|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Hé lộ kênh bán hàng giúp Thống Nhất bán chục nghìn xe đạp một năm, Thế Giới Di Động cũng không cạnh tranh được

11:54 | 18/07/2023
Chia sẻ
Ngoài kênh đại lý, Xe đạp Thống Nhất vẫn bán hàng chục nghìn chiếc một năm, chiếm 60% tổng doanh số thông qua phương thức này.

Được thành lập từ năm 1960, CTCP Thống Nhất Hà Nội (tiền thân là nhà máy Xe đạp Thống Nhất) là một đơn vị sản xuất, kinh doanh xe đạp lâu đời nhất tại Việt Nam. Khi nền kinh tế mở cửa hội nhập, với sự xâm chiếm của hàng loạt các thương hiệu xe đạp ngoại, thị phần Thống Nhất đã dần bị thu hẹp.

Đến năm 2021, Thống Nhất chỉ còn chiếm 10% thị phần xe đạp tại Việt Nam, và 90% còn lại nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài. Cũng từ năm 2021, việc bán lẻ xe đạp để giành thị phần của Thống Nhất càng trở nên khó khăn hơn nữa khi có sự nhập cuộc của các chuỗi bán xe đạp như Thế Giới Di Động, Vòng Xanh, FPTShop,… 

Nhen nhóm từ cuối năm 2020, đến đầu năm 2021 Thế Giới Di Động đã đưa vào thử nghiệm chuỗi bán lẻ xe đạp AVACycle. Chuỗi này hoạt động theo mô hình shop-in-shop, tức tích hợp với các cửa hàng Điện Máy Xanh bằng việc tận dụng mặt bằng dư thừa. Đến cuối năm đó, Thế Giới Di Động đã bán được 30.000 xe đạp thông qua 150 điểm bán. 

Thế Giới Di Động cho biết ngoài bán lẻ các thương hiệu đang có tại thị trường Việt Nam như Fornix, Giant, Royal baby, Martin 107, Asama,… công ty cũng trực tiếp nhập khẩu tại nguồn để tăng mẫu mã, chủng loại cũng như giảm giá sản phẩm đến tay khách hàng.

 Thế Giới Di Động mở chuỗi bán xe đạp. (Ảnh: MWG).

Thị trường bán lẻ xe đạp tại Việt Nam càng thêm sôi động khi đầu năm ngoái, CTCP Vòng Xanh - đơn vị chủ quản hai thương hiệu là xedap.vn và xedien.vn thông báo đã nhận vốn từ Excelsior Capital Asia. Giá trị khoản đầu tư không được tiết lộ.

Vòng Xanh được biết đến từ 2016 là nhà phân phối chính thức của Giant International - thương hiệu xe đạp thể thao lớn nhất thế giới. Công ty này đã có hệ thống 22 chuỗi cửa hàng tập trung ở các thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng.

CEO xedap.vn, ông Peter Nguyễn, cho hay theo ước lượng có khoảng 2,5 triệu chiếc xe đạp được tiêu thụ tại Việt Nam với giá trị thị trường ở mức 7.500 tỷ đồng. Với việc được rót vốn, Vòng Xanh dự kiến sẽ mở rộng quy mô lên 100 cửa hàng bán xe đạp trên toàn quốc.

Hay cuối quý I vừa qua, FPT Retail cho biết nhằm tận dụng mặt bằng, tăng doanh thu tại các chuỗi FPT Shop, công ty cũng sẽ bán thêm xe đạp, xe máy và phụ tùng với hơn 600 cửa hàng trên toàn quốc.

Trước sức ép từ các doanh nghiệp bán lẻ theo chuỗi, những năm qua, Xe đạp Thống Nhất cũng tăng nhanh số lượng đại lý của mình nhằm tăng độ phủ, cạnh tranh với các thương hiệu xe ngoại. 

