|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Dấu hỏi trong bức tranh tài chính dự án xe đạp carbon của bà Lê Diệp Kiều Trang

14:41 | 08/07/2023
Chia sẻ
Tiến sĩ Vũ Thế Dũng đặt câu hỏi phải chăng Arevo chỉ sử dụng tiền huy động được từ cộng đồng chứ các nhà sáng lập hầu như không phải bỏ tiền hoặc nếu có thì cũng là con số rất nhỏ?

Theo bà Lê Diệp Kiều Trang, ngoài khoản vốn góp gần 7,2 triệu USD kêu gọi được trên Indiegogo, vợ chồng bà và các nhà đầu tư khác của Arevo đã góp thêm hơn 20 triệu USD cho dự án khởi nghiệp in 3D bằng sợi carbon. Sản phẩm đầu tiên của dự án này là chiếc xe đạp Superstrata. 

Tuy nhiên, đến nay, dự án đã thất bại. Theo bà Lê Diệp Kiều Trang, vợ chồng bà đã không còn điều hành Arevo kể từ đầu năm nay. Khi được hỏi dự án đã thất bại, vậy hơn 7 triệu USD tiền của nhà đầu tư đã đi đâu, bà Trang cho biết:

“Tiền đã đổ hết vào nhà máy sản xuất, phụ tùng xe đạp, chi phí “ba tại chỗ”, chi phí vận tải tăng gấp nhiều lần sau COVID-19 khi nhập nguyên liệu đầu vào, lương kỹ sư công nhân,…”, bà Trang chia sẻ.

Theo thông tin tờ VTC News có được, trong giấy phép đầu tư, Arevo Việt Nam có số vốn đăng ký là 19,5 triệu USD. Đến thời điểm ngưng hoạt động, theo số liệu của Arevo Việt Nam, doanh nghiệp đã chi 165,59 tỷ đồng (chiếm 35,9% tổng vốn đầu tư đăng ký). Trong đó Arevo Inc (Mỹ) góp 23,03 tỷ đồng, 142,56 tỷ đồng là phần vốn huy động từ cổ đông.

Trước khi ngưng hoạt động, Arevo Việt Nam đã đầu tư hơn 22 tỷ đồng cho máy móc thiết bị, gần 8 tỷ đồng thi công nhà xưởng, các khoản thuế và phí và tiền thuê đất đã nộp là hơn 28 tỷ đồng. Hiện công ty còn nghĩa vụ thanh toán khoản vay 142,5 tỷ đồng từ Arevo Inc. 

Dựa vào số vốn huy động được, Tiến sĩ Vũ Thế Dũng, CEO Thinking School Việt Nam, đã đặt ra câu hỏi về bức tranh tài chính của dự án này. Ông Dũng cho hay, dựa theo số liệu từ Indiegogo, dự án đã nhận được số tiền tài trợ 1,173 triệu USD, sau khi trừ 5% phí nền tảng, con số cuối cùng Arevo nhận được là 6,8 triệu USD, tức khoảng 160 tỷ đồng theo tỷ giá hiện tại.

Trong tổng số vốn đăng ký 19,5 triệu USD trên giấy tờ, Arevo thực tế mới chi 165 tỷ đồng cho công việc phát triển dự án, tính đến thời điểm dừng hoạt động. Vị tiến sĩ nhận ra rằng số tiền công ty chi ra gần như tương đương với số tiền huy động được từ cộng đồng Indiegogo.

  Tiến sĩ Vũ Thế Dũng, CEO Thinking School Việt Nam. (Ảnh: Thinking School Việt Nam).

Trước thông tin này, ông Vũ Thế Dũng đặt câu hỏi: Phải chăng Arevo chỉ sử dụng tiền huy động được từ cộng đồng và các nhà sáng lập hầu như không phải bỏ tiền hoặc nếu có thì cũng là con số rất nhỏ?

