Thế Giới Di Động tăng thị phần nhờ chiến lược giá rẻ
Đầu năm nay, Thế Giới Di Động khơi mào cuộc chiến về giá trên thị trường bán lẻ công nghệ. Chiến lược “Giá rẻ quá” phủ sóng cả hai chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh. Tại buổi họp nhà đầu tư quý II mới đây, lãnh đạo Thế Giới Di Động cho biết nhờ chiến lược giá này công ty đã tăng thị phần và cải thiện biên lợi nhuận.
Cụ thể, theo ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO chuỗi Thế Giới Di Động, nói rằng từ đầu năm công ty đã nhận thức được thị trường khó khăn nên đã thực hiện chiến lược giá tốt nhằm đáp ứng nhu cầu tiết kiệm của khách hàng, thông qua đó dần thu hẹp giá bán so với thị trường, thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi,...
Kết quả, lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty đã phục hồi được 80% doanh thu so với cùng kỳ. “Tới thời điểm hiện tại, chúng tôi đã tăng được ít nhất 5% thị phần. iPhone là rõ ràng nhất khi Thế Giới Di Động tăng từ 25% thị phần lên 45%. Hiện, sản phẩm này đang chiếm 30% thị phần bán lẻ điện thoại của Thế Giới Di Động”, ông Hiểu Em nói.
CEO Thế Giới Di Động cho biết sẽ tiếp tục duy trì chiến lược về giá trong nửa cuối năm, tuy nhiên sẽ có điều chỉnh để phù hợp. Mục tiêu Thế Giới Di Động đề ra là tăng trưởng ít nhất thêm 10% thị phần.
Không chỉ iPhone, Thế Giới Di Động cũng muốn tận dụng chiến lược giá rẻ này nhằm tăng thị phần mảng smartphone android khác, cạnh tranh với các hệ thống nhỏ hơn.
Trong 6 tháng đầu năm, đơn vị này đã lần lượt bắt tay với các thương hiệu smartphone như Vivo, Realme, Xiaomi và Oppo để bán độc quyền một số dòng máy. Các sản phẩm Thế Giới Di Động mở bán độc quyền đều là những sản phẩm giá rẻ bán chạy.
Kết quả, tính đến ngày 29/6, đã có 43.000 chiếc Xiaomi Redmi Note 12S, 2.800 chiếc Oppo A98, 27.000 chiếc Realme C35 được bán độc quyền thông qua hệ thống cửa hàng Thế Giới Di Động.
Chia sẻ về chiến lược này, ông Phùng Ngọc Tuyên, Giám đốc ngành hàng Viễn thông di động của Thế Giới Di Động, cho biết hiện phân khúc nào thiếu thì hệ thống bán lẻ sẽ ký độc quyền với các hãng để đưa ra trên hệ thống chuỗi của mình, nhưng với điều kiện sản phẩm đó phải tốt.
Theo ông Tuyên, hiện trên thị trường, phân khúc trên 10 triệu là chưa có sản phẩm, ngoại trừ Apple. Người tiêu dùng đang thiếu trầm trọng các smartphone Android phân khúc từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng. Chính vì thế, sau khi ký độc quyền thành công với các hãng ở phân khúc giá rẻ, Thế Giới Di Động cũng sẽ ký độc quyền ở phân khúc tầm trung và cận cao cấp.
Trước đó, ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (mã: MWG) tuyên bố sẽ khiến các đối thủ không thể "kiếm ăn" trên khoảng cách về giá của chuỗi Thế Giới Di Động, đồng thời ông Tài khẳng định "tiếng rên xiết sẽ kéo dài chứ không chỉ diễn ra trong thời gian ngắn”.
Ông Tài cho biết tập đoàn bán lẻ có quy mô lớn nhất Việt Nam này sẽ quyết tâm lấy lại nhóm khách hàng quan tâm đến giá - điều mà Thế Giới Di Động chưa làm tốt trước đó.
Bên cạnh hiệu quả về thị phần, doanh thu kể trên, chiến lược giá rẻ của Thế Giới Di Động cũng khiến biên lợi nhuận của hãng mỏng đi. Trao đổi với người viết, Thế Giới Di Động thừa nhận thực tế này và cho biết: “Biên lợi nhuận sẽ ngắn lại nhưng số tuyệt đối sẽ tăng lên vì số lượng hàng bán được nhiều hơn”.
Trong buổi họp nhà đầu tư mới đây, ông Tài tiếp tục khẳng định rằng muốn tập trung vào lợi nhuận tuyệt đối chứ không phải biên lợi nhuận. “Cá nhân tôi thích bán nhiều, lời nhiều và thị phần tăng lên, hơn là câu chuyện bán ít đi và tỷ suất lợi nhuận tăng lên bởi vì cái đó dễ làm và không phải là hướng đi lâu dài”, ông Tài nói.
Thực tế ghi nhận, trong quý II biên lợi nhuận gộp của Thế Giới Di Động giảm từ 22,4% cùng kỳ năm ngoái xuống 18,5%. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Thế Giới Di Động đạt 56.570 tỷ đồng doanh thu thuần và 38,7 tỷ đồng lãi sau thuế, tương ứng với mức giảm 20% và 98,4% so với cùng kỳ năm trước.