|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Sau phân khúc giá rẻ, Thế Giới Di Động tiếp tục độc quyền bán smartphone tầm trung và cao cấp

21:09 | 01/08/2023
Chia sẻ
Thời gian qua, Thế Giới Di Động liên tiếp hợp tác với các hãng smartphone để mở bán độc quyền các dòng điện thoại riêng biệt.

Đầu năm nay, Thế Giới Di Động khơi mào cuộc chiến về giá trên thị trường bán lẻ công nghệ. Chiến lược “Giá rẻ quá” phủ sóng cả hai chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh. Với Điện Máy Xanh, công ty hợp tác với 20 nhà sản xuất trong lĩnh vực điện lạnh để đưa ra thị trường hơn 100.000 bộ máy lạnh giá rẻ chỉ bán riêng trong chuỗi này.

Riêng với chuỗi Thế Giới Di Động, đơn vị bán lẻ này đã lần lượt bắt tay với các thương hiệu smartphone như Vivo, Realme, Xiaomi và Oppo để bán độc quyền một số dòng máy. Các sản phẩm Thế Giới Di Động mở bán độc quyền đều là những sản phẩm giá rẻ bán chạy.

 

Do đó, chiến lược kinh doanh này được đánh giá là gây khó cho các hệ thống bán lẻ khác cùng ngành, khi không có sản phẩm để bán đồng thời không thể cạnh tranh về giá với Thế Giới Di Động.

 Bên ngoài cửa hàng Thế Giới Di Động tại Hà Nội. (Ảnh: Đức Huy).

Nói về chiến lược này, ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (mã: MWG) tuyên bố sẽ khiến các đối thủ không thể "kiếm ăn" trên khoảng cách về giá của chuỗi Thế Giới Di Động, đồng thời ông Tài khẳng định "tiếng rên xiết sẽ kéo dài chứ không chỉ diễn ra trong thời gian ngắn”.

Ông Tài cho biết tập đoàn bán lẻ có quy mô lớn nhất Việt Nam này sẽ quyết tâm lấy lại nhóm khách hàng quan tâm đến giá - điều mà Thế Giới Di Động chưa làm tốt trước đó. 

Mới đây nhất, trả lời tờ Vietnamnet, ông Phùng Ngọc Tuyên, Giám đốc ngành hàng Viễn thông di động của Thế Giới Di Động, cho biết hiện phân khúc nào thiếu thì hệ thống bán lẻ sẽ ký độc quyền với các hãng để đưa ra trên hệ thống chuỗi của mình, nhưng với điều kiện sản phẩm đó phải tốt.

Theo ông Tuyên, hiện trên thị trường, phân khúc trên 10 triệu là chưa có sản phẩm, ngoại trừ Apple. Người tiêu dùng đang thiếu trầm trọng các smartphone Android phân khúc từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng. Chính vì thế, sau khi ký độc quyền thành công với các hãng ở phân khúc giá rẻ, Thế Giới Di Động cũng sẽ ký độc quyền ở phân khúc tầm trung và cận cao cấp. 

Thực tế, các hãng cũng chấp nhận hợp tác độc quyền với Thế Giới Di Động khi đây là hệ thống bán lẻ công nghệ lớn nhất tại Việt Nam, đồng thời bối cảnh thị trường đang khó khăn. 

Cuối tháng 5, báo cáo của Counterpoint cho thấy thị trường smartphone Việt giảm mạnh nhất Đông Nam Á, với tỷ lệ 30%. "Tâm lý tiêu dùng chưa hồi phục hoàn toàn ở Việt Nam", nhà phân tích Glen Cardoza của Counterpoint cho biết.

Do đó, việc các hãng chấp nhận từ bỏ các hệ thống nhỏ để tập trung bắt tay với Thế Giới Di Động trong giai đoạn này là điều có thể hiểu được.

Phản ứng trước chiến lược giá “khắc nghiệt” của Thế Giới Di Động, Di Động Việt - một chuỗi bán điện thoại tập trung chủ yếu tại phía Nam phản pháo bằng sự kiện “Rẻ hơn các loại rẻ”. Ông Nguyễn Ngọc Đạt, CEO kiêm Founder chuỗi này cho biết: “Di Động Việt không đối đầu với cả ông lớn lẫn ông nhỏ. Chúng tôi chỉ cố gắng tồn tại theo cách của mình”.

Tương tự, ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện chuỗi CellphoneS, nhấn mạnh những cuộc chiến này về lâu dài không tốt cho thị trường.

“Lúc này cuộc cạnh tranh giá giữa các nhà lớn sẽ làm thu hẹp khoảng cách giá của các nhà lớn với các cửa hàng hay chuỗi nhỏ lẻ khác. Thị trường liên tục có sự sụt giảm về tổng và thị phần sẽ phân chia lại có sự dịch chuyển từ các cửa hàng nhỏ lẻ, chuỗi nhỏ hơn sang các nhà lớn.

Cuộc chiến về giá đang làm toàn bộ ngành bán lẻ tổn hại và người tiêu dùng không được hưởng một dịch vụ tốt nữa”, ông Huy nói.

Theo đuổi chiến lược giá rẻ đã khiến Thế Giới Di Động chứng kiến biên lãi gộp giảm mạnh trong kỳ. Quý II,biên lợi nhuận gộp của Thế Giới Di Động giảm từ 12,4% cùng kỳ năm ngoái xuống 18,5%. 

Kết thúc quý II, tập đoàn đạt 29.464 tỷ đồng doanh thu thuần và lãi sau thuế đạt 17,4 tỷ đồng, lần lượt giảm 14% và 98,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là quý có lợi nhuận thấp nhất của Thế Giới Di Động kể từ khi lên sàn. 

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Thế Giới Di Động đạt 56.570 tỷ đồng doanh thu thuần và 38,7 tỷ đồng lãi sau thuế, tương ứng với mức giảm 20% và 98,4% so với cùng kỳ năm trước.

Năm nay, công ty đặt mục tiêu đạt 135.000 tỷ đồng doanh thu và 4.200 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy, với kết quả trên, kết thúc nửa đầu năm, Thế Giới Di Động đã thực hiện được 42% kế hoạch doanh thu và chưa được 1% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

 


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Đức Huy

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.