Kẻ khóc người cười với bài toán chuyển bớt trứng khỏi cái giỏ Trung Quốc
Đối với mọi công ty quốc tế có hoạt động sản xuất tại Trung Quốc, dịch virus corona (COVID-19) thổi bùng lên cuộc tranh luận về tính đúng đắn của chiến lược tập trung mọi hoạt động sản xuất vào một quốc gia.
Theo South China Morning Post (SCMP), trước khi dịch COVID-19 bùng phát, các công ty nước ngoài đã phải đối phó với chi phí lương ngày càng gia tăng, cách quản lí phiền nhiễu của chính phủ Trung Quốc, cùng với các động thái "ăn miếng trả miếng" trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.
Giờ đây, dịch COVID-19 đã giáng đòn mạnh xuống nền kinh tế thứ hai thế giới và làm đảo lộn chuỗi cung ứng toàn cầu. Với một số công ty, đây chính là giọt nước làm tràn li.
Ông Ken Jarrett, một cựu quan chức ngoại giao Mỹ, hiện là chuyên gia cố vấn cho các công ty nước ngoài về chiến lược kinh doanh tại Trung Quốc, cho biết: "Tôi cho rằng đối với hầu hết các công ty đa quốc gia, dịch COVID-19 đã làm lung lay nhận định của họ rằng Trung Quốc là vùng đất lí tưởng".
Giám đốc một công ty sản xuất lớn nói rằng dịch COVID-19 giống như "một lời nhắc nhở", củng cố thêm cho quyết tâm rời bỏ Trung Quốc của họ.
Công ty này đang trong quá trình chuyển dần hoạt động từ Trung Quốc tới Ấn Độ trong suốt hai năm qua. Tuy nhiên, một số thành viên trong công ty cho rằng nên đảo ngược lại quyết định cũ sau khi Mỹ-Trung kí thỏa thuận thương mại giai đoạn một, với nhận định rằng căng thẳng giữa hai cường quốc này đã giảm bớt.
Vị giám đốc nói: "Dịch COVID-19 đã xác nhận lại thực tế là chúng tôi đã quá phụ thuộc vào một đất nước, và rằng việc rời khỏi Trung Quốc là đúng đắn".
Ông Kyle Sullivan, cố vấn cấp cao về hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc tại Crumpton Group nói: "Một hệ quả thú vị từ dịch COVID-19 là nó đã phân loại kẻ thắng và người thua. Những công ty mà đã trong giai đoạn phân tán chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc giờ đơn giản là chỉ cần tiếp tục những kế hoạch đó."
"Ngược lại, những công ty không áp dụng các chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng kể từ đỉnh điểm của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung giờ đang phải hối tiếc quyết định của mình".
Liệu việc chia tay với Trung Quốc có dễ dàng?
Theo SCMP, ông Isaac Larian, CEO của MGA Entertainment của Mỹ, nói rằng việc sản xuất của công ty sản xuất đồ chơi này giờ đây hoàn toàn phụ thuộc vào biến động tại Trung Quốc.
Vị CEO này lo lắng về tác động của dịch bệnh đến các mùa mua sắm cao điểm, ví dụ như tháng 8, khi học sinh Mỹ và châu Âu chưa quay lại trường; và thậm chí là cả Giáng Sinh.
Ông Larian nói: "Trong suốt 4 thập kỉ làm ăn với Trung Quốc, dịch COVID-19 là điều tệ nhất từng xảy ra. Mọi người chưa nhận ra rằng dịch bệnh này sẽ trở thành vật cản lớn với hàng hóa tiêu dùng".
85% sản phẩm của MGA, và 99% món đồ chơi bán chạy nhất của công ty này vẫn đang được sản xuất tại Trung Quốc.
CEO của MGA cho biết ông không thể tìm được nguồn nhân công có chi phí phải chăng cho nhà máy của công ty tại bang Ohio của Mỹ. Trong khi đó, các địa điểm khác ở Ấn Độ và Việt Nam không có đủ lực lượng lao động và cơ sở hạ tầng để thay thế Trung Quốc.
Ông nói: "Tôi cho rằng không có cách nào để rời bỏ Trung Quốc trong vòng 10 năm nữa". Ý kiến của ông Larian không phải là không có cơ sở.
Trung Quốc có 1,4 tỉ dân; mạng lưới logistics đẳng cấp thế giới, và kinh nghiệm sản xuất hàng thập kỉ mà không trung tâm công nghiệp nào có thể bì được.
Rất nhiều công ty thấy rằng việc chuyển đi là rất khó, hoặc hoàn toàn không khả thi. Qui mô khổng lồ của Trung Quốc đồng nghĩa với việc hầu hết các công ty lớn sẽ cần phải giữ một vài hoạt động sản xuất ở nước này, dù có giảm bớt sự phụ thuộc tổng thể.
Rất nhiều công ty đã chuyển một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất tới những địa điểm mới đã phải "mở to mắt" trước những thiếu sót của chúng. Các cơ sở sản xuất ở địa điểm mới không hoạt động trơn tru, hiệu quả hoặc đáng tin cậy như ở Trung Quốc.
Nhưng địa điểm mới sẽ mang đến chi phí thấp hơn, và các công ty hi vọng chúng sẽ ít rủi ro hơn Trung Quốc.
