|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

IMF: Nhật Bản nên cân nhắc về việc can thiệp vào thị trường tiền tệ

23:00 | 15/10/2023
Chia sẻ
Quan chức Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết chừng nào chênh lệnh lãi suất giữa Nhật Bản với Mỹ vẫn còn khoảng cách lớn, thì đồng tiền của quốc gia châu Á vẫn đối mặt với áp lực giảm giá.

Đồng tiền mệnh giá 10.000 yen Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Phó Vụ trưởng Vụ châu Á-Thái Bình Dương của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Sanjaya Panth, ngày 14/10, cho biết sự sụt giá gần đây của đồng yen xuất phát từ các yếu tố cơ bản của nền kinh tế, đồng thời kêu gọi các cơ quan chức năng Nhật Bản nên cân nhắc không can thiệp vào thị trường tiền tệ.

Ông Panth phân tích tỷ giá hối đoái của đồng tiền Nhật Bản bị ảnh hưởng khá nhiều bởi các yếu tố kinh tế cơ bản. Chừng nào chênh lệnh lãi suất giữa quốc gia châu Á này với Mỹ vẫn còn khoảng cách lớn, thì đồng tiền nước này vẫn đối mặt với áp lực giảm giá.

Từ năm 2022, trong bối cảnh Mỹ và các nền kinh tế lớn khác trên toàn cầu liên tục tăng lãi suất, các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) tiếp tục kiên định chính sách lãi suất siêu thấp.

Đây là nguyên nhân cơ bản kéo giá đồng yen đi xuống, chạm đáy 32 năm so với đồng USD. Giữa tháng 9/2023, các quan chức Nhật Bản đã ra tín hiệu có thể can thiệp, nếu đồng nội tệ tiếp tục giảm nhanh.

Ông Panth cho biết IMF coi việc can thiệp ngoại hối chỉ hợp lý khi có sự rối loạn nghiêm trọng trên thị trường, rủi ro ổn định tài chính tăng cao hoặc nguy cơ lạm phát không còn ổn định. Tuy nhiên, đối với trường hợp đồng yen, không có bất kỳ yếu tố nào trong ba yếu tố chính kể trên đang tồn tại.

Vào tháng 9 và 10/2022, BoJ, lần đầu tiên kể từ năm 1998, đã tiến hành mua vào đồng tiền nội tệ, nhằm ngăn chặn sự sụt giảm mạnh mẽ của đồng yen, trước khi giá trị của đồng tiền này rơi xuống mức thấp nhất trong 32 năm là 151,94 yen đổi 1 USD.

Nhưng bất chấp việc đồng yen đã xuyên thủng mốc đáy nói trên, Thống đốc BoJ Kazuo Ueda vẫn khẳng định quyết tâm theo đuổi mục tiêu lạm phát 2%. Ông nhấn mạnh sự cần thiết phải giữ lãi suất ở mức cực thấp, cho đến khi lạm phát đạt ngưỡng mục tiêu, nhờ nhu cầu mạnh mẽ và mức lương tăng liên tục.

Theo chuyên gia Panth, triển vọng lạm phát ngắn hạn của Nhật Bản có nhiều mặt tích cực hơn là rủi ro tiêu cực, khi nền kinh tế lớn thứ hai châu Á đang hoạt động gần hết công suất và giá cả tăng ngày càng được thúc đẩy bởi nhu cầu vững chắc.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng "chưa phải lúc" để BoJ tăng lãi suất ngắn hạn, do sự không chắc chắn về nhu cầu toàn cầu, có khả năng gây ảnh hưởng đến nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của Nhật Bản.

Ông Panth khuyến nghị BoJ nên tiếp tục thực hiện các giải pháp, cho phép lãi suất dài hạn di chuyển linh hoạt hơn, để tạo nền tảng cho việc thắt chặt tiền tệ cuối cùng.

Hiện BoJ đang duy trì lãi suất ngắn hạn ở mức -0,1%. Cơ quan này đặt mục tiêu 0% cho lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm theo chính sách kiểm soát đường cong lợi suất (YCC).

Khi lạm phát gia tăng gây áp lực lên lợi suất trái phiếu, BoJ đã nới lỏng việc kiểm soát chặt chẽ lãi suất dài hạn, bằng cách tăng trần lãi suất trên thực tế vào tháng 12/2022 và tháng 7/2023.

 

Diệu Linh