Hơn 7 triệu USD của nhà đầu tư đã đi đâu khi bà Lê Diệp Kiều Trang tuyên bố dự án thất bại?
Theo bà Lê Diệp Kiều Trang, cựu Tổng giám đốc Arevo Việt Nam, dự án sản xuất xe đạp Superstrata in 3D bằng sợi carbon nguyên khối, đã thất bại và những người điều hành công ty đã chuyển hướng sang lĩnh vực khác.
Trước khi thất bại, dự án sản xuất xe đạp Superstrata đã được ông Sonny Vũ - chồng bà Lê Diệp Kiều Trang, đưa lên trang gọi vốn cộng đồng Indiegogo để huy động vốn. Trong vòng chưa đầy 3 tháng, dự án đã huy động được hơn 7 triệu USD từ các nhà đầu tư online. Ngoài ra, theo tờ TechCrunch, ông Sonny Vũ còn huy động được 25 triệu USD từ các nhà đầu tư khác với dự án in 3D.
Với số tiền trên, năm 2021, Arevo được chấp thuận đầu tư xây dựng nhà máy tại Khu công nghệ cao TP HCM với tổng vốn 19,5 triệu USD. Đến nay, theo nguồn tin của tờ Sài Gòn Giải Phóng, nhà máy này đã chấm dứt hoạt động.
Lý do là bởi “nhà đầu tư chưa thể sản xuất vật liệu carbon dẫn tới tăng chi phí, tạo ra thành phẩm không thể cạnh tranh trên thị trường và do dịch bệnh mà công ty không còn khả năng duy trì đội ngũ nghiên cứu và phát triển”.
Như vậy, có thể thấy, nhà máy này chưa thể sản xuất ra sản phẩm là vật liệu carbon hay xe đạp như kế hoạch ban đầu.
Trên trang Facebook cá nhân, nhiều người đặt câu hỏi cho bà Lê Diệp Kiều Trang là dự án đã thất bại, vậy tiền của nhà đầu tư ở đâu?
Bởi theo tìm hiểu của chúng tôi, thông báo từ Indiegogo cho biết, Superstrata là một dự án “crowdfunding” (gọi vốn cộng đồng) và người tài trợ có quyền yêu cầu được hoàn lại toàn bộ tiền khi chiến dịch gọi vốn kết thúc vào ngày 10/10//2020. Bất kỳ khoản hoàn trả nào sau ngày này đều thuộc trách nhiệm của chủ sở hữu chiến dịch là ông Sonny Vũ.
Tuy nhiên, như đã phản ánh, nhiều nhà đầu tư đã liên lạc với Arevo để được hoàn lại tiền sau hơn 3 năm chờ đợi nhưng đến nay công ty vẫn im lặng và không phản hồi.
Trước câu hỏi này, bà Lê Diệp Kiều Trang cho biết: “Tiền đã đổ hết vào nhà máy sản xuất, phụ tùng xe đạp, chi phí “ba tại chỗ”, chi phí vận tải tăng gấp nhiều lần sau COVID-19 khi nhập nguyên liệu đầu vào, lương kỹ sư công nhân,…”.
Thực tế, trước khi lùm xùm xảy ra, chia sẻ trên trang Indiegogo, ông Sonny Vũ cũng cho biết khi các công ty khác phải giải thể do gặp khó khăn, Arevo vẫn kiên trì theo đuổi mục tiêu, cắt giảm chi phí. Khi các thành phố phải đóng cửa vì dịch bệnh, 150 công nhân tại nhà máy và nhân viên vẫn tình nguyện bám trụ trong cơ sở sản xuất suốt ba tháng ròng.
"Khi chúng tôi bắt đầu hành trình này hơn hai năm trước, chúng tôi dự kiến việc hoàn thành sẽ mất vài tháng chứ không phải vài năm. Đại dịch toàn cầu, xung đột và suy thoái kinh tế cũng là những kịch bản chưa hề được tính đến", ông Sonny Vũ chia sẻ.
Về tính minh bạch trong sử dụng tiền của nhà đầu tư, bà Kiều Trang cho biết thêm, Arevo là công ty VC backed (Venture Capital-Backed) nghĩa là nhận đầu tư của các quỹ Venture Capital (đầu tư mạo hiểm) uy tín nhất như Khosla Ventures, Founders Fund,…
“Mỗi quý mình đều có báo cáo tài chính và kiểm toán rõ ràng với nhà đầu tư. Đó cũng là lý do vì sao khi gọi vốn cộng đồng, Arevo được tin tưởng hơn và nhận được nhiều đóng góp từ cộng đồng.
Do hoạt động chuyên nghiệp như vậy, mình không thể tự tiện chia sẻ báo cáo tài chính của công ty lên mạng được, vì lý do bảo mật thông tin về chi phí, tính cạnh tranh của sản phẩm,… Mình cũng muốn công bố lắm nhưng điều này các nhà đầu tư khác không cho phép”, bà Kiều Trang chia sẻ.
Ngoài số vốn huy động được từ cộng đồng kể trên, bà Lê Diệp Kiều Trang tiết lộ trong dự án này còn có 20 triệu USD tiền của bà Trang và các nhà đầu tư khác đổ vào Việt Nam.
Bà Trang chia sẻ: “Vì đây là khoản tài trợ cho một dự án còn rất nhiều rủi ro, có rất nhiều công ty/dự án không đến được đích cuối cùng và nhà tài trợ không bao giờ nhận được sản phẩm”.