Ông Kent Kedl, đối tác tại công ty tư vấn Control Risks khu vực Đại Trung hoa và Bắc Á cho biết:
"Các doanh nghiệp đã hài lòng với Trung Quốc. Trong suốt 30 năm qua, Trung Quốc đã rất thành công và trở thành công xưởng của thế giới. Dù việc làm ăn tại nước này không dễ dàng gì, nhưng mọi việc đã tiến triển tốt; và các công ty đã trở nên chủ quan. Họ kiếm được lợi nhuận béo bở và hạnh phúc vì điều đó."
Nhưng giờ đây, khi dịch COVID-19 trở thành chướng ngại vật khổng lồ, các tên tuổi lớn như Microsoft và Google đang dịch chuyển sản xuất ra những quốc gia khác, chủ yếu là Việt Nam và Thái Lan.
Phòng họp của các công ty quốc tế trên khắp thế giới giờ đã biến thành "phòng chiến tranh". Những quản lí cấp cao phải cố gắng đo lường rủi ro tiềm tàng của công ty tại Trung Quốc, và tìm cách giảm thiểu mối nguy hại.
Lựa chọn địa điểm mới
Theo số liệu của công ty dữ liệu hàng hải Ocean Audit, lưu lượng container vận chuyển hàng ngày cập bến cảng của Mỹ từ Trung Quốc trong ngày 26/2 là 2.784, chưa bằng 1/10 con số 32.550 ghi nhận hôm 4/2.
Ông Will Marshall, một luật sư thương mại của công ty Tiang and Partners ở Hong Kong cho biết dịch COVID-19 đã khiến hai công ty nội thất châu Âu (là khách hàng của ông) rời bỏ các địa điểm sản xuất và đối tác ở Trung Quốc để tìm đối tác mới ở Đông Âu.
"Đây không phải là vấn đề về chiến tranh thương mại. Các công ty quốc tế coi những gián đoạn ngắn hạn là cơ hội để bù đắp bớt cho chi phí vốn ban đầu. Và về lâu dài, khách hàng châu Âu sẽ ưa chuộng sản phẩm của công ty này hơn, vì chúng có nguồn gốc châu Âu".
"Chiến tranh thương mại, thỏa thuận giai đoạn một hay dịch COVID-19 không tạo ra trào lưu rời bỏ Trung Quốc của các doanh nghiệp. Những sự kiện này đơn giản là xóa bỏ sự nghi ngờ và thúc đẩy các công ty lựa chọn những bước đi táo bạo hơn".
Một khảo sát gần đây của Phòng thương mại Mỹ ở Trung Quốc chỉ ra rằng chỉ có 2% số công ty được hỏi trả lời rằng việc họ "cân nhắc rút lui khỏi thị trường Trung Quốc" là kết quả trực tiếp từ dịch COVID-19. Chỉ có 4% công ty trả lời "đang cân nhắc dịch chuyển một số hoặc tất cả hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc".
Đối với ông Stanley Szeto, giám đốc điều hành của hãng thời trang cao cấp Lever Style của Hong Kong, xu hướng này đã diễn ra trong vài năm.
Ông nói: "Chúng tôi đã nhanh chóng chuyển việc sản xuất từ Trung Quốc đến Việt Nam và các nước Đông Nam Á trong hai năm gần đây. Đầu tiên, chi phí tại Trung Quốc đang tăng lên. Sau đó, khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung nổ ra, những khách hàng Mỹ lại yêu cầu chúng tôi ngừng sản xuất ở Trung Quốc.
Dịch COVID-19 chỉ là đang đẩy nhanh xu hướng trên. Vài năm trước, Trung Quốc chiếm tỉ trọng lớn nhất trong hoạt động sản xuất của chúng tôi. Giờ đây, sản lượng của Lever Style tại Việt Nam chiếm hơn 50%. Trung Quốc chỉ còn đứng thứ hai".
Nhiều doanh nghiệp khác không có được sự lựa chọn như vậy, ví dụ như công ty Andritz China.
Công ty này có nguy cơ không thể sản xuất trong nhiều tháng do chính sách phong tỏa của chính quyền Trung Quốc. Tuy vậy, theo chủ tịch Thomas Schimitz, Andritz không hề có ý định di chuyển các nhà máy. Lí do là vì phần lớn sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc đều được tiêu thụ tại thị trường nơi đây.
Bắc Kinh đang rất nỗ lực để bù đắp cho những lợi thế kinh tế đã mất. Các nhà quan sát Trung Quốc dày dạn kinh nghiệm cho rằng chính phủ nước này sẽ cố gắng liên lạc và thuyết phục các công ty nước ngoài ở lại.
Ông Jarrett từ Albright Stonebridge Group nói: "Các chính quyền địa phương có thể sẽ cung cấp nhiều hỗ trợ cho các công ty nước ngoài, giống như những gì họ đã từng làm khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung lên đến đỉnh điểm".
Nhưng hiện nay, những sản phẩm gắn mác "made in China" biến mất khỏi các kệ hàng, người tiêu dùng và các cổ đông bắt đầu yêu cầu những công ty này đưa ra lí do chính đáng. Tình trạng này sẽ càng tăng thêm áp lực đòi hỏi các công ty quốc tế rời khỏi Trung Quốc.
Ông Jarret nói: "Có thể sẽ có thêm nhiều công ty tự hỏi: Liệu dịch COVID-19 có phải là ngày tàn của Trung Quốc trong vai trò trung tâm sản xuất toàn cầu hay không?"