Theo ông Dũng, nếu số liệu được công bố là chính xác thì Superstrata hoàn toàn là một dự án “tay không bắt giặc”, “lấy mỡ nó rán nó” của các nhà sáng lập.

"Cho đến khi đóng cửa họ chưa hề có một nỗ lực đầu tư tài chính thực sự nào từ bản thân, mà chỉ đơn giản xài hết số tiền được các nhà đầu tư hay đúng hơn các nhà tài trợ", ông Dũng nhận định.

Ngoài ra, theo vị tiến sĩ, dù dự án được quảng cáo là nhà máy in 3D lớn nhất thế giới tại Việt Nam, song Arevo mới đầu tư 22 tỷ đồng cho máy móc thiết bị và 8 tỷ đồng cho nhà xưởng, tức khoảng 18% trong tổng số 165 tỷ đồng. Ông Dũng đặt câu hỏi về đường đi của số tiền hơn 135 tỷ đồng còn lại được dùng cho bộ máy nhân sự.

Về phía mình, bà Lê Diệp Kiều Trang cho biết Arevo là công ty VC backed (Venture Capital-Backed) nghĩa là nhận đầu tư của các quỹ Venture Capital (đầu tư mạo hiểm) uy tín nhất như Khosla Ventures, Founders Fund,…

“Mỗi quý mình đều có báo cáo tài chính và kiểm toán rõ ràng với nhà đầu tư. Đó cũng là lý do vì sao khi gọi vốn cộng đồng, Arevo được tin tưởng hơn và nhận được nhiều đóng góp từ cộng đồng. 

Do hoạt động chuyên nghiệp như vậy, mình không thể tự tiện chia sẻ báo cáo tài chính của công ty lên mạng được, vì lý do bảo mật thông tin về chi phí, tính cạnh tranh của sản phẩm,… Mình cũng muốn công bố lắm nhưng điều này các nhà đầu tư khác không cho phép”, bà Kiều Trang chia sẻ.

Nhà đầu tư nên chấp nhận rủi ro

Trao đổi với người viết, ông Chương Đặng - một nhà đầu tư trong dự án này thông qua Indiegogo, cho biết:"Tôi không có cảm tình với trang Indiegogo. Và việc mua xe đạp này không phải là kinh nghiệm không vui duy nhất trên Indiegogo... gọi là mua thì không đúng lắm mà nên là hứa bán rẻ khi đầu tư mạo hiểm".

Ông Chương cho rằng trang Indiegogo tạo ra nơi trung gian, giúp nhà đầu tư chuyển tiền để đội ngũ dự án làm sản phẩm khi họ đã khá chắc chắn về việc sẽ sản xuất nhưng chưa thật sự sản xuất đại trà. Người dùng bày tỏ bản thân đã hiểu và chấp nhận cách vận hành của Indiegogo. 

"Khi có sản phẩm thì họ sẽ bán cho mình theo giá ưu đãi đã thống nhất. Thao tác chọn sản phẩm và trả tiền thì đúng là hơi giống mua hàng online. Đây là trang web trung gian giữa người phát minh và... khách chịu chơi.

Cho nên nhiều người nói là đầu tư mà không sản xuất được thì trả lại vốn thì không chính xác tinh thần của loại hình này. Vì nó là một kiểu đầu tư mạo hiểm và nếu có lý do bất khả kháng thì sẽ không có sản phẩm", ông Chương Đặng nói.

Tương tự, nói về dự án bà Lê Diệp Kiều Trang cho biết do sản phẩm vẫn trong giai đoạn R&D (nghiên cứu và phát triển) nên chắc chắn còn nhiều khiếm khuyết, không thể hoàn thiện như sản phẩm thương mại.

“Vì đây là khoản tài trợ cho một dự án còn rất nhiều rủi ro, có rất nhiều công ty/dự án không đến được đích cuối cùng và nhà tài trợ không bao giờ nhận được sản phẩm”, bà Trang chia sẻ.

Thùy Trang