 5.

Ảnh: CNBC/Quĩ tiền tệ Quốc tế, Văn phòng Thống kê Quốc gia Iran

WB nhận định thiếu cơ hội việc làm có thể làm trầm trọng thêm tình trạng đói nghèo ở đất nước Trung Đông này. Thông qua tính toán tỉ lệ người dân có sức mua dưới 5,5 USD/ngày, WB lưu ý tỉ lệ đói nghèo ở Iran đã tăng từ 8,1% năm 2013 lên 11,6% năm 2016.

Thâm hụt ngân sách lớn dần

Nguồn lực tài chính để chính phủ Iran nâng đỡ nền kinh tế đất nước là khá hạn hẹp. Tình hình càng trở nên trầm trọng khi hoạt động kinh tế chung suy yếu và xuất khẩu dầu thô ra nước ngoài bị hạn chế do các lệnh cấm vận đối với Iran còn hiệu lực.

Khả năng bùng phát chiến tranh Mỹ - Iran: Đáp án nằm ở yếu tố kinh tế - Ảnh 6.

Ảnh: CNBC/Quĩ Tiền tệ Quốc tế, Bộ Tài chính Iran

Áp lực tài khóa như vậy sẽ hạn chế khả năng Iran tài trợ cho một cuộc chiến tranh. Tuy nhiên một số chuyên gia cho biết Tehran vẫn có thể tăng cường gây hấn với Mỹ bằng cách sử dụng các lực lượng đại diện trên khắp Trung Đông, từ Syria và Yemen đến Afghanistan.

Yên Khê