Cuộc đụng độ giữa Tổng thống Trump và Iran: Chuyện chưa kết thúc
Tuy hai bên có thể tuyên bố đã đạt được một số chiến thắng về mặt chiến lược và chính trị, cuộc đối đầu rủi ro bậc nhất giữa hai kẻ thù qua nhiều thập kỉ có lẽ đã chuyển sang một giai đoạn mới và nguy hiểm hơn.
Theo CNN, bản chất của cuộc xung đột cùng mối quan hệ ngoại giao sứt mẻ giữa Washington và Tehran chính là cơ sở cho nhận định trên.
Ở mặt tích cực, căng thẳng không vượt ngoài tầm kiểm soát. Ông Trump nhận định Iran đã "chùn bước" khi không gây thương vong nào cho công dân Mỹ trong cuộc tấn công bằng tên lửa vào hai căn cứ quân sự ở Iraq đêm 7/1.
Mặc dù có nhiều hi vọng rằng việc tránh được nguy cơ chiến tranh toàn diện sẽ tạo động lực để hai bên khởi động quá trình ngoại giao mới, nhiều khả năng họ sẽ quay về trạng thái thù địch đã tồn tại 40 năm qua.
Tình hình ở Iraq vẫn còn đang căng thẳng. Đêm 8/1, hai tên lửa Katyusha đã được phóng thẳng vào Vùng Xanh ở thủ đô Baghdad (Iraq) - khu vực có Đại sứ quán Mỹ.
Máy bay không người lái và tên lửa có thể đã được rút về, tuy nhiên sẽ thật ngây thơ khi cho rằng căng thẳng đã qua. Các sự kiện ở Trung Đông thường diễn ra trong nhiều tháng hoặc nhiều năm liền.
Đồng thời, lịch sử của Iran cho thấy họ sẽ không xem một cuộc tấn công bằng tên lửa ngắn ngủi là đủ để trả đũa cho hành động hạ sát một tướng cấp cao như ông Soleimani.
"Tôi nghĩ bất cứ ai nói với bạn rằng căng thẳng và kế hoạch trả đũa đã kết thúc, chúng ta có thể tiến hành đánh giá dựa trên tình hình hiện tại...là điều rất khó xảy ra. Chuyện này chưa xong đâu", bà Susan Hennessey, cựu luật sư của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ, nhận định.
Ông Trump thu được gì?
"Iran dường như đã chùn bước, đây là việc tốt cho các bên liên quan và cả thế giới", ông Trump phát biểu tại Nhà Trắng trưa hôm 8/1.
Nhóm vận động tranh cử của ông Trump, vốn đang nỗ lực cho cuộc bầu cử vào tháng 11, có thêm tài liệu để khai thác. Họ sẽ truyền thông cách ông dám thực hiện một bước đi mà những người tiền nhiệm từng e dè là quá kích động, tức xóa sổ tướng Soleimani.
Xét về tính chiến lược, ông Trump có thể đã thiết lập được một nguyên tắc quan trọng trong căng thẳng Mỹ - Iran trong tương lai.
Kế hoạch hạ sát tướng Soleimani, người điều khiển mạng lưới đồng minh quân sự của Iran tại Trung Đông, báo hiệu rằng Washington hiện đang xem lực lượng đại diện của chính quyền Tehran là cơ sở cho hành động quân sự của Mỹ. Theo CNN, đây là dấu mốc mới trong cuộc đụng độ.
"Lực lượng đại diện của Iran đã từng tấn công trực tiếp vào Đại sứ quán Mỹ, tức vùng đất có chủ quyền của Washington tại Iraq", ông David Urban, cố vấn chính trị cấp cao của ông Trump, cho hay.
"Khác với các đời tổng thống trước, ông Trump quả quyết: 'Không đời nào Washington cho phép Iran dùng các lực lượng đại diện tấn công Mỹ nữa'", ông Urban nói.
Nguyên tắc mới nêu trên có thể rất quan trọng nếu xét đến việc Iran từng sử dụng các nhóm liên kết để tấn công mục tiêu Mỹ trong quá khứ, chẳng hạn như cuộc tấn công vào doanh trại lính thủy đánh bộ của Mỹ ở Lebanon năm 1983.
Tuy nhiên, nguyên tắc này cũng có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột mới giữa hai bên trong tương lai.
Iran cũng bỏ túi nhiều thành quả
Iran cũng đã gửi thông điệp đến chính quyền Tổng thống Trump khi họ phóng tên lửa đạn đạo vào căn cứ quân sự có binh lính Mỹ đồn trú tại Iraq, vượt qua lằn ranh mới trong cuộc đụng độ với ông Trump.
Động thái này buộc các đồng minh của Mỹ tại Trung Đông lưu tâm rằng tên lửa của Iran có thể tấn công nhiều mục tiêu như căn cứ quân sự, sân bay hay thành phố dân sự và lần tới, tên lửa sẽ không được lập trình để nhắm chệch mục tiêu.
Tehran còn khéo léo dàn dựng lễ tang của tướng Soleimani để tăng cường ấn tượng về sự đoàn kết trong nước. Trong khi đó, lời đe dọa tấn công các mục tiêu văn hóa của Iran từ phía ông Trump đã giúp củng cố quan niệm rằng Iran phải đối mặt với mối đe dọa sống còn từ chính phủ Mỹ.
Tuy nhiên, xu hướng leo thang trong những ngày gần đây cho thấy Iran và Mỹ không thể chỉ rút lui về căn cứ của họ và ngồi đếm chiến thắng.
Bài phát biểu của ông Trump tại Nhà Trắng hôm 8/1 báo hiệu rằng biện pháp quân sự có thể không được tiến hành ngay lập tức nhưng ông vẫn khẳng định sẽ thắt chặt cấm vận kinh tế. Đúng như lời đe dọa, Bộ Tài chính Mỹ hôm 10/1 đã chính thức áp thêm biện pháp trừng phạt lên Iran.
Mặc dù ông Trump cho hay ông "sẵn sàng theo đuổi hòa bình với những ai tìm kiếm nó", ông lại không thể hiện bất kì dấu hiệu nào cho thấy mình đã nới lỏng điều kiện để đối thoại với Iran.
Điều đó có nghĩa là Iran không có cách nào để tháo lỏng sợi dây trói mà chiến dịch "gây áp lực tối đa" của ông Trump áp lên, ngoại trừ sử dụng các lực lượng đại diện tấn công vào tàu chở dầu, mỏ dầu và nghiêm trọng hơn là mục tiêu Mỹ tại Trung Đông.
Căng thẳng có thể đột ngột bùng nổ trở lại
Mặc dù ông Trump tuyên bố Mỹ đã an toàn hơn nhiều sau cái chết của tướng Soleimani, Mỹ dường như bước ra khỏi cuộc đụng độ trong một vị thế địa chính trị tồi tệ hơn.
Về phần Iran, chính quyền Tehran đã thoát khỏi những ràng buộc cuối cùng trong thỏa thuận hạt nhân kí thời ông Obama, làm dấy lên lo ngại về một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân trong vài tháng tới.
Sau khi hạ sát tướng Soleimani trên lãnh thổ Iraq - một sự xâm phạm đến chủ quyền nước này, Mỹ đang phải đối mặt với nguy cơ bị buộc phải rời khỏi Iraq.
Nếu quân đội Mỹ thực sự phải rời khỏi Iraq, điều đó sẽ trao tay cho Iran một chiến thắng mới, theo nhận định của CNN.