|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Sự kiện thị trường ngoại hối tuần 13/1 - 17/1: Mỹ - Trung kí thỏa thuận, quan chức Fed phát biểu cùng loạt dữ liệu nóng hổi

07:00 | 13/01/2020
Chia sẻ
Tiêu điểm chú ý của thị trường ngoại hối tuần này là lễ kí kết thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, bài phát biểu của quan chức Fed, căng thẳng Mỹ - Iran và nhiều dữ liệu kinh tế quan trọng cũng là điểm nhấn đáng chú ý khác.

Trong tuần này, Mỹ và Trung Quốc dự kiến sẽ đặt bút kí thỏa thuận thương mại giai đoạn một mà thị trường chờ đợi từ lâu.

Bên cạnh đó, loạt dữ liệu kinh tế từ các "trụ cột" quan trọng trong tăng trưởng toàn cầu như Trung Quốc và Đức, cùng bài phát biểu của quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng góp phần khiến tuần giao dịch trước thềm Tết Nguyên đán sôi động hơn.

Đồng thời, nhà đầu tư cũng khó bỏ qua cuộc đụng độ Mỹ - Iran khi mà căng thẳng chưa có dấu hiệu lắng xuống.

1. Mỹ - Trung kí thỏa thuận thương mại

Trong ba ngày 13 - 15/1, Phó Thủ tướng Lưu Hạc sẽ dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc đến Washington để đặt bút kí thỏa thuận giai đoạn một nhằm xoa dịu cuộc chiến thương mại đã kéo dài hơn 18 tháng giữa hai bên.

Theo các điều khoản của thỏa thuận sơ bộ, Trung Quốc cam kết tăng nhập khẩu nông sản Mỹ để đổi lấy việc Washington hoãn áp thuế trừng phạt bổ sung hồi tháng 12.

Sự kiện thị trường ngoại hối tuần 13/1 - 17/1: Mỹ - Trung kí thỏa thuận, quan chức Fed phát biểu cùng loạt dữ liệu nóng hổi - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: CNBC

Tuy nhiên, hiện chưa có thời hạn nào được đặt ra để bắt đầu quá trình đàm phán cho thỏa thuận giai đoạn hai cũng như chưa có căn cứ nào có thể đảm bảo hai bên tuân thủ cam kết trong thỏa thuận sắp kí kết.

Ảnh hưởng của cuộc thương chiến đối với nền kinh tế Trung Quốc có thể xuất hiện trong loạt dữ liệu được công bố trong tuần này. Số liệu thương mại dự kiến phát hành hôm 14/1 có thể cho thấy cả kim ngạch xuất và nhập khẩu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đều tăng.

Ngoài ra, dữ liệu GDP tháng 12 của Trung Quốc (dự kiến công bố hôm 17/1) được dự báo sẽ đạt mức 6%.

2. Quan chức Fed phát biểu, Mỹ công bố nhiều dữ liệu kinh tế

Nhà đầu tư sẽ có cơ hội lắng nghe quan điểm từ một số quan chức Fed sau kì nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới.

Chủ tịch Fed khu vực Boston Eric Rosengren và Chủ tịch Fed khu vực Atlanta Raphael Bostic sẽ cùng nhau thảo luận về triển vọng kinh tế Mỹ trong một cuộc họp hôm 13/1.

Chủ tịch Fed khu vực Kansas City Esther George dự kiến đưa ra bình luận hôm 14/1, trong khi Chủ tịch Fed khu vực Philadelphia Patrick Harker và Chủ tịch Fed khu vực Dallas Robert Kaplan sẽ xuất hiện hôm 15/1.

Cũng trong tuần này, chính phủ Mỹ sẽ công bố số liệu lạm phát và doanh số bán lẻ trong mùa nghỉ lễ. Nhà đầu tư sẽ tích cực quan sát hai chỉ số kinh tế này để biết thêm thông tin về sức khỏe của kinh tế Mỹ.

3. Tuần lễ bận rộn đối với nước Anh

Reuters nhận định đây sẽ là một tuần bận rộn trên lịch kinh tế của Anh khi mà nước này dự kiến sẽ công bố nhiều dữ liệu mới như tăng trưởng GDP quí IV, thương mại, sản lượng công nghiệp, doanh số bán lẻ và lạm phát.

Các dữ liệu trên sẽ được theo dõi sát sao sau khi Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Mark Carney tuần trước hứa hẹn về "một phản ứng tương đối kịp thời" nếu kinh tế tiếp tục suy yếu.

Anh dự kiến sẽ rời Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 31/1 và còn 11 tháng sau đó để đàm phán thỏa thuận chuyển tiếp với Ủy ban châu Âu (EC), tuy nhiên bất ổn là cụm từ thường xuyên được nhắc đến trong cuộc "li hôn" giữa Anh và EU.

4. Đức công bố GDP

Sau một năm chứng kiến nền kinh tế nội địa đi xuống về ngành chế tạo suy yếu, Đức sẽ công bố số liệu tăng trưởng GDP năm 2019 vào hôm 15/1.

Các chuyên gia dự đóa tăng trưởng kinh tế năm 2019 của Đức sẽ chỉ tăng 0,6% so với năm trước, tức tốc độ tăng trưởng chậm nhất của nước này kể từ năm 2013.

Vào ngày 16/1, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ công bố phiên bản cuộc họp chính sách tháng 12. Đây là phiên họp đầu tiên do tân Chủ tịch Christine Lagarde chủ trì.

Yên Khê

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.