Kantar Worldpanel: Vinamilk, Masan và Unilever tiếp tục là ba thương hiệu tiêu dùng nhanh được mua nhiều nhất tại Việt Nam
Kantar Worldpanel Việt Nam gần đây đã công bố báo cáo Brand Footprint 2023, công bố bảng xếp hạng các thương hiệu FMCG (hàng tiêu dùng nhanh) được lựa chọn nhiều nhất tại Việt Nam.
Báo cáo Brand Footprint Việt Nam, sử dụng dữ liệu mua hàng theo hộ gia đình của Worldpanel, đã chỉ ra 10 thương hiệu FMCG hàng đầu trong 5 lĩnh vực, bao gồm: Sức khỏe và sắc đẹp, chăm sóc gia đình, thực phẩm, đồ uống, sữa và sản phẩm thay thế sữa.
Báo cáo cũng chỉ ra 5 chủ thương hiệu hàng đầu được mua nhiều nhất bởi người tiêu dùng ở 4 thành phố lớn, bao gồm TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ, và khu vực nông thôn Việt Nam.
Bảng xếp hạng sử dụng chỉ số Điểm tiếp cận người tiêu dùng (CRP) để đánh giá mức độ thành công của thương hiệu. CRP, một thước đo độc quyền của Kantar, đo lường mức độ thâm nhập và tần suất mua sắm từng mặt hàng đối với các hộ gia đình.
Theo báo cáo, top 10 thương hiệu thực phẩm đóng gói được lựa chọn nhiều nhất tại 4 thành phố lớn của Việt Nam lần lượt là Hảo Hảo, Chin Su, Nam Ngư, Ajinomoto, Cholimex, Maggi, Biên Hòa, Simply, Hải Châu và Tường An.
Xét theo tỷ lệ thâm nhập thị trường, Ajinomoto là thương hiệu dẫn đầu với tỷ lệ thâm nhập thị trường lên tới 74,3%. Theo sau lần lượt là Hảo Hảo (73,6%) và Maggi (67,9%). Thương hiệu đứng cuối trong top 10 là Hải Châu có tỷ lệ thâm nhập thị trường đạt mức 29,4%.
Tại khu vực nông thôn, top 10 thương hiệu thực phẩm đóng gói được lựa chọn nhiều nhất lần lượt là Nam Ngư, 3 Miền, Chin Su, Hảo Hảo, Kokomi, Ajinomoto, Gấu đỏ, Simply, Tam Thái Tử và Oishi.
Nam Ngư là thương hiệu dẫn đầu nếu tính theo tỷ lệ thâm nhập thị trường khi đạt mức 78,6%, theo sau lần lượt là Chin Su (78,3%) và Ajinomoto (65,8%). Thương hiệu đứng cuối danh sách này là Oishi với tỷ lệ thâm nhập thị trường ở mức 30,4%.
Theo báo cáo Brand Footprint 2023 của Kantar Worldpanel, Chinsu đã tăng thêm 12 triệu lượt mua hàng. Trong khi đó, Cholimex và Maggi có những tiến bộ đáng kể ở khu vực 4 thành phố trọng điểm, còn Kokomi có sự tăng trưởng đáng chú ý ở nông thôn.
Cũng theo báo cáo của Kantar Worldpanel, Coca-Cola nổi lên như một thương hiệu nước giải khát được lựa chọn nhiều nhất ở cả 4 thành phố lớn lẫn khu vực nông thôn tại Việt Nam, đạt thành tích ấn tượng khi thu hút hơn 1 triệu hộ gia đình mua mới.
Mặt khác, bia Tiger đã giữ vững vị trí thứ hai trong số các nhãn hiệu đồ uống được lựa chọn nhiều nhất ở 4 thành phố lớn, trong khi một thương hiệu bia khác là Sài Gòn cũng đứng vị trí thứ hai lại khu vực nông thôn Việt Nam.
Một trong những điểm nổi bật trong bảng xếp hạng của Kantar Worldpanel phải kể tới thương hiệu nước tăng lực thuộc sở hữu của Suntory-PepsiCo là Sting. Thương hiệu này đã vươn lên đứng ở vị trí thứ ba trên bảng xếp hạng 10 thương hiệu đồ uống được chọn nhiều nhất tại 4 thành phố lớn, thu hút hơn 122.000 người mua hộ gia đình.
Ở khu vực nông thôn, Sting cũng tạo ra bước nhảy vọt với mức tăng trưởng CRP 31%. Một thương hiệu nước tăng lực khác là Red Bull cũng có bước tiến lớn trong năm nay, qua đó lọt vào top 5 thương hiệu đồ uống được chọn nhiều nhất ở nông thôn, tăng một bậc so với năm trước.
Hai thương hiệu cà phê được người tiêu dùng Việt Nam yêu thích là G7 và Nescafé lần lượt đứng ở vị trí thứ 4 và thứ 5 trên bảng xếp hạng 10 thương hiệu đồ uống được lựa chọn nhiều nhất ở khu vực thành thị.
Vinamilk vẫn là công ty dẫn đầu trong lĩnh vực sữa và các sản phẩm thay thế bơ sữa, được hơn 155 triệu người tiêu dùng Việt Nam mua. Trong khi đó, TH True gây ấn tượng khi thu hút nhiều người mua hàng hơn trong năm qua. Yakult và LiF-Kun là hai thương hiệu sữa khác đạt mức tăng trưởng CRP hai chữ số ở khu vực thành thị, cùng với TH True.
Sữa đặc có đường vẫn là sản phẩm không thể thiếu trong nhiều gia đình Việt, bất kể vị trí địa lý, khi cả hai thương hiệu thuộc sở hữu của Vinamilk là Ngôi Sao Phương Nam và Ông Thọ đều lọt vào top 5 thương hiệu sữa và thực phẩm thay thế sữa được lựa chọn nhiều nhất năm thứ ba liên tiếp.
Báo cáo của Kantar Worldpanel cũng liệt kê 5 thương hiệu được lựa chọn nhiều nhất ở cả khu vực thành thị và nông thôn. Theo đó, Vinamilk và Masan đã duy trì vị trí dẫn đầu ở khu vực thành thị và nông thôn trong năm nay.
Trong khi đó, Unilever tiếp tục thống trị mặt trận các sản phẩm chăm sóc gia đình và chăm sóc cá nhân, đứng ở vị trí thứ hai trên bảng xếp hạng cả ở khu vực thành thị lẫn khu vực nông thôn.
Kantar Worldpanel nhận định rằng trong bối cảnh mức độ cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt, để giành được sự ưu tiên của người tiêu dùng, các thương hiệu phải tận dụng các động lực tăng trưởng như tăng cường sự hiện diện, mở rộng danh mục sản phẩm, đổi mới liên tục và tạo ra nhiều “khoảnh khắc có ý nghĩa” với người tiêu dùng.