|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Bánh kẹo Hữu Nghị giảm 69% lợi nhuận trong nửa đầu năm

10:03 | 17/08/2023
Chia sẻ
Thực phẩm Hữu Nghị nhận định 2023 sẽ là năm chịu tác động sâu sắc bởi dịch bệnh và giá cả leo thang do tình hình chính trị thế giới tác động. Nửa đầu năm, công ty lãi 8,5 tỷ đồng.

 Các sản phẩm của Thực phẩm Hữu Nghị. (Ảnh: Thực phẩm Hữu Nghị).

Theo báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm 2023 do Công ty TNHH Kiểm toán An Việt thực hiện, CTCP Thực phẩm Hữu Nghị (Mã: HNF) báo lãi sau thuế 8,5 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm, giảm 69% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguyên nhân là trong kỳ, doanh thu giảm 7% về 688 tỷ đồng nhưng giá vốn hàng bán chỉ giảm 4% so với 6 tháng năm 2022. Các chi phí hoạt động và chi phí lãi vay lên tới gần 150 tỷ đồng, đã ăn mòn phần lợi nhuận gộp (151 tỷ đồng).

Theo tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên, Thực phẩm Hữu Nghị nhận định năm 2023 sẽ là năm chịu tác động sâu sắc bởi dịch bệnh và giá cả leo thang do tình hình chính trị thế giới tác động. Chính vì vậy, công ty cho biết bên cạnh việc triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh, truyền thông, phát triển thương hiệu sẽ tập trung vào công tác quản trị nhân sự, đầu tư công nghệ thông tin,...

Song song với đó, Thực phẩm Hữu Nghị cũng lên kế hoạc đề xuất đầu tư tài chính cho hoạt động marketing nhằm nâng cao hình ảnh sản phẩm, tạo sức cạnh tranh trong thị trường.

 Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính đã kiểm toán của Thực phẩm Hữu Nghị.

Năm ngoái, Thực phẩm Hữu Nghị ghi nhận doanh thu thuần tăng 22% lên 1.954 tỷ đồng, mức kỷ lục trong lịch sử hoạt động đồng thời là năm thứ 10 liên tiếp doanh nghiệp duy trì mức doanh thu trên nghìn tỷ (kể từ năm 2013). Lãi ròng đạt 118 tỷ đồng, gấp 2,3 lần năm 2021 và cao nhất kể từ khi cổ phần hóa.

Phía công ty cho biết, có được kết quả tích cực trong năm 2022 là nhờ ghi nhận được doanh thu tốt so với các năm trước. Đồng thời nhờ cơ cấu tổ chức và chuẩn hóa quy trình quản lý tối ưu tiết kiệm chi phí nên lợi nhuận đạt mức tăng trưởng cao. 

Tại cuối tháng 6/2023, tổng tài sản của doanh nghiệp bánh kẹo này là 1.751 tỷ đồng, giảm 290 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, lượng tiền nhàn rỗi giảm 55% xuống 140 tỷ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn xấp xỉ 531 tỷ đồng, tăng 13%, chủ yếu là phải thu từ khách hàng.

Cuối kỳ, vốn chủ sở hữu của công ty đạt 516 tỷ đồng, giảm 22% so với thời điểm đầu năm. Nợ phải trả còn 1.235 tỷ đồng, gấp 2,39 lần vốn chủ sở hữu.

Theo giới thiệu, CTCP Thực phẩm Hữu Nghị tiền thân là Nhà máy bánh kẹo cao cấp Hữu Nghị, được thành lập và chính thức hoạt động vào ngày 8/12/1997. Đến năm 2006, sau 9 năm hoạt động, Nhà máy bánh kẹo cao cấp Hữu Nghị được cổ phần hóa và đổi tên thành CTCP Bánh kẹo cao cấp Hữu Nghị và chính thức đổi tên như hiện tại vào tháng 6/2009.

Thực phẩm Hữu Nghị hiện có hai chi nhánh, ba nhà máy tại Hà Nội, Hà Nam, Bình Dương và mạng lưới phân phối phát triển mạnh với hàng trăm nhà phân phối, hơn 140.000 cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc.

Sản phẩm của Hữu Nghị bao gồm nhiều loại bánh kẹo như bánh trứng Tipo, kem xốp Kexo, Bolero, bánh layer Salsa, Arita, kẹo Suri và Joli, bánh trung thu, bánh ngọt, mứt, các thực phẩm chế biến khác... 

Ngoài mảng bánh kẹo, Thực phẩm Hữu Nghị còn tham gia vào việc phân phối ngành nước chấm, gia vị bắt đàu tư năm 2016.

Tại ngày 30/6, cổ đông lớn nhất nắm chi phối tại công ty là CTCP DNA Holding từ tháng 8/2019 với tỷ lệ hiện tại là 51,37%, còn lại là các cổ đông cá nhân khác.

  Nguồn: Tổng hợp từ BCTC của công ty. 

 

Minh Hằng

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.