Đơn cử, năm 2019, Thống Nhất có 350 đại lý và tăng lên 393 đại lý năm 2020 thì đến hiện tại, con số này đã là 467 đại lý trên toàn quốc - nhiều hơn bất kỳ chuỗi bán lẻ xe đạp nào đang hoạt động. 

 

Cập nhật: Trao đổi với chúng tôi, phía FPT Retail cho biết hiện tại kế hoạch bán xe đạp tại 600 cửa hàng chưa được triển khai. Công ty vẫn đang tập trung thử nghiệm bán các mặt hàng gia dụng.

Trong đó, các đại lý của Thống Nhất tập trung chủ yếu ở khu vực phía Bắc với 296 cửa hàng, còn lại 94 cửa hàng ở phía Nam và 77 cửa hàng tại khu vực miền Trung. Năm ngoái, để đầy mạnh việc bán hàng tại thị trường miền Nam, Xe đạp Thống Nhất đã bắt tay với các trung tâm thương mại AEON và Điện Máy Xanh để tăng hiện diện tại miền Đông và miền Tây.

Ngoài kênh bán hàng bằng đại lý, theo tìm hiểu của người viết, Xe đạp Thống Nhất còn có một kênh bán khác mang lại hiệu quả cao, trong khi các chuỗi bán lẻ khác như Thế Giới Di Động, Vòng Xanh,… không thể cạnh tranh được. Đó là bán xe đạp cho khách hàng dự án. 

Chẳng hạn, năm 2021, Thống Nhất cho biết sản lượng bán hàng tại các đại lý sụt giảm mạnh so với cùng kỳ. Nguyên nhân được cho là do các chính sách giãn cách, chống dịch nghiêm ngặt.

Tuy nhiên, công ty đã tìm kiếm và khai thác khách hàng dự án để bù đắp sản lượng bị ảnh hưởng. Kết quả, năm đó, Thống Nhất đã bán được 40.000 xe đạp cho Vinamilk, chiếm tới 60% tổng doanh số bán hàng cả năm. Điều này đã mang về hơn 100 tỷ đồng doanh thu thuần cho Thống Nhất, tăng 28% so với cùng kỳ.

Hay trước đó, Thống Nhất cũng đã bàn giao gần 2.000 xe đạp tuần tra cho Công an TP Hà Nội. Đây là những chiếc xe đạp chuyên dụng thuộc phân khúc xe địa hình của Thống Nhất. Năm ngoái, Thống Nhất đã bán được 103.000 xe đạp, đạt doanh thu 142 tỷ đồng và 14 tỷ đồng lãi sau thuế. Đây cũng là doanh số bán xe cao nhất Thống Nhất đạt được kể từ thời điểm cổ phần hoá.

Năm nay, ban lãnh đạo Thống Nhất đặt mục tiêu doanh thu 200 tỷ đồng, với doanh số 154.000 xe đạp bán ra, cho ra mắt 5 sản phẩm mới. 

Ngoài việc bán xe đạp, Thống Nhất còn kinh doanh phụ tùng kèm theo như mũ bảo hiểm, găng tay, túi treo khung, chắn bùn, bình nước,…. Đây là mảng kinh doanh có lợi nhuận tốt mà thế Giới Di Động từng kỳ vọng sẽ tạo thêm giá trị gia tăng cho mỗi chiếc xe đạp bán tại cửa hàng.

Đại diện CTCP Thống Nhất Hà Nội cho biết, tốc độ tăng trưởng trung bình của ngành kinh doanh xe đạp trong bốn năm trở lại đây là khoảng 50%/ năm. Dịch COVID-19 đã tạo ra nhu cầu của người tiêu dùng với loại “phương tiện xanh” này. Theo Thống Nhất, giá xe đạp tăng khoảng từ 10% đến 20%, song nhiều người vẫn sẵn sàng chi khoảng vài triệu cho đến chục triệu đồng để sở hữu một chiếc xe đạp. 

 

Đức Huy