|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

IMF đánh giá Việt Nam không còn là 'quốc gia thu nhập thấp đang phát triển'

16:10 | 17/04/2024
Chia sẻ
Trong báo cáo tháng 4/2024, IMF đánh giá Việt Nam không còn là quốc gia thu nhập thấp đang phát triển (LIDC) và hạ dự báo tăng trưởng năm 2025 từ 6,9% xuống 6,5%.

Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) vừa công bố báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu (WEO) số tháng 4/2024. Trong báo cáo trên, IMF cho biết Việt Nam đã được loại khỏi rổ các quốc gia thu nhập thấp đang phát triển (LIDC) và đưa vào nhóm thị trường mới nổi và nền kinh tế thu nhập trung bình (EMMIE).

Về tăng trưởng kinh tế, IMF vẫn duy trì dự báo tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam trong năm 2024 ở mức 5,8%, trong khi giảm dự báo năm 2025 từ 6,9% trong báo cáo tháng 10/2023 xuống 6,5%. Ngoài ra, IMF cũng hạ một loạt dự báo dài hạn của Việt Nam kể từ năm 2025 đến 2029. 

GDP năm 2023 của Việt Nam đã vượt dự báo của IMF. 

Trong báo cáo này, IMF cũng dự báo giá tiêu dùng dự kiến sẽ tăng 3,7% trong năm 2024, cao hơn so với kết quả 3,3% của năm ngoái, sau đó giảm xuống 3,4% vào năm 2025. Thặng dư tài khoản vãng lai trong năm 2024 dự báo sẽ giảm đáng kể, xuống 2,3% GDP trong năm 2024, so với mức 5,1% vào năm 2023. Cán cân này sẽ tiếp tục giảm xuống 2% GDP vào năm 2025. 

IMF dự báo tỷ lệ thất nghiệp năm 2024 của Việt Nam sẽ nhích nhẹ lên 2,1%, cao hơn 0,1 điểm % so với 2023. Sang 2025, tỷ lệ thất nghiệp sẽ điều chỉnh xuống 2%. 

Tại nhóm các quốc gia mới nổi và đang phát triển, tăng trưởng dự kiến sẽ ổn định ở mức 4,2% trong năm 2024 và 2025. Tốc độ tăng trưởng chậm lại ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển được bù đắp chủ yếu bởi tốc độ tăng trưởng ngày càng nhanh của các nền kinh tế khu vực Trung Đông, Trung Á và châu Phi hạ Sahara. 

Trong khi đó, nhóm các quốc gia LIDC dự kiến có mức tăng trưởng tăng dần, từ 4,0% vào năm 2023 lên 4,7% vào năm 2024 và 5,2% vào năm 2025, khi một số hạn chế đối với tăng trưởng ngắn hạn được nới lỏng.

Tăng trưởng ở khu vực châu Á mới nổi và đang phát triển (bao gồm Việt Nam) dự kiến tăng trưởng GDP sẽ giảm từ mức ước tính 5,6% vào năm 2023 xuống còn 5,2% vào năm 2024 và 4,9% vào năm 2025. Kết quả này tích cực hơn một chút so với báo cáo tháng 1/2024,  

Tăng trưởng ở Trung Quốc được dự đoán sẽ chậm lại từ 5,2% vào năm 2023 xuống còn 4,6% vào năm 2024 và 4,1% vào năm 2025 do tác động tích cực của các yếu tố như nỗ lực thúc đẩy tiêu dùng và kích thích tài chính sau đại dịch biến mất và khó khăn trên thị trường bất động sản ngành vẫn tồn tại. 

Tăng trưởng ở Ấn Độ được dự đoán sẽ tiếp tục mạnh mẽ, ở mức 6,8% vào năm 2024 và 6,5% vào năm 2025. Kết quả này phản ánh nhu cầu trong nước tiếp tục mạnh và dân số trong độ tuổi lao động ngày càng tăng.

Trên phạm vi toàn cầu, tăng trưởng dự báo sẽ duy trì ở tốc độ 3,2% trong cả năm 2024 và 2025, tương tự như 2023. Ước tính của IMF trong báo cáo lần này cao hơn 0,1 điểm % so với báo cáo tháng 1/2024 và 0,3 điểm % so với báo cáo hồi tháng 10/năm ngoái.

Theo IMF, tốc độ tăng trưởng này thấp hơn so với trung bình lịch sử do những yếu tố như chi phí cho vay cao, thiếu chính sách hỗ trợ, ảnh hưởng từ xung đột Ukraine, tăng trưởng năng suất yếu và phân mảnh địa chính trị.

Lạm phát toàn phần được dự kiến sẽ giảm từ 6,8% của năm 2023 xuống 5,9% trong năm 2024 và 4,5% vào năm 2025. Trong đó, nhóm các quốc gia phát triển sẽ sớm đạt mục tiêu lạm phát hơn các nền kinh tế mới nổi.

Tuy nhiên, một loạt các yếu tố như chính sách tài khóa nới lỏng, lạm phát tụt nhanh hơn dự báo hay tỷ lệ tham gia lực lượng lao động cao hơn có thể giúp các ngân hàng trung ương toàn cầu sớm khởi động kế hoạch nới lỏng. Ngoài ra, trí tuệ nhân tạo và các cải cách cơ cấu có thể giúp năng suất tăng lên.

Minh Quang

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.